Cần gì để HTX không bị hụt hơi trong phát triển du lịch nông nghiệp?

Muốn đi được đường dài trong phát triển mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn, các HTX cần tìm và vận dụng được các nguồn lực một cách phù hợp, có như vậy mới tránh được tình trạng hụt hơi sau một thời gian gắn bó với mô hình này.

Anh Phạm Tân Hưng, Giám đốc HTX Du lịch nông nghiệp sinh thái Trường Định (Đà Nẵng), cho biết mô hình du lịch trên diện tích 10ha của HTX có nhiều dịch vụ, trò chơi và cũng đã thu hút khách. Tuy nhiên, làm thế nào để tiếp tục mở rộng và tạo sự khác biệt với những điểm đến khác để thu hút khách, nhất là khách lưu trú qua đêm, vẫn luôn là câu hỏi thường trực của các thành viên.

Đuối sức trong quá trình vận hành

Trong khi đó, dù đã có tiếng trong phát triển thủ công mỹ nghệ, nhưng Tổ hợp tác đan lát ở xã Thái Mỹ (Củ Chi, TP HCM) vẫn gặp khó khăn trong việc thu hút khách du lịch đến tham quan cũng như đầu tư các dịch vụ nhằm thu hút khách.

Có thể thấy, thời gian qua, không ít HTX đã tự tìm hiểu, đầu tư và tự phát triển mô hình du lịch nông nghiệp. Chính vì vậy, sau một thời gian đi vào hoạt động, các HTX, tổ hợp tác thường bị đuối sức để duy trì, vận hành, phát triển, mở rộng mô hình du lịch nông thôn, trong khi đây là một ngành tiềm năng.

Số liệu của Tổ chức Du lịch thế giới cho thấy, lượng khách tham gia các hình thức du lịch nông thôn chiếm khoảng 10% tổng lượng khách du lịch giúp mang về doanh thu khoảng 30 tỷ USD mỗi năm, tỷ lệ khách nông thôn tăng 10 - 30%/năm. Là một nước đi lên từ nông nghiệp, Việt Nam cũng nằm trong xu thế ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước lựa chọn điểm đến là nông thôn để trải nghiệm.

HTX cần những mảnh ghép từ các nguồn lực để không bị khó khăn trong phát triển du lịch nông nghiệp.

HTX cần những mảnh ghép từ các nguồn lực để không bị khó khăn trong phát triển du lịch nông nghiệp.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, thu nhập bình quân của hộ dân làm du lịch cộng đồng ở Lào Cai là khoảng 50-70 triệu đồng/năm, một số hộ đạt 150 - 200 triệu/năm. Một số điểm du lịch cộng đồng ở Thanh Hóa đón được khoảng 184.000 lượt khách quốc tế và khách du lịch nội địa là 1,65 ngày/người/lượt. Điều này chứng tỏ sức hút của du lịch nông nghiệp là không hề nhỏ.

Dù biết tiềm năng của du lịch nông thôn, du lịch sinh thái là rất lớn nhưng các chủ thể phát triển mô hình hiện phần lớn là các HTX, tổ hợp tác lại đang gặp không ít khó khăn. Bởi để một mô hình du lịch nông thôn, du lịch sinh thái phát triển và mang lại hiệu quả, HTX phải liên tục nâng cấp, đầu tư, trong khi nông nghiệp lại phát triển theo mùa vụ. Nhiều HTX vẫn bị đuối vốn, đuối quan hệ, truyền thông, marketing…

Chính vì vậy mà thống kê đến năm 2023, Việt Nam có khoảng 40.000 cơ sở kinh doanh homestay với hơn 500 nghìn phòng nghỉ, nhưng số cơ sở được công nhận đạt chuẩn rất ít.

Đặc biệt, tình trạng đầu tư mô hình du lịch nông nghiệp nhưng sau một thời gian phải rao bán là không hiếm. Điều này khiến nhiều người, nhiều HTX có thể có cái nhìn lệch lạc chưa đúng về vai trò, bản chất của mô hình du lịch nông nghiệp.

"Mảnh ghép" từ 3 nguồn lực

Thiếu các nguồn lực cũng chính là những cản trở khiến nhiều HTX khó thu hút khách và việc phát triển các homestay đạt chuẩn gặp không ít khó khăn. Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, nông dân, HTX chính là chủ thể của mô hình du lịch, là chủ của những ngôi nhà, những homestay nên để họ không bị đuối sức thì chính những người nông dân, HTX này lại cần được định hướng phát triển một cách bài bản. Cũng là phát triển du lịch nông nghiệp nhưng HTX này đi vào trồng trọt là phù hợp nhưng HTX khác đi vào phát triển những mô hình cắm trại hiệu quả hơn… Muốn vậy, cần có những doanh nghiệp du lịch đỡ đầu để phần nào hỗ trợ, định hướng, giúp các HTX liên kết và phát triển.

Còn theo ông Phạm Thanh Tùng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Du lịch Nông nghiệp, các chủ thể cần phải biết rằng để có một mô hình du lịch hiệu quả và bền vững, cần xác định được các nguồn lực cần thiết để tập trung tìm kiếm, nghiên cứu, đầu tư một cách đúng đắn và phù hợp. Trong đó, đất đai (chiếm dưới 20% giá trị của dự án) là nguồn lực cực kỳ lớn, bởi “tấc đất, tấc vàng”. Hiện nay, đất đai vẫn là tài sản tăng giá rất nhanh, và tương lai không chỉ có giá đất mà những tài sản trên đất, những giá trị vô hình trên đất vẫn sẽ có giá trị rất cao.

Ngoài ra, nguồn lực về tài chính vẫn được coi là yếu tố quan trọng bậc nhất đối với các chủ thể. Thông thường, phần lớn các thành viên chỉ có nguồn lực từ đất của ông cha để lại, nên vấn đề tài chính càng khó khăn hơn. Trong khi làm du lịch nông nghiệp, HTX không chỉ cần nguồn tài chính để đầu tư ban đầu mà còn là để duy trì, vận hành mô hình này mỗi năm.

Và điều thứ ba chính là nguồn lực trí tuệ, tức là khả năng triển khai, vận hành mô hình du lịch đó. Muốn làm được điều này, thành viên HTX phải tìm cách nâng cấp tri thức hoặc thu hút những người có trí tuệ để đồng hành. HTX phải có tri thức về nông nghiệp và tri thức về vận hành du lịch thì mới tạo nên sự trải nghiệm hoàn hảo cho khách. Nếu không, giá trị của mô hình du lịch mà HTX làm ra không hiệu quả, không thu hút được khách.

Ông Phạm Thanh Tùng cho rằng chỉ khi HTX xác định và có đủ được 3 nguồn lực này và 3 nguồn lực này ghép lại với nhau sẽ tạo nên sự hoàn chỉnh cho mô hình du lịch nông nghiệp. Hiện, HTX thường có đất đai nhưng nếu thiếu tài chính, thiếu trí tuệ thì đó chỉ là farm thông thường, không còn yếu tố "stay trong homestay" - vận hành.

Đồng thời, khi 3 nguồn lực trên ghép với nhau thì HTX có thể kêu gọi sự đầu tư phù hợp. Cụ thể như HTX đầu tư du lịch nông nghiệp theo hướng sạch, ít sử dụng thuốc, ít phân bón nhưng đối tượng liên kết, hỗ trợ tài chính cho HTX lại muốn nhanh thu lợi nhuận thì không thể liên kết được với nhau.

Chính vì vậy, để 3 nguồn lực này đến được với nhau, HTX và các đối tác cần phải ngồi lại để xem mục tiêu, triết lý, giá trị, chiến lược mà mô hình du lịch HTX muốn đầu tư là gì, có hợp nhau không, có chung mục đích không thì mới ghép lại được với nhau và giúp các nguồn lực được phân bổ một cách phù hợp để mang lại hiệu quả. Một mô hình du lịch hiệu quả không thể để vấn đề đầu tư tài chính vào đất đai vượt quá 30% tổng tài chính dự án. Điều này sẽ khiến HTX “thiếu trước, hụt sau”.

Đặc biệt, để có được các nguồn lực và sử dụng các nguồn lực đó một cách phù hợp, HTX phải hiểu rõ về nông nghiệp, về du lịch, về tài chính… một cách xuyên suốt. Điều này giống như chiếc “rễ cọc” của mỗi cái cây phải thẳng. Nếu rễ cọc mà cong thì cây sẽ bị hỏng, cũng giống như mô hình du lịch nông nghiệp không thể thành công được.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/can-gi-de-htx-khong-bi-hut-hoi-trong-phat-trien-du-lich-nong-nghiep-1100110.html