Cần đồng bộ trong quản lý đất đai

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDÐ) là tài sản giá trị, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống, sản xuất của nhiều hộ gia đình, cá nhân và tổ chức. Ðây là nền tảng quan trọng giúp bỏ cá nhân, hộ gia đình yên tâm sử dụng, đầu tư kinh doanh trên mảnh đất của mình. Tuy nhiên, việc cấp GCNQSDÐ thời gian qua trên địa bàn tỉnh còn gặp không ít khó khăn, vẫn còn rất nhiều hộ gia đình, cá nhân dù đã quản lý, canh tác nhiều năm nhưng vẫn chưa thể có được giấy tờ pháp lý này để Nhà nước thừa nhận và bảo hộ quyền, lợi ích có liên quan.

Tính đến nay, toàn tỉnh đã cấp GCNQSDÐ cho 464.684 thửa đất, với diện tích 259.200 ha.

Qua số liệu thống kê của UBND các huyện, TP Cà Mau cho thấy, hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn khoảng 30.092 thửa đất, với diện tích hơn 58.277 ha chưa thực hiện thủ tục kê khai, đăng ký đất đai để được xem xét cấp GCNQSDÐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Trong đó, còn khoảng 29.167 thửa đất, với diện tích hơn 57.715 ha tồn đọng của cá nhân chưa được cấp GCNQSDÐ, còn lại là của các đơn vị tổ chức, cơ quan Nhà nước. Trong số diện tích còn tồn đọng này thì khu vực liên quan đến đất lâm nghiệp đang chiếm diện tích khá lớn.

Khu vực đất lâm nghiệp Ấp 19, xã Nguyễn Phích, đã được người dân chuyển sang sản xuất theo hình thức 1 vụ lúa - 1 vụ tôm.

Khu vực đất lâm nghiệp Ấp 19, xã Nguyễn Phích, đã được người dân chuyển sang sản xuất theo hình thức 1 vụ lúa - 1 vụ tôm.

Thiếu đồng bộ trong các quy định là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Cụ thể, có thể dẫn chứng Ðiều 15, Luật Lâm nghiệp và Ðiều 36, Nghị định số 156/2018/NÐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định giao đất phải đồng bộ với giao rừng. Tuy nhiên, đến nay lại chưa ban hành bộ thủ tục về thực hiện trình tự, thủ tục giao rừng, cho thuê rừng thống nhất, đồng bộ với giao đất, cho thuê đất.

Liên quan đến những khó khăn trong công tác giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDÐ, bà Phạm Mai Thắm, Phó giám đốc Văn phòng Ðăng ký đất đai tỉnh Cà Mau, phân tích, các đối tượng theo phương án giao đất được duyệt, chưa được cấp thẩm quyền giao đất, cấp GCNQSDÐ thì đã chuyển nhượng, tặng cho, chuyển đổi, thừa kế... từ đó gặp khó khăn trong việc xử lý các trường hợp này theo quy định của pháp luật.

2 ha đất của gia đình ông Trần Văn Nhân, Ấp 19, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh đã chuyển sang sản xuất 1 vụ lúa - 1 vụ tôm. (Ảnh chụp ngày 11/1/2024).

2 ha đất của gia đình ông Trần Văn Nhân, Ấp 19, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh đã chuyển sang sản xuất 1 vụ lúa - 1 vụ tôm. (Ảnh chụp ngày 11/1/2024).

Hiện nay, có một số hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất lâm nghiệp có nguồn gốc do thuê từ các hộ gia đình, cá nhân đã được giao khoán đất lâm nghiệp trước đây, đến nay đã chấm dứt hợp đồng giao khoán. Do đó, việc xác định đối tượng để lập và trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án giao đất, giao rừng theo quyết định của UBND tỉnh gặp nhiều khó khăn do không đúng đối tượng giao đất, giao rừng.

Cách đây gần 10 năm, sau khi nhượng lại thành quả lao động (sổ xanh) trên 5 ha tại khu vực Ấp 20, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, ông Trương Minh Chiến tiến hành kê liếp 50% diện tích để trồng rừng, phần còn lại canh tác lúa. Thế nhưng, ngoài 50% diện tích canh tác lúa cho thu hoạch thì phần diện tích rừng gần như không mang lại hiệu quả, bởi đất khu vực này đã nhiễm mặn từ nhiều năm trước.

“Bỏ ra hơn 70 triệu đồng để kê liếp trồng rừng, nhưng do đất đã nhiễm mặn trước đó nên rừng không phát triển, đến nay đã 8-9 năm mà có thu được gì đâu. Nhiều thương lái vào, họ nhìn rừng rồi lẳng lặng bỏ đi mà không thèm cho giá. Sổ xanh cũng đã hết thời hạn 7-8 năm nay nên muốn vay vốn hay làm việc gì cũng không thể. Quản lý, canh tác nhiều năm nhưng có thể xem là không có miếng giấy độn lưng”, ông Chiến bộc bạch.

Sử dụng đất rừng sai mục đích là thực tế đã diễn ra cách đây nhiều năm của nhiều hộ dân một số khu vực thuộc các xã: Nguyễn Phích, Khánh Thuận (huyện U Minh). Ðiều tất nhiên, với hiện trạng ấy thì đây cũng là số diện tích không đủ điều kiện để cấp GCNQSDÐ. Bởi, để được cấp GCNQSDÐ, họ buộc phải chuyển lại trồng rừng. Tuy nhiên, đây là vấn đề gần như rất khó thực hiện do đất đã bị nhiễm mặn nhiều năm. Ông Trần Văn Nhân, Ấp 19, xã Nguyễn Phích, chia sẻ: “Nếu trồng rừng lại, nguy cơ dân khu vực này bị đói rất cao”.

Nhiều hộ dân sinh sống và sản xuất ổn định tại Ấp 19, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh mấy mươi năm qua nhưng vẫn chưa thể đăng ký và được cấp GCNQSDÐ.

Nhiều hộ dân sinh sống và sản xuất ổn định tại Ấp 19, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh mấy mươi năm qua nhưng vẫn chưa thể đăng ký và được cấp GCNQSDÐ.

Bên cạnh đó, bà Phạm Mai Thắm cho biết thêm, có những thửa đất nguồn gốc phức tạp, chưa rõ ràng, nhất là tình trạng người sử dụng đất chuyển nhượng, tặng cho không đúng quy định, chưa cung cấp được các loại giấy tờ liên quan đến nguồn gốc sử dụng đất, nguồn gốc sử dụng đất chưa rõ ràng cần phải xác minh lại. Ngoài ra, còn có tình trạng hộ gia đình, cá nhân không đủ khả năng tài chính nộp tiền sử dụng đất; nhiều trường hợp ranh giới thửa đất không rõ ràng, khi đo đạc để lập thủ tục cấp GCNQSDÐ thì xảy ra tranh chấp ranh đất và cả tình trạng đang sử dụng đất do được giao trái thẩm quyền, lấn chiếm đất công, đất ven sông, kênh, rạch, hiện nay không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt...

Không chỉ cá nhân hộ gia đình mà đối với tổ chức là đơn vị, cơ quan Nhà nước, hiện nay, toàn tỉnh vẫn còn 925 thửa đất, với diện tích 562 ha tồn đọng chưa kê khai, đăng ký. Một số khu vực còn vướng mắc về nguồn gốc và ranh giới; một số thì hiện trạng sử dụng đã biến động so với bản đồ địa chính đang quản lý nên công tác đăng ký, xét cấp GCNQSDÐ và giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai gặp nhiều khó khăn, cần đo đạc, xác minh thực tế, làm kéo dài thời gian, gây phiền hà cho người sử dụng đất; hay có nơi công tác quản lý về nhà, đất của cơ quan, đơn vị còn hạn chế, có trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích, cho thuê, cho mượn đất trái pháp luật, để đất bị lấn, chiếm... Hàng loạt những nguyên nhân ấy đã khiến cho công tác kê khai, đăng ký đất đai và cấp GCNQSDÐ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, tồn đọng trong thời gian dài.

Ðất đai là tài sản lớn, tác động trực tiếp đến đời sống của nhiều người dân và cả sự phát triển của kinh tế - xã hội. Do đó, công tác quản lý, sử dụng đất đai cần có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ông Huỳnh Thanh Dũng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết, Sở đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai, hệ thống thông tin đất đai theo hướng hiện đại, đồng bộ để cung cấp thông tin kịp thời, công khai cho các tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận, nhất là thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất sạch..., góp phần thu hút đầu tư. Qua đó, từng bước đưa công tác quản lý đất đai đi vào nền nếp, đồng thời góp phần tăng nguồn thu tiền sử dụng đất cho ngân sách./.

Nguyễn Phú

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/can-dong-bo-trong-quan-ly-dat-dai-a33399.html