Cần giảm lạm dụng phân bón trong canh tác nông nghiệp
Sáng 27-8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị trực tuyến 'Thực trạng và giải pháp quản lý, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản tại các tỉnh ĐBSCL'. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Trương Kiến Thọ chủ trì hội nghị tại điểm cầu An Giang.
Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến
Theo đánh giá của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của cả nước, đặc biệt là cây lúa và cây ăn trái. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp trong vùng đang có tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật hóa học, làm tăng chi phí sản xuất, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng, ô nhiễm môi trường, để lại dư lượng trên nông sản. Đối với phân bón vô cơ, mức trung bình cả nước là 560kg/ha canh tác, còn ĐBSCL là 754kg/ha.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Trương Kiến Thọ phát biểu tại điểm cầu An Giang
Phát biểu tại điểm cầu An Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Trương Kiến Thọ cho biết, thời gian qua, An Giang đẩy mạnh triển khai chương trình VnSAT, quy trình canh tác “1 phải, 5 giảm”, SRP, kỹ thuật canh tác tiên tiến, từng bước thay phân bón vô cơ bằng phân bón hữu cơ. An Giang kiến nghị Bộ NN&PTNT hướng dẫn, làm rõ hơn các nội dung Nghị định 62/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ người trồng lúa nhằm giúp địa phương tận dụng tốt nguồn lực này, phối hợp với các doanh nghiệp triển khai giúp nông dân canh tác bền vững.
Sở NN&PTNT An Giang cũng kiến nghị Cục Bảo vệ thực vật tổ chức tập huấn cấp mã số vùng trồng đối với vùng trồng lúa; quản lý tốt mã số vùng trồng, sản lượng thu hoạch trong vùng trồng được cấp đối với cây ăn trái. Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ hợp tác xã đầu tư hạ tầng sơ chế, bảo quản, đóng gói nông sản nhằm nâng cao giá trị nông sản; tiếp cận nguồn vốn ngân hàng chính sách…
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật hóa học là vấn đề tồn tại từ vụ này qua vụ khác. Để giảm chi phí sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm, hạn chế phụ thuộc vào phân bón vô cơ, thuốc hóa học trước bối cảnh giá phân bón tăng, cần tập trung hỗ trợ, hướng dẫn nông dân triển khai các mô hình canh tác thông minh, kỹ thuật canh tác giảm phân, thuốc, đáp ứng được truy xuất nguồn gốc và chất lượng nông sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Qua đó, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, nông dân cùng hành động phát triển nông nghiệp theo hướng công khai, trách nhiệm, bền vững. Trong đó, hướng dẫn nông dân sử dụng phân, thuốc ít tác động đến hệ sinh thái, đa dạng sinh học để chuyển giao nền nông nghiệp bền vững cho thế hệ sau…