Cần đưa doanh nghiệp vào trường học
Cần đưa doanh nghiệp vào trường học là nội dung được các doanh nghiệp quan tâm tại một hội thảo vừa được tổ chức tại TP.HCM trước những lo ngại của khi sự phát triển nhanh của công nghệ, nhiều kiến thức sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường đã trở nên lỗi thời, lạc hậu
Sinh viên vừa ra trường đã lỗi thời
Mang đến một chiếc lót ly, ông Nguyễn Hoàng Anh Phi – Phó Tổng Giám đốc Khách sạn Sheraton cho biết trước đây trong trường học, cái ly hình tròn thì chiếc lót ly hình tròn, sau này biến tấu ly thành hình vuông và giờ là bất cứ hình gì. Chỉ một ví dụ nhỏ thôi đã cho thấy có sự thay đổi trong nghề nghiệp, giá trị sử dụng, kết cấu cũng như cách hiểu biết và biến tấu của xã hội mà trường học và doanh nghiệp đôi khi khó theo kịp. Ông cũng thắng thắn chỉ ra một số trường đại học quan hệ với doanh nghiệp chỉ để nhờ gửi sinh viên qua thực tập, kiến tập hoặc tạo việc làm cho sinh viên chứ chưa đánh giá được giá trị qua lại. Tại sao không bán sản phẩm của trường cho doanh nghiệp – ông Phi đặt câu hỏi.
TS Nguyễn Tuấn Quỳnh – Founder & CEO Saigon Books mang đến hội thảo câu chuyện cách đây 5 năm khi được mời hợp tác phát triển trên Tiktok. Khi đó, ông thấy rằng những video clip trên nền tảng này không phù hợp nên từ chối hợp tác. 5 năm sau, ông giật mình nhận ra Tiktok đang rất phổ biến và nó là một công cụ marketing và bán hàng cực kỳ quan trọng.
Ông Quỳnh tìm lại đối tác cũ và được chia sẻ rằng đã trễ một nhịp nhưng vẫn có cơ hội khi Tiktok sẽ cho ra đời Tiktok shop. Nắm bắt cơ hội, trong vài tháng qua, ông đã tìm kiếm những Tiktoker nổi tiếng ở Việt Nam hiện nay, có những người chỉ bằng tuổi con của mình để học từ họ, mời họ về dạy cho nhân viên của công ty. Ông dẫn chứng bước đầu thành công khi một cuốn sách xuất bản cách đây 5 năm chỉ bán được hơn 30.000 bản nhưng chỉ trong mấy tháng qua nhờ Tiktok đã bán được thêm 70.000 bản.
Dẫn chứng câu chuyện trên, TS Nguyễn Tuấn Quỳnh đúc kết: "Thực tế cuộc sống đang thay đổi quá nhanh. Công nghệ thay đổi quá nhanh và bản thân doanh nghiệp là người sống còn với việc kinh doanh của mình còn có lúc không theo kịp xu thế được thì chắc chắn sẽ luôn luôn có khoảng cách giữa đào tạo của nhà trường và thực tế cuộc sống. Thay đổi là tất yếu. Đại học hay doanh nghiệp cũng vậy, đều cần tâm thế học hỏi liên tục và học hỏi suốt đời".
Lọt vào danh sách 30 Under 30 châu Á dù không phải là nhà sáng lập Tiki, ThS Ngô Hoàng Gia Khánh – nguyên Phó Chủ tịch Tiki, Founding CEO AI-based Fintech cho rằng nhìn chung nhiều người lao động còn thiếu kỹ năng đặt câu hỏi, chọn lựa thông tin chính xác và độ lỳ lợm theo đuổi vấn đề từ đầu đến cuối, còn tình trạng làm việc kiểu "đầu voi đuôi chuột". Là một chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, ông Khánh nhận ra rằng áp lực từ phía công nghệ là rất lớn. Ông cảnh báo sinh viên hiện nay sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với 15-20 năm trước bởi những nhiều công việc đã bị máy móc thay thế.
"Các kỹ năng của sinh viên ra trường chưa gì đã lỗi thời. Tôi cho rằng các bạn nên sợ hãi dần và cố gắng chạy nhanh hơn bởi mình không thể đua kịp với AI được" – ông Khánh nói.
Rút kinh nghiệm trong 18 năm đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài, ông Nguyễn Hữu Nghĩa – Tổng Giám đốc Akane Group dẫn chứng câu hát "chỉ có thuyền mới hiểu biển mênh mông chừng nào" để nói về sự rộng lớn trên thế giới và nhà trường phải xác định tâm thế đó để điều chỉnh mình đi đúng hướng, không bị trôi dạt, lúng túng.
Ông Nghĩa nói, về mặt công nghệ, kiến thức rất tin tưởng người Việt học rất nhanh nhưng ngoại ngữ, văn hóa và tác phong thì đang bị mất điểm. Ông nhận ra rằng nhiều nhân lực Việt khi ra nước ngoài rơi vào tình trạng tư tưởng chưa tự do nhưng hành vi cực kỳ phóng túng.
"Chúng ta đang đi rất nhanh để hội nhập nhưng có một thứ không quan tâm đó là tác phong và lối sống. Nhân lực Việt đang rất kém khi ra nước ngoài, đó là đúng giờ, chào hỏi, xác nhận trước khi xử lý. Lối sống về nhà rất ồn ào, ăn nhậu lung tung… Chúng ta nghĩ quá lớn nhưng điều cơ bản lại chưa chú trọng. Điều này khiến chúng ta mất điểm rất nhiều", ông Nghĩa nêu.
Ông cũng đề cập tới việc chấm điểm thực tập cho sinh viên hiện nay còn du di, cho điểm cao nhưng không đúng năng lực. Vị Tổng Giám đốc ví việc thực tập là cửa ngõ để sinh viên bước ra trường vào doanh nghiệp, cần sự bắt tay giữa hai bên trên tinh thần nghiêm túc.
Đưa doanh nghiệp vào trường học
Từ những thực tế của mình, Founder & CEO Saigon Books nhận định những chương trình đào tạo trong nhà trường cần được xây dựng để không quá trễ với các trào lưu và nhu cầu thực tế.
Để làm chương trình đào tạo gắn được với thực tiễn, TS Nguyễn Tuấn Quỳnh cho rằng cần có sự tham gia của doanh nhân, doanh nghiệp góp phần tạo ra các chương trình đào tạo nó phù hợp tương đối với yêu cầu thực tế. Điều thứ hai không kém phần quan trọng là phải tạo điều kiện cho sinh viên và giảng viên có nhiều thời gian nhất ở tại doanh nghiệp.
Ông Quỳnh nhấn mạnh tới việc giảng viên không phải là thợ giảng. Cùng với đó, lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo khoa phải là những người có tư duy doanh nhân, tư duy là nhà trường đang có trong tay một đội ngũ giảng viên là những lao động trí thức giỏi nghề, giỏi chuyên môn, giàu nhiệt huyết, cần tạo điều kiện cho họ phát huy được giá trị từng giờ lên lớp và các hoạt động gắn với cộng đồng doanh nghiệp. Nhà trường cần xác định sinh viên không chỉ là những người đóng góp học phí mà họ còn là một lực lượng lao động rất tiềm năng và rất sáng tạo, hoàn toàn có thể tạo ra giá trị của bản thân khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Chỉ ra nguyên nhân khiến mối quan hệ giữa doanh nghiệp và trường đại học thời gian qua còn lỏng lẻo, vị CEO cho rằng đó là do thiếu niềm tin, thiếu trách nhiệm và quan trọng hơn là thiếu hiệu quả.
"Một mối quan hệ muốn có giá trị và bền vững thì cần là mối quan hệ trao đổi giá trị hai chiều. Hiện nay doanh nghiệp đang thiếu niềm tin vào nhà trường và ngược lại, nhà trường, giảng viên không có nhiều điều kiện để gắn bó với thực tiễn, vì vậy dẫn tới không có hiệu quả. Điều quan trọng hơn là cả hai đối tượng là doanh nhân và nhà trường chưa cảm thấy hết, chưa cảm nhận đúng được hết trách nhiệm của mình trong vấn đề liên quan đến đào tạo và đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội", TS Nguyễn Tuấn Quỳnh nói và cho rằng doanh nghiệp cũng nhận thức sinh viên là tài sản tương lai của doanh nghiệp, từ đó tham gia vào hoạt động đào tạo của đại học.
Bàn về giải pháp nâng cao hiệu quả kết nối doanh nghiệp và nhà trường, ThS. Phạm Văn Đạt – Giám đốc Trung tâm đào tạo theo nhu cầu xã hội cho biết: "Nhà trường cần thường xuyên lắng nghe phản hồi từ phía doanh nghiệp để cập nhật chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy và tăng cường thời lượng thực hành, thực tập cho sinh viên. Chú trọng đào tạo cho các em về kỹ năng, thái độ, rèn luyện tính kỷ luật và tác phong làm việc nghiêm túc, xây dựng cho sinh viên thói quen tự học, tự nghiên cứu giúp các em thêm bản lĩnh, tự tin và chủ động. Chính sự kết nối, hiểu được cái doanh nghiệp cần mà công tác đào tạo của nhà trường sẽ được điều chỉnh phù hợp, chuẩn nhân nhân lực đầu ra đáp ứng tốt nhu cầu tuyển dụng".
Nhà thiết kế Quỳnh Paris – Chủ tịch điều hành WLIN nhấn mạnh tới tính sáng tạo, đam mê, tình yêu thương, cảm xúc và sự khác biệt thì mới vượt qua được bất cứ khó khăn nào hay điều khiển được tất cả bởi con người hơn AI ở điểm đó.
Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/can-dua-doanh-nghiep-vao-truong-hoc-2023040306381428.htm