Cần giải pháp toàn diện, bền vững

Một trong những nguyên nhân cơ bản khiến dạy thêm vẫn tồn tại là do nó đáp ứng nhu cầu chính đáng của cả học sinh (HS) lẫn giáo viên (GV).

Đối với HS, học thêm là cơ hội để củng cố kiến thức, chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng như thi chuyển cấp và xét tuyển vào đại học. Hiện nhu cầu học thêm càng trở nên cấp bách khi hệ thống giáo dục Việt Nam còn nặng về thành tích và thi cử, khiến học sinh phải đối mặt với áp lực lớn từ việc đạt được kết quả cao. Dạy thêm giúp các em có thêm thời gian để ôn tập, giải đáp các thắc mắc mà trong giờ học chính khóa không thể giải quyết hết.

Về phía GV, việc dạy thêm trở thành một nguồn thu nhập quan trọng. Lương GV tại Việt Nam được cho là ở mức thấp so với công sức và trách nhiệm mà họ đảm nhận. Điều này khiến nhiều GV tìm đến dạy thêm như một cách để cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, khi nhu cầu tăng thu nhập trở thành động lực chính cho việc dạy thêm thì có thể dẫn đến những hậu quả khó lường. Hệ quả của việc dạy thêm không chỉ dừng lại ở vấn đề thu nhập của GV mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến sức khỏe và tâm lý của học sinh, bức xúc xã hội và giảm niềm tin vào nền giáo dục...

Có một thực tế đáng chú ý trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua là có nhiều HS khó khăn, hầu như không biết đến việc học thêm nhưng vẫn đạt kết quả học tập rất cao. Điều này cho thấy việc dạy thêm chỉ vì mục tiêu thi cử có thể khiến học sinh mất đi khả năng tự học và không nắm vững kiến thức nền tảng.

Nhà nước đã ban hành quy định để kiểm soát việc dạy thêm nhưng cần phải nhìn nhận rằng việc dạy thêm không thể được hợp pháp hóa tích cực nếu những nguyên nhân gốc rễ chưa được giải quyết triệt để. Những nguyên nhân này bao gồm hệ thống giáo dục còn nặng về thi cử, chính sách thi kiểm tra đánh giá và thi tốt nghiệp dùng kết quả để công nhận tốt nghiệp và xét tuyển đại học (mục tiêu kép), không cung cấp đủ chỗ học cho học sinh khi chuyển cấp vào lớp 6, lớp 10 và mức lương giáo viên còn quá thấp.

Để hạn chế tối đa việc dạy thêm, trước hết vẫn cần tiếp tục cải cách hệ thống thi cử và đánh giá học sinh theo hướng giảm áp lực và tập trung vào sự phát triển toàn diện của học sinh, thay vì chỉ chú trọng vào điểm số. Thứ hai, cần nâng cao chất lượng giáo dục chính khóa, bảo đảm học sinh có thể tiếp thu và nắm vững kiến thức ngay trong giờ học chính. Thứ ba, cần cải thiện điều kiện làm việc và thu nhập cho giáo viên. Khi GV được bảo đảm một mức lương đủ sống và có điều kiện làm việc tốt, họ sẽ không cần phải tìm đến dạy thêm như một nguồn thu nhập bổ sung.

Hy vọng Quốc hội sẽ sớm thông qua Luật Nhà giáo, vì cải thiện thu nhập qua lương của GV không chỉ đáp ứng nhu cầu GV mà cũng là gián tiếp giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho các gia đình nghèo nhưng muốn con em mình được học hành tử tế.

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh (NLĐO)

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/can-giai-phap-toan-dien-ben-vung-post290549.html