Cần gắn kết chặt chẽ cải cách TTHC với Chính phủ điện tử
Các địa phương cần gắn kết chặt chẽ giữa cải cách thủ tục hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử, trên cơ sở quan điểm: Cải cách hành chính, thủ tục hành chính là đi trước, dẫn dắt, ứng dụng CNTT là phương tiện.
Chiều 5/12 tại trụ sở Văn phòng Chính phủ (VPCP), Tổ công tác của Thủ tướng đã làm việc với 9 địa phương để kiểm tra tình hình triển khai nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính (TTHC).
Buổi làm việc có sự tham gia của đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Quảng Ninh; các cơ quan liên quan: Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Cơ yếu Chính phủ, VNPT, các Vụ, Cục, đơn vị thuộc VPCP…
Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Cao Lục, Tổ phó Tổ công tác của Thủ tướng chủ trì buổi làm việc.
Tạo cách làm việc mới hiện đại, tiết kiệm chi phí hành chính
Nêu một số kết quả nổi bật trong triển khai nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách TTHC, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (VPCP), Thường trực Tổ công tác của Thủ tướng cho biết trong công tác chỉ đạo, điều hành, các địa phương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức triển khai, thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban.
Các địa phương cũng đã xây dựng, triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh, tích hợp, kết nối liên thông và chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin (HTTT) trong nội bộ tỉnh và với các HTTT của các bộ, ngành (Lạng Sơn, Tuyên Quang,...); đồng thời, triển khai xây dựng nhiều HTTT, cơ sở dữ liệu (CSDL) phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, hoạt động quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước.
Về gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử, các địa phương đã hoàn thành việc kết nối, liên thông với Trục liên thông văn bản quốc gia theo hướng dẫn của VPCP để triển khai gửi, nhận văn bản điện tử.
Việc sử dụng chứng thư số tổ chức, cá nhân để trao đổi văn bản điện tử thông qua hệ thống quản lý văn bản, thư điện tử công vụ, giao dịch trên môi trường mạng giúp công khai, minh bạch và rút ngắn thời gian gửi, nhận, xử lý văn bản, nâng cao hiệu quả xử lý công việc, tạo ra một cách làm việc mới hiện đại, tiết kiệm chi phí hành chính.
Chẳng hạn như tại Bắc Kạn, trong 10 tháng đầu năm 2019, có khoảng 1,2 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận trên hệ thống, tiết kiệm chi phí hành chính khoảng trên 6 tỷ đồng. Tại Quảng Ninh có 2.093 chứng thư số của tổ chức và 4.540 chữ ký số cá nhân đã công bố và sử dụng trong giao dịch điện tử, kê khai thuế và bảo hiểm điện tử, triển khai dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực kho bạc, gửi nhận văn bản điện tử, giúp tiết kiệm cho tỉnh hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Bên cạnh đó, các địa phương đã và đang triển khai nâng cấp, hoàn thiện Cổng Dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, góp phần cải cách TTHC, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước theo hướng công khai, minh bạch, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Đối với công tác cải cách, kiểm soát tTTHC của các địa phương thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực, thể hiện qua việc cải thiện thứ hạng của các chỉ số như: Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) (năm 2017, 2018, Quảng Ninh giữ vị trí thứ 1); Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước- SIPAS (năm 2018, Sơn La đứng thứ 1/63 tỉnh, thành phố).
Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh hoạt động hiệu quả, cá nhân, tổ chức đến thực hiện TTHC đều hài lòng và đánh giá cao thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức trong việc hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC. Đơn cử, tại Quảng Ninh, tính từ đầu năm 2019 đến nay, Trung tâm phục vụ hành chính công đã tiếp nhận 67.539 hồ sơ, trong đó đã giải quyết 66.023 (99.98%) hồ sơ trước hạn và đúng hạn, còn lại là các hồ sơ đang trong hạn giải quyết.
Tuy nhiên, vẫn còn một số nhiệm vụ triển khai chậm và chưa đáp ứng yêu cầu. 3/9 địa phương chưa ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử sửa đổi. Việc ứng dụng chữ ký số vào phần mềm quản lý văn bản và điều hành tại một số địa phương chưa được triển khai đầy đủ (Điện Biên mới thực hiện tại 10 cơ quan, đơn vị).
Tỷ lệ văn bản ký số trên tổng số văn bản điện tử gửi đến VPCP (từ ngày 12/3/2019 đến ngày 15/11/2019) của một số địa phương còn chưa cao (Lào Cai: 52,7%; Điện Biên: 62,8%, Tuyên Quang: 67,4%). Việc thành lập, kiện toàn tổ chức bộ phận một cửa, thời hạn là quý IV/2018, tuy nhiên đến nay vẫn còn địa phương chưa hoàn thành.
Một số địa phương chưa hoàn thành việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo yêu cầu; số lượng hồ sơ trực tuyến phát sinh còn rất thấp. Nhiều địa phương chưa triển khai xây dựng HTTT báo cáo; các phương án đơn giản hóa TTHC hầu hết chỉ cắt giảm thời gian thực hiện, chưa gắn với việc đổi mới quy trình nghiệp vụ, ứng dụng CNTT.
Xây dựng Chính phủ điện tử là giải quyết 4 mối quan hệ
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách hành chính.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La, Lai Châu, các địa phương ở miền núi phía Bắc gặp một số khó khăn về nguồn kinh phí hạn hẹp, thiếu cán bộ, nhân lực công nghệ thông tin, dân trí chưa cao, người dân vẫn còn thói quen giao dịch trực tiếp với cơ quan hành chính nhà nước…
Chia sẻ kinh nghiệm, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết tỉnh xác định công tác này là một trong những đột phá chiến lược. Từ năm 2010, Quảng Ninh đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử, tổ chức nhiều đoàn tham khảo kinh nghiệm trong và ngoài nước, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đặt quyết tâm cao trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đưa cả hệ thống chính trị vào cuộc; đồng thời tuyên truyền cho người dân, nâng cao nhận thức của cán bộ trực tiếp làm công tác này…
Đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu, về định danh và xác thực điện tử cho cá nhân, tổ chức, về công tác văn thư, về TTHC trên môi trường điện tử…
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Cao Lục cho biết, các đề xuất, kiến nghị sẽ được Thường trực Tổ Công tác, VPCP tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xử lý.
Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Cao Lục cũng đề nghị các địa phương khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ triển khai chậm hoặc chưa đáp ứng yêu cầu. Trong đó, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh bảo đảm các chức năng theo quy định, kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia và sớm ban hành quy chế quản lý, vận hành các hệ thống này. Thực hiện tốt bản cam kết đồng hành cùng VPCP trong việc xây dựng, vận hành, phát triển Cổng Dịch vụ công quốc gia dự kiến khai trương vào ngày 9/12 tới đây.
Để việc tổ chức triển khai xây dựng chính quyền điện tử, cải cách TTHC đạt chất lượng, đáp ứng quy định, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Cao Lục nhấn mạnh: “Các địa phương phải gắn kết chặt chẽ giữa cải cách TTHC với xây dựng Chính phủ điện tử, trên cơ sở quan điểm: Cải cách hành chính, TTHC đi trước, dẫn dắt, ứng dụng CNTT là phương tiện”.
Do đó, các địa phương cần khẩn trương ban hành các quy trình nội bộ giải quyết TTHC, chế độ báo cáo,... trên cơ sở đó xây dựng quy trình điện tử để ứng dụng CNTT, phục vụ hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành; đồng thời xây dựng, nâng cấp Cổng dịch vụ công... theo đúng phương châm đã được Thủ tướng quán triệt: "Việc xây dựng Chính phủ điện tử là giải quyết 4 mối quan hệ, gồm 2 quan hệ với bên ngoài (Chính phủ với người dân, Chính phủ với doanh nghiệp) và 2 quan hệ nội bộ (giữa các cơ quan Chính phủ với nhau, giữa Chính phủ với cán bộ, công chức). Làm tốt mối quan hệ bên trong thì mới làm tốt mối quan hệ bên ngoài".
Bên cạnh đó, các địa phương cần phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các nhiệm vụ được giao. Đồng thời, làm tốt công tác lựa chọn, bố trí cán bộ, công chức làm công tác xây dựng Chính phủ điện tử; cải cách, kiểm soát TTHC; nâng cao chất lượng nhân lực thực hiện các công tác này để đáp ứng tốt yêu cầu, khối lượng công việc đặt ra; tăng cường hơn nữa công tác truyền thông để thống nhất nhận thức từ lãnh đạo tới cán bộ, công chức, viên chức…