Cần giải quyết những vấn đề cấp thiết với phụ nữ và trẻ em ở Thái Nguyên

Triển khai Dự án 8 'Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em' thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhiều chỉ tiêu ở Thái Nguyên đã thực hiện đạt và vượt đến năm 2025. Tuy nhiên, đến nay, có nhiều mô hình không được duy trì, 4 nội dung chưa được triển khai nên có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án.

Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam kiểm tra Dự án 8 tại xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên).

Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam kiểm tra Dự án 8 tại xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên).

Hội Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên được giao tổ chức thực hiện Dự án 8 trên phạm vi toàn tỉnh, từ năm 2022 đến nay đã hoàn thành đạt và vượt 5/9 chỉ tiêu đến năm 2025. Đó là đã thành lập, vận hành 195 tổ truyền thông trong cộng đồng với hơn 1.800 thành viên tham gia (vượt hơn 37% chỉ tiêu); củng cố, thành lập mới và vận hành 192 địa chỉ tin cậy cộng đồng với 1.095 thành viên (vượt hơn 7 lần).

Hội nâng cao kỹ năng lãnh đạo quản lý cho 112 người là cán bộ nữ dân tộc thiểu số trong quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo trong hệ thống chính trị cấp huyện và xã (vượt hơn 2 lần); tổ chức 14/12 cuộc tập huấn giám sát, đánh giá về bình đẳng giới; tổ chức 10 cuộc tập huấn nâng cao năng lực lồng ghép giới cho cán bộ huyện, xã.

Hội Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên đã thành lập, vận hành 195 tổ truyền thông trong cộng đồng với hơn 1.800 thành viên tham gia (vượt hơn 37% chỉ tiêu); củng cố, thành lập mới và vận hành 192 địa chỉ tin cậy cộng đồng với 1.095 thành viên (vượt hơn 7 lần).

Hội Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên đánh giá, đạt được kết quả nêu trên là do các cấp hội đã cụ thể hóa chỉ đạo của cấp trên, chú trọng việc phối hợp, lồng ghép các nhiệm vụ của Dự án 8 với các hoạt động của hội và phong trào phụ nữ tại địa phương để bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm. Các công việc của Dự án 8 đã thực hiện bước đầu tác động tích cực đến đời sống của phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tuy nhiên, việc duy trì, phát huy những mô hình, kết quả đạt được của Dự án 8 đang đứng trước thách thức lớn. Mặc dù cuối năm nay, Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ sẽ được công nhận là xã nông thôn mới, khi đó các nội dung của Dự án 8 không tiếp tục được triển khai trên địa bàn. Nhưng với địa hình hiểm trở, đa phần là đồi núi, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 75%, tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 10%, Dự án 8 không đầu tư nữa thì e rằng các mô hình vừa xây dựng khó duy trì, phát huy hiệu quả.

Hội Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên kiến nghị, đối với các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu đã được thụ hưởng Dự án 8 từ năm đầu giai đoạn (năm 2022), đến năm 2023, 2024 được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới thì đề nghị tiếp tục được thụ hưởng các hoạt động của Dự án 8 đến hết giai đoạn I (năm 2025).

Mặt khác, đến nay vẫn còn 4 nội dung và hầu hết là những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Dự án 8 chưa được triển khai vì có nhiều khó khăn, vướng mắc. Từ nay đến khi kết thúc giai đoạn I của Chương trình không còn nhiều, thời gian tới mà vẫn chưa triển khai được sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng của Dự án 8.

Tại nhiều cuộc họp đánh giá tiến độ triển khai Dự án 8 tại Thái Nguyên, nhiều đại biểu cho rằng, một số cơ chế và văn bản pháp lý của Trung ương chưa cụ thể nên khó khăn cho việc triển khai thực hiện dự án, như Hướng dẫn số 04/HD-ĐCT của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Sổ tay hướng dẫn tuyên truyền vận động nạn nhân bị mua bán đã không có hướng dẫn cụ thể về nội dung, hình thức, quy trình thực hiện mô hình “Hỗ trợ phát triển sinh kế, hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân mua bán người”.

Tên mô hình chưa thống nhất trong cách gọi giữa Hướng dẫn số 04/HD-ĐCT và Thông tư 55/2023/BTC của Bộ Tài chính nên khó triển khai; quy định các mục chi, định mức chi trong Thông tư số 55/2023/TT-BTC chưa cụ thể, rõ ràng, còn lúng túng trong cách hiểu, một số định mức chi tiêu thấp so thực tế và duy trì các mô hình của Dự án.

Theo lãnh đạo Hội Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên, khó khăn, vướng mắc, kiến nghị tỉnh gửi lên nhưng nhiều nội dung Trung ương chậm ban hành văn bản trả lời, giải quyết.

Việc giao kinh phí chậm, như đến giữa tháng 5/2024 vẫn chưa được giao kinh phí năm 2024 nên ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân và triển khai hoạt động của Dự án 8.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/can-giai-quyet-nhung-van-de-cap-thiet-voi-phu-nu-va-tre-em-o-thai-nguyen-post813575.html