Cần giải pháp tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp
Việc khai thác các các hiệp định thương mại tự do được Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong năm 2023, công tác hội nhập đã giúp mở rộng, đa dạng thị trường, chuỗi cung ứng và sản phẩm xuất khẩu. Để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội từ các FTA, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành các chính sách và triển khai nhiều ưu đãi, giúp đa dạng nguồn vốn tín dụng. Tuy nhiên, thực tế việc tiếp cận nguồn tài chính của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn nhiều khó khăn.
Cùng với khó khăn do tình hình thế giới có nhiều biến động, trong nước, doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn, tín dụng. Theo khảo sát của VCCI trong năm 2022 và 2023 ghi nhận khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp tư nhân gặp phải là tiếp cận tín dụng. Tỷ trọng cho vay không dựa trên bất động sản còn rất khiêm tốn so với thị trường thế giới ở mức từ 25 - 30%, trong khi hơn 70% các khoản vay còn lại dựa trên cam kết bằng bất động sản.
Theo các chuyên gia, việc tiếp cận vốn vay khó khăn là rào cản nếu doanh nghiệp muốn đầu tư bài bản, chuyển đổi công nghệ sản xuất, đầu tư đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường thương mại tự do FTA. Để tiếp cận vốn, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cần phân loại nhu cầu về vốn ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn để định vị nguồn tiếp cận. Các chính sách để cho vay vẫn phải tiếp tục được thực hiện, hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp có nguồn lực phát triển.
Nguồn vốn tín dụng là thiết yếu và then chốt với doanh nghiệp để chuyển đổi công nghệ sản xuất, đầu tư đáp ứng những tiêu chuẩn phát triển bền vững của thị trường FTA. Theo các chuyên gia Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương mở rộng, đẩy mạnh việc phát triển quỹ bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quỹ này đồng hành cùng với ngân hàng để bảo lãnh cho doanh nghiệp khó khăn, thiếu điều kiện vay vốn được tiếp cận tín dụng ưu đãi.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/can-giai-phap-tin-dung-ho-tro-doanh-nghiep-212169.htm