Cần gì MB có, đâu khó có App MBBank
Câu kết bài trình bày của một diễn giả tại Hội thảo tuy không phải là tôn chỉ của ngân hàng và tưởng như chỉ là một câu ví von vui vẻ nhưng chất chứa nhiều điều, hàm ý bao nỗ lực, tương lai, và đích phấn đấu của các ngân hàng trong cuộc chuyển đổi số.
Ngày 25/3/2021, hưởng ứng “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng tới năm 2030”, Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đã tổ chức Diễn đàn Tương lai chiến lược ngân hàng số tại Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, 35 đường Hùng Vương, Hà Nội.
Diễn đàn đã thu hút được sự tham gia của các cơ quan quản lý, các chuyên gia đầu ngành, cán bộ của các viện nghiên cứu, ngân hàng và hàng trăm doanh nghiệp. Hội thảo đã rất thành công với nhiều ý kiến đóng góp, hữu ích đa chiều về những cơ hội, thách thức và những việc cần triển khai để xây dựng một hệ thống ngân hàng và các ngân hàng số hoạt động hiệu quả mang thương hiệu Việt Nam.
Mở đầu chương trình, ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, khẳng định: “Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, là bắt buộc là tương lai mà Việt Nam không thể tránh được và trong thời đại công nghệ số, mọi tổ chức cần phải suy nghĩ như một nhà chiến lược, đổi mới như một công ty khởi nghiệp, thiết kế như một tập đoàn công nghệ và quy mô như một nhà đầu tư mạo hiểm".
Đại diện EY, bà Phạm Thùy Dương, Phó tổng giám đốc nhấn mạnh sức ép phải chuyển đổi nếu không muốn mất dần thị phần các phân khúc màu mỡ vào tay các đối thủ ngoài ngành khi đưa ra dự báo vào năm 2025 một phần ba doanh thu ngân hàng truyền thống sẽ chuyển sang các mô hình kinh doanh mới, trong đó mạnh phất là doanh thu từ dịch vụ thanh toán, quản lý tài sản và cho vay SME.
Để nuôi dưỡng các ý tưởng, tạo môi trường tích cực cho mục tiêu số hóa nền kinh tế nói chung và xây dựng các ngân hàng số nói riêng, đại diện Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, ông Phạm Xuân Hùng, Trưởng ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát cho rằng, điều quan trọng là cần sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý về ngân hàng số và công ty công nghệ tài chính.
Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước cũng đồng tình cho rằng, cần phải có cơ chế thử nghiệm sandbox rõ ràng cho từng lĩnh vực tài chính cụ thể. Ngoài ra, cần phải nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và dữ liệu số quốc gia để số hóa ngân hàng một cách toàn diện.
Chia sẻ về thực tế ứng dụng trong ngành ngân hàng, ông Đàm Nhân Đức, Giám đốc Nghiên cứu phát triển Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) cho rằng, bất kỳ một tổ chức nào đều bị chi phối bởi bốn nhóm lực lượng quan trọng bao gồm môi trường kinh doanh, xu hướng khách hàng, công nghệ và đối thủ cạnh tranh.
Ông Đức phân tích những mô hình thành công như Google, Facebook, Grab hay Ant Financial trong lĩnh vực tài chính và chỉ ra rằng, các nhân tố then chốt để thành công trong môi trường kinh doanh mới bao gồm công nghệ, nền tảng, dữ liệu, năng lực phân tích và xử lý dữ liệu và quan trọng phải xây dựng được mô hình kinh doanh mới đáp ứng nhu cầu của khách hàng đòi hỏi ngày một cao và đang thay đổi nhanh chóng.
Ông Đức nhấn mạnh, các ngân hàng cần phấn đấu chiếm lĩnh vị trí trung gian trong đời sống hàng ngày của khách hàng. Các ngân hàng phải làm thế nào để khi mua nhà, mua xe, hay mua bất cứ thứ gì, khách hàng tìm đến ngân hàng chứ không phải các showroom ô tô, sàn bất động sản hay một đơn vị nào khác.
MB là một trong những ngân hàng tiên phong triển khai khối ngân hàng số và gây tiếng vang lớn trên thị trường với App MBBank, chương trình tài khoản số đẹp hay mới đây nhất là tài khoản theo số điện thoại. Trong năm 2020, giá trị và số lượng giao dịch trên kênh số tăng đều gấp 3 lần so với năm 2019 và giao dịch trên kênh số hiện tại đang chiếm khoảng 90% số lượng giao dịch của ngân hàng.
Khi được hỏi về mức độ hài lòng của khách hàng với App MBBank, ông Đức khiêm tốn nêu, trên cương vị là một người MB, thì việc đưa ra câu trả lời cảm nghĩ cá nhân sẽ không được khách quan và câu trả lời ông xin nhờ quý khách hàng của MB. Tuy nhiên, dữ liệu từ apple store cho thấy, App MBBank đã nhiều lần đứng ở vị trí số 1 về số lượng lượt tải tại Việt Nam, không chỉ riêng trong lĩnh vực tài chính, mà trong tất cả các lĩnh vực, vượt qua cả Facebook, Messeger hay Tiktok.
Điều đó phần nào phản ánh được những ghi nhận của khách hàng với những nỗ lực của tập thể cán bộ MB và ông Đức nhấn mạnh, những thành quả đó mới chỉ là những thành công bước đầu trên con đường phấn đấu để đi đến mục tiêu “cần gì MB có, đâu khó có App MBBank”.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/can-gi-mb-co-dau-kho-co-app-mbbank-post265177.html