Cần giữ gìn bản sắc dân tộc trong cách tân trang phục truyền thống

Trong tiến trình phát triển của mỗi dân tộc, cùng với tiếng nói, chữ viết thì trang phục luôn là một yếu tố quan trọng góp phần tạo dựng nên bản sắc văn hóa. Theo thời gian, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trang phục truyền thống của các dân tộc đã có một số thay đổi để phù hợp với nhu cầu và điều kiện sống thực tế. Tuy nhiên, đang xuất hiện những biểu hiện đáng lo ngại có thể đưa tới nguy cơ biến dạng, bị mai một, thậm chí biến mất nét đặc sắc riêng của các bộ trang phục truyền thống.

Bảo tồn trang phục truyền thống

Trong tiến trình lịch sử phát triển của các dân tộc, trang phục truyền thống có vai trò như biểu tượng văn hóa sống động riêng có của mỗi dân tộc, tạo nên sự đa sắc, phong phú trong trang phục của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung, cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng, qua đó xây dựng, bồi đắp niềm tự hào về nguồn cội. Nhưng khi bản sắc văn hóa trong trang phục bị mai một, biến dạng, thậm chí bị loại khỏi đời sống, là hồi chuông báo động về nguy cơ xa rời các giá trị truyền thống và đánh mất cội nguồn văn hóa; trên thực tế có một số hiện tượng về nguy cơ đó đã và đang xảy ra.

Trang phục truyền thống của dân tộc Dao đỏ. Ảnh: M.T

Trang phục truyền thống của dân tộc Dao đỏ. Ảnh: M.T

Trang phục truyền thống của các dân tộc có bảo tồn, phát huy được hay không là nhờ sự phát hiện ra nét đặc trưng của từng bộ trang phục gắn với từng dân tộc. Nhưng để làm được điều này cần có thời gian, giải pháp trước mắt là ghi hình lưu lại các trang phục ở cả trạng thái tĩnh và động, tức là gắn với các hoạt động của đời sống lao động, sinh hoạt như: lên nương rẫy, ngoài đồng ruộng, các lễ hội, nghi lễ tâm linh… Bên cạnh đó, khuyến khích đồng bào mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình trong các dịp lễ, tết, lễ hội, các nghi lễ trong năm, các nghi lễ trong vòng đời người… Các cơ quan chức năng tổ chức thi trình diễn trang phục ở các cấp nhằm thu hút trí tuệ, sáng tạo của những người tâm huyết với trang phục truyền thống nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung.

Bảo tồn, phát huy vẻ đẹp trang phục truyền thống các DTTS đã và đang là vấn đề được Đảng, Nhà nước và các ngành chức năng quan tâm. Việc gìn giữ, bảo tồn trang phục của các DTTS là việc làm cần thiết trong công cuộc phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam hiện nay. Bởi qua góc nhìn từ bộ trang phục truyền thống của mỗi dân tộc, điều nhận biết đầu tiên về các dân tộc, đó chính là sự phân biệt giữa các dân tộc, mà trang phục của các dân tộc chính là biểu tượng, bản sắc dân tộc, linh hồn, cốt cách, là cách ứng xử của mỗi dân tộc đối với thiên nhiên và xã hội của các dân tộc thể hiện qua bộ trang phục truyền thống của mỗi dân tộc.

Trang phục truyền thống cũng thể hiện trình độ canh tác sản xuất, sự phát triển về tri thức bản địa của mỗi dân tộc, thể hiện sự ứng xử hòa hợp của con người với thiên nhiên, với xã hội của từng dân tộc… Trang phục của mỗi dân tộc sẽ còn đồng hành với các dân tộc và trở thành một tổng thể không thể thiếu được trong đời sống xã hội. Tìm hiểu bản sắc văn hóa mỗi dân tộc thì trang phục truyền thống là yếu tố không thể thiếu, nếu trang phục truyền thống không còn tồn tại, bị mai một sẽ làm mất đi những giá trị văn hóa gắn với tín ngưỡng, gắn với tâm linh và là bản sắc, biểu tượng riêng có của các dân tộc. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị của trang phục truyền thống các DTTS đang trở thành vấn đề cấp bách trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay.

Trang phục của mỗi dân tộc không chỉ đóng vai trò quan trọng của việc phân biệt giữa các cộng đồng dân tộc, giúp đặc trưng văn hóa của tộc người đó không bị lẫn với bất kỳ ai khác. Dù rất nỗ lực gìn giữ nhưng hiện trang phục của các dân tộc đều đang đứng trước nguy cơ mai một do một số nguyên nhân như: không còn phù hợp với thời cuộc, trang phục của đồng bào khó mặc, cắt may cầu kỳ, mất nhiều công đoạn, mất nhiều thời gian, mẫu mã không đa dạng, chưa bắt kịp với xu thế thời đại, chất liệu không phù hợp với điều kiện thời tiết... Do đó, thay đổi là hướng đi được đa số bà con lựa chọn, giúp những bộ trang phục của mình vừa tiện ích trong cuộc sống lại bảo tồn mãi với thời gian.

Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, sự giao thoa văn hóa đã ảnh hưởng và làm thay đổi nhận thức, thị hiếu thẩm mỹ của đồng bào các DTTS. Trang phục của họ đang có sự biến đổi nhanh chóng, nhiều tộc người không còn giữ được bản sắc văn hóa của trang phục truyền thống, nhất là những tộc người có số dân ít, sinh sống tại địa bàn có sự giao thoa, ảnh hưởng văn hóa cao… Đặc biệt, các DTTS đang tiếp thu dập khuôn, một chiều cách ăn mặc của người Kinh, nhất là ở các vùng đô thị, làm nảy sinh tâm lý tự ti, thậm chí coi thường giá trị trang phục dân tộc mình. Đồng bào các dân tộc, kể cả một số người làm công tác văn hóa chưa nhận thức đúng đắn về mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại của trang phục truyền thống, khiến một bộ phận, nhất là lớp trẻ chưa có ý thức coi trọng, giữ gìn bản sắc văn hóa trong trang phục truyền thống dân tộc.

Cách tân trong “khuôn khổ”

Thời trang là ngành nghề không có giới hạn, nhưng nếu các nhà thiết kế thời trang cách tân trang phục của các DTTS mà không có sự nghiên cứu sâu về những giá trị văn hóa truyền thống của từng dân tộc, người thực hiện cách tân rất dễ làm mất đi bản sắc văn hóa của đồng bào. Chúng ta đồng ý cách tân là cần thiết nhưng phải trong “khuôn khổ” cho phép chứ không thể cứ thích là làm tùy hứng sáng tạo; quan trọng tránh sự cắt ghép xáo trộn trang phục của các dân tộc. Chúng ta đang nỗ lực quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS đến với đại chúng, nhưng nếu nhìn những bộ trang phục đã cách tân mà không có bất kỳ chú thích nào sẽ khiến công chúng hiểu lầm về nét đặc trưng trang phục của đồng bào các DTTS, điều này rất nguy hiểm. Vì thế, các nhà thiết kế khi tạo nên một sản phẩm thời trang lấy ý tưởng từ trang phục truyền thống cần nghiên cứu kỹ những giá trị truyền thống trên từng bộ trang phục của mỗi dân tộc, nhất là phải tôn trọng giá trị lịch sử, văn hóa riêng biệt của từng dân tộc, tránh sự phá cách quá đà, làm mất tính biểu tượng và tính thiêng của bộ trang phục dân tộc.

Bên cạnh đó, mỗi cá nhân cho đến cộng đồng cần có nhận thức đúng đắn đến sự tự ý thức trong ứng xử với trang phục truyền thống của dân tộc mình, thì giá trị văn hóa đặc sắc về trang phục mới được tôn vinh và có vị trí xứng đáng trong đời sống, góp phần tích cực vun đắp tình yêu văn hóa truyền thống, gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc.

Thiên Phước

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/can-giu-gin-ban-sac-dan-toc-trong-cach-tan-trang-phuc-truyen-thong-3176911.html