Cần đột phá chính sách để giữ chân những người thầy giỏi
Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đang được triển khai quyết liệt. Một trong những nhiệm vụ quan trọng được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh trong đó là phát triển đội ngũ nhà khoa học.
“Một môi trường ĐH làm việc mà không có những người xuất sắc, đam mê cống hiến sẽ rất khó trở thành ĐH đúng nghĩa”.
Đó là lời chia sẻ thẳng thắn của PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, khi bắt đầu triển khai những chương trình trọng điểm để thu hút hàng trăm giảng viên (GV), nhà khoa học giỏi.
Có thể nói chưa bao giờ các cơ sở đào tạo ĐH tung nhiều chính sách hấp dẫn để thu hút, giữ chân nhà khoa học, giảng viên trình độ cao nhiều như thời gian gần đây.
Một tiến sĩ ứng tuyển thành công nhận thưởng ngay 100-200 triệu đồng và nếu là GS con số này lên tới nửa tỉ đồng là bình thường, đơn vị nào mạnh về tài chính còn có thể trả cao hơn. Bên cạnh đó, có những trường chi trả đầy đủ thu nhập và tài trợ toàn bộ học phí cho GV học nâng cao trình độ, những sinh viên xuất sắc được săn đón với những đãi ngộ đặc biệt…

Điều đó cho thấy công tác phát triển đội ngũ của các cơ sở đào tạo đang ngày càng được chú trọng. Không ít trường nhờ đó đã thu hút thêm nhiều nhà khoa học, GV, thậm chí có những người tốt nghiệp tiến sĩ từ các trường ĐH hàng đầu trên thế giới cũng trở về ứng tuyển với mong muốn đóng góp cho công tác đào tạo, nghiên cứu của nước nhà.
Thế nhưng những kết quả đạt được vẫn chưa đáng kể, thậm chí có những đơn vị nhận về chỉ là số 0 hoặc số GV tuyển mới cũng không hơn số giảng viên thôi việc, khiến công tác phát triển đội ngũ gặp ít nhiều khó khăn.
Rõ ràng, những chính sách thu hút hấp dẫn ban đầu là cần thiết nhưng không thực sự quan trọng với các nhà khoa học, giảng viên trình độ cao. Bởi điều họ cần lớn hơn là môi trường, điều kiện làm việc để phát triển bản thân, nâng cao chuyên môn trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Cùng với đó, những nỗ lực, tận tâm của họ cũng phải được đãi ngộ xứng đáng bằng thu nhập hằng tháng, hằng năm và những phúc lợi khác để họ an tâm cống hiến.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với hàng loạt điểm nhấn đáng chú ý, hướng đến mục tiêu bứt phá trong đào tạo nhân lực cao, cạnh tranh được với thế giới.
Đáng chú ý, một trong những nhiệm vụ quan trọng được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh trong Nghị quyết 57 là phát triển đội ngũ các nhà khoa học.
Để thực hiện tốt các yêu cầu trên, bên cạnh những nỗ lực nội sinh các cơ sở đào tạo, nghiên cứu còn cần có những giải pháp mang tính tổng thể từ Nhà nước.
Những chiến lược đang được cả nước quyết tâm triển khai chính là cơ hội để cùng nhìn lại hệ thống chính sách của nước nhà, từ đó có những điều chỉnh, những quyết sách đột phá về cơ chế tài chính, cải thiện hạ tầng nghiên cứu để tạo động lực lớn cho các nhà khoa học, giảng viên trình độ cao. Chỉ khi hệ sinh thái ĐH thực sự hấp dẫn đối với nhân tài trong nước và quốc tế, mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực cao và đột phá trong phát triển khoa học công nghệ mới thực sự chuyển mình để đi đến thành công.
Nguồn PLO: https://plo.vn/can-dot-pha-chinh-sach-de-giu-chan-nhung-nguoi-thay-gioi-post842261.html