Cần giải pháp đồng bộ hỗ trợ người lao động khi về nước

Theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hết tháng 7, Việt Nam đã có 89.874 lao động ra nước ngoài làm việc (đạt gần 72% kế hoạch năm 2024). Đây là điểm sáng trong lĩnh vực lao động việc làm. Tuy nhiên, đi cùng những con số tích cực đó hiện vẫn còn những tồn tại chưa được giải quyết triệt để, như tình trạng lao động phá hợp đồng bỏ trốn, không về nước đúng hạn.

Trốn ở lại do muốn có thêm thu nhập

Tỷ lệ lao động bỏ trốn khi ra nước ngoài làm việc đã có thời điểm được kéo giảm, tuy nhiên vấn đề này lại “nóng” trở lại khi thời điểm cuối năm 2023, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố con số đang có hơn 46 nghìn lao động vi phạm hợp đồng và cư trú bất hợp pháp khi ra nước ngoài làm việc, tập trung nhiều nhất tại các thị trường như Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản.

Mới đây, Trung tâm Lao động ngoài nước lại thông báo danh sách 3.190 lao động bị xử lý tiền ký quỹ, do có hành vi tự ý ở lại Hàn Quốc trái pháp luật sau khi chấm dứt hợp đồng lao động. Những con số này cho thấy, dù đã triển khai nhiều giải pháp nhưng lao động bỏ trốn vẫn diễn biến phức tạp.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, bên cạnh kết quả tích cực số lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc tăng đều hằng năm thì vẫn còn tình trạng lao động làm việc không hợp pháp, đúng hạn không về nước khi ra nước ngoài làm việc.

“Tỷ lệ lao động không về nước khi hết hợp đồng hiện nay nhiều nhất là ở thị trường Hàn Quốc. Những năm qua, cả phía Việt Nam và Hàn Quốc đã triển khai nhiều giải pháp để người lao động hiểu được rằng, việc tuân thủ hợp đồng, tuân thủ pháp luật vừa đảm bảo được quyền lợi cho người lao động, vừa không ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác lao động giữa hai bên”, ông Hương cho biết.

Giải quyết việc làm khi lao động về nước là giải pháp lâu dài, bền vững.

Giải quyết việc làm khi lao động về nước là giải pháp lâu dài, bền vững.

Nhiều năm đi làm việc tại Hàn Quốc, anh Đinh Thành Trung (Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, anh đã từng gặp một số lao động Việt Nam bỏ trốn khi hết hạn hợp đồng tại Hàn Quốc. Theo anh Trung, dù có những quy định để bảo đảm và ràng buộc người lao động không bỏ trốn như ký quỹ, cấm nhập cảnh nếu bỏ trốn, song một bộ phận người lao động vẫn chọn cách vi phạm dù biết sẽ phải đối mặt với án phạt.

“Không những không được đảm bảo lợi ích mà còn phải trốn tránh cơ quan chức năng của nước sở tại. Tuy vậy, nếu so sánh giữa về nước và ở lại thì họ chọn ở lại vì sẽ có thể kiếm được nhiều tiền hơn. Lí do chủ yếu vẫn là thu nhập. Họ cũng biết rằng việc bỏ trốn sẽ làm ảnh hưởng xấu đến quan hệ hợp tác về lao động giữa hai nước”, anh Trung cho biết.

Theo anh Trung, tình trạng tài chính của lao động và gia đình ở Việt Nam cũng là một nguyên nhân. Không ít lao động phải vay mượn để có tiền đi xuất khẩu lao động nên có tư tưởng phải kiếm càng nhiều tiền càng tốt trong thời gian ở nước ngoài.

Tạo việc làm là giải pháp bền vững

Theo ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, những năm qua, phía Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp như với thị trường Hàn Quốc, lao động xuất cảnh phải ký quỹ, dừng tuyển chọn ở một số địa phương có tỷ lệ bỏ trốn cao. Phía Hàn Quốc thì tăng cường kiểm tra lao động bất hợp pháp, tăng cường kiểm tra các đơn vị sử dụng lao động bất hợp pháp và có chế tài xử lý. Với việc cả hai phía cùng triển khai những biện pháp mạnh, tình trạng lao động cư trú bất hợp pháp cũng đã giảm.

“Những tồn tại này, tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai thêm nhiều giải pháp để hạn chế, giảm dần. Chẳng hạn như với Hàn Quốc, hai bên thống nhất 2 năm 1 lần, sẽ thỏa thuận về kế hoạch thực hiện các giải pháp để giảm được tình trạng lao động hết hạn hợp đồng không về nước. Bám vào kế hoạch đó, các cơ quan liên quan của 2 nước sẽ thực hiện triển khai. Tôi mong rằng, tỷ lệ lao động không về nước sẽ giảm được về ngưỡng 2 nước đã đề ra trong kế hoạch”, ông Hương bày tỏ.

Theo TS Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam thì cần có thêm những giải pháp đồng bộ khác. Trong đó, tạo việc làm cho người lao động sau khi về nước là giải pháp rất quan trọng. Để làm được điều này, cần có chính sách riêng và phối hợp các địa phương để liên kết doanh nghiệp với người lao động đã làm việc ở nước ngoài về nước.

Thực tế cho thấy, khó khăn chính của người lao động khi về nước là kỹ năng, tay nghề sử dụng ở nước ngoài có độ vênh và không phù hợp trong nước, dù lực lượng này đã quen tay, quen việc và có kỹ năng nhất định. Do vậy, phải có nghiên cứu trong đào tạo, dạy nghề và tuyển dụng của các doanh nghiệp trong nước để cung cấp kiến thức cho họ. Tạo việc làm cho người lao động sau khi về nước sẽ là giải pháp bền vững. Nếu xảy ra tình trạng nhiều người thất nghiệp sau khi về nước thì càng thôi thúc những người đang làm việc tìm mọi cách ở lại.

Theo ông Diệp, cần nghiên cứu đàm phán nâng thời hạn hợp đồng làm việc lên 5 năm, thay vì 3 năm như hiện nay. Tăng thời gian làm việc sẽ tăng thêm thu nhập, từ đó người lao động sẽ bớt nảy sinh tâm lý bỏ trốn. “Song song với đó, chúng ta có thể nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ vay vốn tốt hơn cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, hạn chế tình trạng người lao động phải vay lãi cao và áp lực trả nợ cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bỏ trốn...”, TS Doãn Mậu Diệp khuyến nghị.

Phan Hoạt

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/can-giai-phap-dong-bo-ho-tro-nguoi-lao-dong-khi-ve-nuoc-i739035/