Cần giải quyết dứt điểm khiếu nại của người dân liên quan đến dự án Trung tâm cụm xã Ea Rốk-Ea Lê

Dự án Trung tâm cụm xã Ea Rốk-Ea Lê, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk được triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng đến nay đã hơn 20 năm. Tuy nhiên, nhiều khuất tất, sai phạm liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, bố trí đất cho người dân… vẫn chưa được chính quyền và các ngành chức năng của huyện Ea Súp và tỉnh Đắk Lắk giải quyết thỏa đáng, khiến người dân liên tiếp làm đơn thư khiếu nại, tố cáo gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

Dự án Trung tâm cụm xã Ea Rốk-Ea Lê, huyện Ea Súp được triển khai xây dựng từ năm 1999 nhưng đến nay vẫn chỉ là chợ tạm.

Dự án Trung tâm cụm xã Ea Rốk-Ea Lê, huyện Ea Súp được triển khai xây dựng từ năm 1999 nhưng đến nay vẫn chỉ là chợ tạm.

Thời gian gần đây, Văn phòng đại diện Báo Nhân Dân tại Đắk Lắk nhận được đơn thư của các hộ dân ở thôn 7, xã Ea Rốk, huyện Ea Súp khiếu nại, tố cáo về việc Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp thu hồi đất để thực hiện dự án Trung tâm cụm xã Ea Rốk-Ea Lê vào năm 2000 nhưng để xảy ra nhiều thiếu sót, sai phạm. Mặc dù người dân đã làm đơn thư khiếu nại nhiều năm nay nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng khiến người dân bức xúc.

Vào cuộc tìm hiểu, được biết ngày 21/7/2009, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định số 1750/QĐ-UB phê duyệt dự án khả thi Trung tâm cụm xã Ea Rốk-Ea Lê, huyện Ea Súp.

Dự án có diện tích quy hoạch 25 ha, được xây dựng tại trung tâm xã Ea Rốk, do Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp làm chủ đầu tư. Dự án gồm 15 hạng mục như: Chợ thương mại, trạm xá, nhà trẻ mẫu giáo, khuyến nông, bến xe khu vực, cửa hàng bách hóa, bưu điện, phát thanh, trường cấp 1-2, đường giao thông, trạm biến áp 100 KVA, công trình cấp nước sạch, trụ sở Ủy ban nhân dân xã, san ủi mặt bằng... với tổng mức đầu tư 3,9 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách Nhà nước là 3 tỷ 465 triệu đồng, vốn liên doanh liên kết và huy động sức dân là 435 triệu đồng, thời gian xây dựng trong 3 năm từ 1999-2001.

Mục tiêu của dự án là thực hiện chương trình đầu tư cụm xã miền núi vùng cao theo Quyết định 35/TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhằm tạo ra hệ thống cơ sở vật chất thiết yếu để thúc đẩy sản xuất phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; hình thành hệ thống đồng bộ cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống, nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh; nhằm quản lý mọi hoạt động xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc xây dựng vùng nông thôn mới.

Người dân ở xã Ea Rốk cung cấp tài liệu và phản ánh với phóng viên Báo Nhân Dân về những khuất tất và sai phạm của Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp liên quan đến dự án Trung tâm cụm xã Ea Rốk-Ea Lê.

Người dân ở xã Ea Rốk cung cấp tài liệu và phản ánh với phóng viên Báo Nhân Dân về những khuất tất và sai phạm của Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp liên quan đến dự án Trung tâm cụm xã Ea Rốk-Ea Lê.

Ngày 29/3/2000, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định số 518/2000/QĐ-UB về việc phê duyệt phương án đền bù thiệt hại giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án Trung tâm cụm xã Ea Rốk-Ea Lê, huyện Ea Súp. Theo đó, có khoảng 75 hộ dân ở xã Ea Rốk bị ảnh hưởng, đền bù giải phóng mặt bằng gồm nhà cửa, công trình phụ, đất đai, cây cối, hoa màu, vật kiến trúc khác, chính sách hỗ trợ… với kinh phí 580.719.139 đồng. Tuy nhiên, theo phản ảnh của người dân, quá trình tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, Hội đồng đền bù huyện Ea Súp để xảy ra nhiều sai sót, vi phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi và đời sống của nhân dân. Mặc dù người dân đã làm đơn thư khiếu nại nhiều năm nay nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm khiến người dân hết sức bức xúc.

Ông Đinh Xuân Tửu và một số người dân ở thôn 7, xã Ea Rốk cho biết, theo Quyết định 1750 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, số đất thu hồi thực hiện dự án Trung tâm cụm xã Ea Rốk-Ea Lê là 25ha. Tuy nhiên, khi triển khai dự án, Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp đã tự ý thu thêm 7 ha nằm xung quanh vành đai dự án đất thu hồi, nâng tổng diện tích thu hồi lên 32ha. Ngoài việc thực hiện một số hạng mục trong dự án thì chủ đầu tư còn chia thành 305 lô đất để bán, gây bức xúc cho người dân địa phương. Bên cạnh đó, việc đền bù cho 75 hộ dân còn nhiều khuất tất, số tiền chỉ trả không đủ như quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Ông Đinh Xuân Tửu bức xúc: “Sau khi có quyết định đền bù của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban quản lý dự án huyện Ea Súp và Ủy ban nhân dân xã Ea Rốk mời 75 hộ dân bị ảnh hưởng về hội trường Ủy ban nhân dân xã phổ biến nội dung đền bù. Đại diện Ban quản lý dự án nói tiền đền bù đã có nhưng Ngân hàng huyện Ea Súp không cho rút, đề nghị người dân phải ký xác nhận vào danh sách để Ngân hàng làm chứng từ mới cho rút. Khoảng một tuần sau đó, chúng tôi nhận tiền thì mới phát hiện số tiền nhận đền bù không đủ, giá đền bù là 180 đồng/m2 nhưng chúng tôi chỉ được nhận 150 đồng/m2 và số diện tích đất trong danh sách đền bù cũng thiếu so với danh sách đưa trước đó.

Khi chúng tôi thắc mắc tại sao lại đền bù thiếu, họ chỉ nói là mới đền đợt một, đợt sau sẽ đền bù thêm. Thế nhưng chờ hơn 20 năm nay, số tiền đền bù còn lại của 75 hộ dân vẫn bặt vô âm tín. Thậm chí chúng tôi đã gửi đơn tố cáo hành vi “ăn chặn” tiền đền bù và nhiều nội dung tố cáo khác đến các cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn không giải quyết…”.

Cũng theo ông Tửu, trong Quyết định 05/QĐ-UBND ngày 6/1/2000 của Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp về việc thu hồi 4 thửa đất của gia đình ông gồm: thửa 190, 127, 182 tờ bản đồ số 9 và thửa 121a tờ bản đồ số 10, xã Ea Rốk, không có thửa đất số 227b với diện tích 820m2 đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 1998. Tuy nhiên, đến 11 năm sau, vào ngày 10/11/2011, Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp mới ban hành Quyết định số 2335/QĐ-UBND về việc đính chính Quyết định số 05/QĐ-UB ngày 6/1/2000 của Ủy ban nhân dân huyện, thu hồi thửa đất 227b để cấp tái định cư cho các hộ dân khác.

Điều đáng nói là sau khi được Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp cấp đất tái định cư, các hộ dân này lại kiện ngược, tố cáo ông Đinh Xuân Tửu, chiếm dụng đất trái phép của những hộ này, vì hiện nay ông Tửu vẫn đang giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, trong Quyết định 05/QĐ-UBND ngày 6/1/2000 của Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp có thu hồi thửa đất số 127, tờ bản đồ số 9, xã Ea Rốk của ông Đinh Xuân Tửu với diện tích 610m2, nhưng thực tế thửa đất này không phải của ông Tửu mà là của ông Đinh Viễn Khương, trú tại thôn 7, xã Ea Rốk. Không những vậy, năm 2001, gia đình ông Đinh Xuân Tửu được Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp và Ủy ban nhân dân xã Ea Rốk giao 7.405m2 đất nông nghiệp tại khu vực Tháp Chàm thuộc thôn 5, xã Ea Rốk để sản xuất, nhưng việc giao đất này chỉ bằng miệng, không có giấy tờ gì và đến nay đã hơn 20 năm diện tích đất này vẫn chưa được chính quyền và các ngành chức năng của địa phương lập thủ tục giao đất để gia đình ông yên tâm sản xuất.

Người dân xã Ea Rốk, huyện Ea Súp bức xúc trước việc đền bù, thu hồi đất không rõ ràng, minh bạch của Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp liên quan đến Dự án Trung tâm cụm xã Ea Rốk-Ea Lê.

Người dân xã Ea Rốk, huyện Ea Súp bức xúc trước việc đền bù, thu hồi đất không rõ ràng, minh bạch của Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp liên quan đến Dự án Trung tâm cụm xã Ea Rốk-Ea Lê.

Không chỉ gia đình ông Đinh Xuân Tửu mà còn nhiều gia đình khác như ông Đinh Xuân Báo, Đinh Thị Bông… ở thôn 7, xã Ea Rốk, huyện Ea Súp cũng làm đơn khiếu nại về những khuất tất, bất cập, sai phạm trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, giao đất sản xuất… liên quan đến dự án Trung tâm cụm xã Ea Rốk-Ea Lê của Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp. Mặc dù các đơn thư của người dân đã được Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp giải quyết, trả lời nhưng người dân vẫn không đồng tình và tiếp tục làm đơn khiếu nại lên Ủy ban nhân dân tỉnh.

Vào đầu năm 2010, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành các Quyết định về việc giải quyết đơn khiếu nại của ông Đinh Xuân Báo, của bà Đinh Thị Điều (vợ ông Đinh Xuân Tửu) trú tại thôn 7, xã Ea Rốk. Trong đó, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp lập thủ tục giao đất nông nghiệp tại khu vực Tháp Chàm thuộc thôn 5, xã Ea Rốk cho người dân; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các gia đình được bố trí đất tái định cư; tổ chức kiểm điểm ông Trần Ngọc Quang, Chủ tịch Hội đồng đền bù giải tỏa dự án Trung tâm cụm xã Ea Rốk-Ea Lê và ông Lê Văn Khâm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ea Rốk thời điểm đó có những khuyết điểm, nhưng đến nay việc khiếu nại và các quyền lợi của người dân vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng, khiến người dân bức xúc.

Một số đơn thư của người dân như đơn của bà Đinh Thị Bông, trú tại thôn 7, xã Ea Rốk được thanh tra tỉnh vào cuộc xác minh và kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp xem xét giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Sau khi vào cuộc tìm hiểu, chúng tôi đã đăng ký làm việc với Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp về việc giải quyết đơn thư của người dân phản ảnh về những khuất tất, khuyết điểm, sai phạm trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, giao đất cho người dân… liên quan đến dự án Trung tâm cụm xã Ea Rốk-Ea Lê. Tuy nhiên, Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp không làm việc trực tiếp với phóng viên mà phúc đáp nội dung làm việc bằng Văn bản số 398/UBND-VP ngày 16/3/2023. Theo nội dung phúc đáp này thì không có gì mới so với những nội dung mà Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp đã trả lời cho người dân trước đây mà người dân đã không đồng tình.

Bên cạnh đó, một số nội dung được Thanh tra tỉnh kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp xem xét, giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Đặc biệt, nội dung mà người dân ở thôn 7, xã Ea Rốk tố cáo là theo Quyết định 1750 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, số đất thu hồi thực hiện dự án Trung tâm cụm xã Ea Rốk-Ea Lê chỉ là 25ha, nhưng khi triển khai dự án, Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp đã tự ý thu thêm 7 ha nằm xung quanh vành đai dự án đất thu hồi và chia thành 305 lô đất để bán vẫn chưa được cơ quan chức năng nào làm rõ. Trong khi đó, dự án Trung tâm cụm xã Ea Rốk-Ea Lê đến thời điểm hiện nay vẫn còn một số hạng mục đã được quy hoạch, phê duyệt nhưng chưa được xây dựng như: Bến xe khu vực, cửa hàng bách hóa, phát thanh, công trình cấp nước sạch, cơ sở chế biến, do không được bố trí vốn.

Việc khiếu nại, tố cáo của người dân xã Ea Rốk kéo dài nhiều năm nay, gây mất an ninh trật tự ở cơ sở. Vì vậy, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk cần chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp xác minh, làm rõ và giải quyết dứt điểm những khiếu nại, tố cáo của người dân xã Ea Rốk liên quan đến dự án Trung tâm cụm xã Ea Rốk-Ea Lê, không để đơn thư phát sinh kéo dài, nhằm bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/can-giai-quyet-dut-diem-khieu-nai-cua-nguoi-dan-lien-quan-den-du-an-trung-tam-cum-xa-ea-rok-ea-le-post745099.html