Cần gì để lập sàn giao dịch xăng dầu?

Việc thành lập sàn giao dịch xăng dầu nhằm tăng tính công khai, minh bạch, giảm thiểu khả năng thao túng giá. Tuy nhiên để tránh rủi ro, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng cần có lộ trình thích hợp.

Luật chơi phức tạp

Từ thực tiễn thị trường thế giới và trong nước thời gian qua, theo ông tới đây Việt Nam có nên lập sàn giao dịch xăng dầu?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa.

Mô hình sở giao dịch hàng hóa xuất hiện trên thế giới từ thế kỷ 19 và hiện được sử dụng khá phổ biến, đặc biệt giao dịch phái sinh hàng hóa, giúp thúc đẩy thanh khoản và khả năng phòng ngừa về giá có hiệu quả. Hiện, Việt Nam cũng đã có Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV).

Đối chiếu với thực tiễn thị trường, tôi cho rằng, chúng ta có thể thành lập và đưa sàn giao dịch xăng dầu vào vận hành để khai thác những ưu điểm của nó.

Khi sàn kinh doanh xăng, dầu được vận hành sẽ công khai thông tin về giá cả, khối lượng giao dịch, từ đó giảm thiểu khả năng thao túng giá. Ảnh minh họa: Tạ Hải.

Khi sàn kinh doanh xăng, dầu được vận hành sẽ công khai thông tin về giá cả, khối lượng giao dịch, từ đó giảm thiểu khả năng thao túng giá. Ảnh minh họa: Tạ Hải.

Điểm khác biệt lớn nhất của phương thức giao dịch này với phương thức giao dịch truyền thống hiện nay là gì, thưa ông?

Khác với mua bán hàng hóa giao ngay, các phương thức mua bán trên sàn giao dịch đòi hỏi phải sử dụng kỹ thuật tính toán phức tạp.

Các giao dịch được thực hiện với giá thỏa thuận tại thời điểm giao kết hợp đồng, song thời gian giao hàng được xác định tại một thời điểm trong tương lai.

Hiểu một cách ngắn gọn, đó là thị trường xăng dầu giao sau. Tức là, xăng dầu không được giao sau khi ký hợp đồng, mà diễn ra vào ngày ấn định trong tương lai. Tại thời điểm giao hàng, giá xăng dầu trên thị trường có biến động thế nào, giá trị thanh toán vẫn không thay đổi so với hợp đồng. Đây là điểm khác hoàn toàn với thị trường mua bán xăng dầu trực tiếp giao ngay trong nước.

Luật chơi của thị trường này rất khó khăn, phức tạp không chỉ với các doanh nghiệp mà còn với cả trách nhiệm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Do vậy, nếu không nắm vững cách thức hoạt động để vận hành tốt có thể khiến gia tăng rủi ro, đi ngược với mục tiêu, mong muốn của cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Hai điều kiện cần và đủ

Ngoài những lợi ích như ông vừa trao đổi, việc lập sàn giao dịch xăng dầu cũng đối mặt không ít rủi ro. Ông có thể phân tích cụ thể hơn điều này?

Đúng vậy, thực tiễn cho thấy, nếu người tham gia giao dịch không hiểu và không đủ năng lực để nhập cuộc sẽ bị "trừng phạt" ngay. Họ có thể thất bại nếu không dự báo đúng, không lường trước được diễn biến cung cầu, sự kiện địa chính trị, thiên tai, tỷ giá.

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị Bộ Công thương nghiên cứu việc thành lập sàn giao dịch xăng, dầu. Nội dung công văn nêu rõ, việc thành lập sàn kinh doanh xăng, dầu có thể mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam.

Khi sàn kinh doanh xăng, dầu được vận hành sẽ công khai thông tin về giá cả, khối lượng giao dịch, từ đó giảm thiểu khả năng thao túng giá, tạo cơ chế định giá linh hoạt, nhanh chóng và cải thiện quá trình phân phối, lưu thông xăng, dầu.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu thông tin báo chí phản ánh, kiến nghị về việc thành lập sàn giao dịch xăng, dầu nhằm tăng tính công khai, minh bạch, khắc phục những bất ổn của thị trường xăng, dầu thời gian qua.

Trên cơ sở đó, có giải pháp triển khai phù hợp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Chính phủ trong tháng 7.

Ví dụ như khi dịch Covid-19 diễn ra, giá dầu rớt thê thảm làm cho không ít công ty kinh doanh xăng dầu trên thế giới lỗ nặng, phá sản, dù có sử dụng công cụ phái sinh bảo hiểm về giá (hedging).

Việt Nam cũng đã từng có những doanh nghiệp thất bại thảm hại khi tham gia hedging trên sàn giao dịch xăng dầu thế giới. Cuối năm 2008, đầu năm 2009, Jetstar Pacific lỗ 31,2 triệu USD do hedging giá ngưỡng 126, 136, 137 USD/thùng, trong khi giá giao dịch ngay tại thời điểm phải thanh toán theo hợp đồng là 54 USD/thùng, có thời điểm xuống còn 34 USD/thùng.

Để hạn chế những rủi ro đó, chúng ta cần chuẩn bị những điều kiện gì trong quá trình lập sàn giao dịch, thưa ông?

Theo tôi, cần có lộ trình, bước đi thích hợp và chỉ thành lập, đưa sàn giao dịch xăng dầu vào hoạt động khi đã chuẩn bị đủ các điều kiện.

Điều kiện cần là xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý một cách đồng bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế về sở giao dịch xăng dầu, chính sách tài chính, tiền tệ, hoạt động giao dịch, quản lý, giám sát.

Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải thực sự được vận hành theo cơ chế thị trường, giảm thiểu trách nhiệm được giao kinh doanh, đáp ứng đa mục tiêu, được tự chủ về giá.

Điều kiện đủ là doanh nghiệp phải được đào tạo đầy đủ kiến thức về thị trường này, có đủ năng lực để nhập cuộc, quản trị dòng tiền, quản lý, giám sát và đặc biệt là kỹ năng phân tích, dự báo thị trường.

Cảm ơn ông!

Bộ Công thương cho biết, thời gian qua, mặt hàng xăng dầu đã được thí điểm giao dịch qua sàn giao dịch hàng hóa, tuy nhiên hiện nay đã tạm dừng.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái về việc giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu kiến nghị của các chuyên gia về việc thành lập sàn giao dịch xăng dầu, ngày 30/7, Bộ mời các bên liên quan đến để thảo luận.
Các vấn đề được làm rõ gồm: Sự cần thiết thành lập sàn giao dịch xăng dầu tại Việt Nam; thuận lợi, khó khăn (về hành lang pháp lý và điều kiện thực tiễn khi thành lập sàn giao dịch xăng dầu Việt Nam; Việc quản lý, giám sát sàn giao dịch xăng dầu; các đề xuất, kiến nghị có liên quan…).

Sau cuộc họp, Vụ thị trường trong nước sẽ nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế để có báo cáo Thủ tướng, đồng thời nghiên cứu chỉnh sửa nghị định…"

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam:

Đang có sự nhầm lẫn về cách hiểu

Hoạt động sàn đòi hỏi tính liên thông với quốc tế, tức là có tính chất mua bán với thị trường quốc tế chứ không phải là phục vụ nhu cầu mua bán xăng dầu thành phẩm trong nước lẫn nhau từ các thương nhân.

Nếu chúng ta lập được một sàn giao dịch xăng dầu phục vụ đảm bảo được cả 2 mục đích trên thì quá tốt. Tuy nhiên, thực tế tính khả thi kém, bởi còn rất nhiều yếu tố đi kèm như: Cách nào đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, mua bán ra sao? Ngay cả Trung Quốc - thị trường xăng dầu lớn thứ 2 thế giới trước đây cũng đã muốn thành lập một sàn như vậy, nhưng cũng không thành công.

Theo cách hiểu của tôi, có thể một số doanh nghiệp đang có sự nhầm lẫn ở cách hiểu về sàn giao giao dịch xăng dầu và việc mua bán xăng dầu thành phẩm trong nước. Cụ thể, họ đang hiểu theo nghĩa đơn thuần, là tạo nên một sàn, đưa khối lượng xăng dầu, với một giá nào đó ra bán với nhau và niêm yết công khai ở đó để mua bán, giống như một sàn thương mại điện tử. Nhưng nếu chỉ có vậy thì không được gọi là một sàn theo thông lệ quốc tế.

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam không kiến nghị thành lập sàn giao dịch xăng dầu mà kiến nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp giao dịch qua sở giao dịch hàng hóa bằng nghiệp vụ phái sinh hedging, tức là được dùng công cụ giá để bảo hiểm cho giá mua hiện tại và giao trong tương lai.

Thực tế, kể cả Petrolimex, có thời điểm mua giá hôm nay 100 USD/thùng, đến lúc giao hàng thì giá tụt xuống còn 80 USD/thùng. Tức là lỗ 20 USD/thùng. Chính vì thế, mua phái sinh là để lúc tụt xuống, doanh nghiệp có thể trả theo giá thực và chỉ trả một mức chi phí bảo hiểm giá khoảng 2 USD/thùng thay vì 20 USD/thùng. Chúng ta đồng ý cho mua nhưng không đồng ý hạch toán. Cho nên việc này cần được đưa vào nghị định.

H.Hạnh (ghi)

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/can-gi-de-lap-san-giao-dich-xang-dau-192240729220101792.htm