Cần giải pháp để chính sách đi vào cuộc sống
Những năm qua, vẫn còn một số đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Lai Châu chưa quan tâm, không đóng bảo hiểm cho người lao động, thiếu chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, chưa tuân thủ pháp luật về an toàn lao động.
Anh Nguyễn Văn Cường, Trợ lý kế hoạch nông nghiệp Nông trường Cao su Chăn Nưa thuộc Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu 2 tâm sự, cách đây hai năm khi làm việc tại nông trường, do mưa trơn trượt anh đã bị ngã phải nhập viện nhiều ngày. Nhờ đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội nên được hưởng bảo hiểm tai nạn lao động.
Theo lời anh Cường, lúc đó gia đình anh rất khó khăn, được bảo hiểm hướng dẫn làm các thủ tục, anh được thanh toán các khoản viện phí và được chi trả một phần kinh phí để phục hồi sức khỏe.
Với phương châm bảo đảm sức khỏe cho người lao động, trong những năm qua, Công ty Cổ phần Cao Su Lai Châu 2 luôn quan tâm đến vấn đề an toàn để sản xuất; trang bị đầy đủ các thiết bị và trang phục bảo hộ để bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh cho công nhân.
Hằng năm, công ty phối hợp Liên đoàn Lao động, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức tập huấn về an toàn vệ sinh lao động cho hàng nghìn lượt lao động của đơn vị. Đồng thời, thành lập các mạng lưới bảo đảm an toàn lao động từ công ty đến các nông trường.
Tương tự, tại Công ty Điện lực Lai Châu, hằng tháng đơn vị đều thực hiện trích đóng các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc và Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 100% cán bộ công nhân viên.
Trong năm 2022, công ty đã thực hiện đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 505 lao động với số tiền là 306.483.313 đồng.
8 tháng đầu năm 2023, số tiền đóng là 178.034.388 đồng cho 499 lao động.
Là đơn vị có nhiều lao động, hoạt động, sản xuất trong môi trường dễ phát sinh tai nạn lao động, Công ty Điện lực Lai Châu luôn quan tâm đến các giải pháp bảo đảm an toàn lao động trong sản xuất, kinh doanh của cán bộ công nhân viên.
Ông Hoàng Quang Trung, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Lai Châu cho biết, đơn vị luôn trang bị đầy đủ dụng cụ, đồ dùng bảo hộ; xây dựng và đẩy mạnh thực thi văn hóa an toàn lao động; tuyên truyền giáo dục cho người lao động chấp hành nội quy quy định về an toàn lao động; phối hợp cùng với công đoàn các cấp tổ chức các phong trào thi đua thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động-phòng chống cháy, nổ, bảo đảm an toàn trong sản xuất … Nhờ những giải pháp đồng bộ đó, những năm qua, công ty không xảy ra vụ tai nạn lao động nào.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh Lai Châu, năm 2022 toàn tỉnh có 1.420 đơn vị tham gia bảo hiểm tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 28.348 lao động. Trong đó khối doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể là 593 đơn vị cho 7.141 lao động, khối hành chính, sự nghiệp là 827 đơn vị cho 21.207 lao động.
Tính đến ngày 30/6/2023, tỉnh có 1.424 đơn vị tham gia bảo hiểm tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 28.407 lao động.
Trong đó khối doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể là 599 đơn vị cho 7.270 lao động, khối hành chính, sự nghiệp là 825 đơn vị cho 21.137 lao động.
Nhìn vào những số liệu này cùng với thực tế ở các đơn vị cho thấy số lượng đơn vị tham gia bảo hiểm tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động chủ yếu ở các đơn vị thuộc khối hành chính sự nghiệp và các doanh nghiệp, công ty nhà nước, còn các doanh nghiệp tư nhân, các hợp tác xã, hộ kinh doanh đang rất khiêm tốn.
Theo lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh Lai Châu, nguyên nhân bắt nguồn từ nhận thức về quyền lợi, trách nhiệm khi tham gia bảo hiểm của một số chủ doanh nghiệp còn hạn chế.
Mặt khác, người lao động chủ yếu là lao động phổ thông, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ hạn chế, hiểu biết về chính sách pháp luật về bảo hiểm chưa cao, không biết đòi hỏi quyền lợi... Do đó, xảy ra tình trạng chủ sử dụng lao động vận dụng những điểm mở, kẽ hở để lách, không đóng bảo hiểm cho người lao động.
Ông Dương Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Lai Châu cho biết, đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng quy mô nhỏ và các doanh nghiệp thi công thủy điện sử dụng lao động tương đối lớn, ngoài số ít lao động kỹ thuật cao đã đóng bảo hiểm ở công ty mẹ thì nhiều lao động phổ thông và lao động khác do họ thuê khoán dưới một tháng hoặc khoán việc để lách không đóng các loại bảo hiểm theo quy định cho lao động.
"Đây là khó khăn lớn, mặc dù chúng tôi cũng đã triển khai phối hợp tuyên truyền, nhưng số lượng người tham gia bảo hiểm ở những đơn vị này cũng không được nhiều", ông Tuấn cho hay.
Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Lai Châu nhấn mạnh, thời gian tới, công ty sẽ phối hợp với Cục Thuế để rà soát những lao động có mức khai thuế cao, phối hợp với công an tỉnh xử lý các hành vi, vi phạm trong trốn đóng bảo hiểm cho người lao động. Đồng thời, phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Liên đoàn lao động để tổ chức thanh tra, tuyên truyền để chủ sử dụng lao động tham gia đóng bảo hiểm cho lao động, bảo đảm quyền lợi theo quy định của chính sách bảo hiểm của Nhà nước.
Căn cứ Nghị định số 58/2020/NĐ-CP ngày 27/5/2020 của Chính phủ quy định mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu cũng đã phối hợp với các ngành, địa phương tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nghị định; tiến hành thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định trên.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện như: Số lao động tham gia đóng bảo hiểm của doanh nghiệp trên địa bàn rất ít, có doanh nghiệp chỉ tham gia đóng bảo hiểm cho một đến hai lao động, không có nhu cầu làm hồ sơ, xin đóng ở mức thấp hơn quy định.
Bên cạnh đó, thành phần hồ sơ áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp còn phức tạp; trình tự, thủ tục qua nhiều khâu, mất nhiều thời gian nên doanh nghiệp ngại không muốn làm hồ sơ đề nghị.
Ông Nùng Văn Nim, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và xã Hội kiến nghị, cần mở rộng các trường hợp được áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Nên bỏ thành phần hồ sơ như: Báo cáo đánh giá công tác an toàn, vệ sinh lao động và giảm tần suất tai nạn lao động được thực hiện bởi tổ chức đánh giá an toàn, vệ sinh lao động. Vì thực tế trên địa bàn một số địa phương không có tổ chức đánh giá an toàn, vệ sinh lao động, rất khó liên hệ để thực hiện báo cáo đánh giá…
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/can-giai-phap-de-chinh-sach-di-vao-cuoc-song-post772726.html