Cần Giuộc - Hành trình 50 năm đổi thay và vươn mình
Xuất phát điểm là mảnh đất miền hạ với nhiều khó khăn nhưng sau 50 năm miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An đã có diện mạo mới, vị thế mới, tự tin bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tự hào một vùng đất
Cần Giuộc có vị trí chiến lược và bề dày lịch sử, có cửa sông ra biển, có hệ thống giao thông thủy, bộ huyết mạch kết nối TP.HCM và đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Nhân dân Cần Giuộc giàu truyền thống yêu nước, kiên cường và bất khuất, không ngại hy sinh, gian khổ.
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân Cần Giuộc thực hiện xuất sắc đường lối kháng chiến của Đảng, đánh giặc toàn dân, toàn diện trên các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, cùng tỉnh và cả nước góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Lãnh đạo huyện Cần Giuộc và xã Phước Lại đến thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng
Từ giữa năm 1954, đế quốc Mỹ can thiệp trực tiếp chiến trường miền Nam. Với vị trí cửa ngõ dẫn vào Sài Gòn - nơi cơ quan đầu não của địch từ hướng Nam, Cần Giuộc có vị trí then chốt mang tính chiến lược, là địa bàn tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch, nơi chiến sự diễn ra hết sức ác liệt, lâu dài.
Trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân Cần Giuộc đã đoàn kết, chiến đấu anh dũng, quật cường làm nên nhiều chiến công vang dội: Cuộc biểu tình của 20.000 đồng bào năm 1961; sự kiện 18 ngày đêm đánh Mỹ của nhân dân Phước Lại; sự kiện 45 ngày đêm đánh Mỹ của quân - dân vùng hạ Cần Giuộc năm 1967;... góp phần cùng quân và dân Long An làm nên truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 lịch sử, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, cùng quân - dân miền Nam, quân - dân Cần Giuộc đã hoàn thành nhiệm vụ mở đường, tạo địa bàn, tạo thế cho quân ta tiến công giải phóng Sài Gòn trên hướng Nam từ ngày 26/4/1975.
Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ tại chỗ theo tinh thần “xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện”. Trong chiều ngày 30/4/1975, lực lượng cách mạng của ta đã làm chủ Dinh quận Cần Giuộc, địch kéo cờ đầu hàng và sáng ngày 01/5/1975, ta đã tổ chức mít-tinh trước Dinh quận để khuếch trương chiến thắng,... Quê hương Cần Giuộc được giải phóng, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Rời miền Bắc đến miền Nam lập nghiệp từ năm 1975, ông Hoàng Trọng Bình - người dân thị trấn Cần Giuộc, không ngại khó khăn, vất vả ở vùng đất mới. Ông Bình chia sẻ, là lính Cụ Hồ từng cùng đồng đội vào sinh ra tử, chiến đấu để bảo vệ đất nước nên với ông, nơi nào cũng là quê hương. “Tôi rất vui khi mảnh đất mình sinh sống ngày nay có nhiều đổi thay vượt bậc. Kết cấu hạ tầng được đầu tư, khu dân cư đô thị mới, các khu, cụm công nghiệp được hình thành,... qua đó giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân” - ông Bình nói.
Vượt khó đi lên
Từ sau khi giành chính quyền về tay nhân dân, phát huy truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân Cần Giuộc luôn nêu cao ý chí, tinh thần tự lực, tự cường tiếp tục lập nên nhiều thành tích mới. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, làm thay đổi bộ mặt xã hội, mang lại cho người dân cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung, xứng đáng là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh.

Cơ cấu kinh tế của huyện Cần Giuộc chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng “Công nghiệp, xây dựng, đô thị - thương mại, dịch vụ - nông nghiệp”
Sau 50 năm ngày đất nước thống nhất, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Cần Giuộc đã vượt khó, đạt nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới. Huyện Cần Giuộc đã có bước tiến vượt bậc về phát triển KT-XH. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng “Công nghiệp, xây dựng, đô thị - thương mại, dịch vụ - nông nghiệp”, có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa cao. Huyện xây dựng thành công huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023. Ngoài ra, huyện thực hiện tốt các chế độ, chính sách và công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Với quan điểm “lộ thông tài thông”, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, huyện chú trọng phát triển hạ tầng giao thông, tập trung nguồn lực đầu tư các công trình giao thông kết nối TP.HCM và kết nối liên vùng.
Đặc biệt, huyện chủ động xin chủ trương UBND tỉnh đầu tư các công trình trọng điểm, các tuyến đường giao thông huyết mạch như Đường tỉnh 835B; Đường tỉnh 826, Đường tỉnh 826C, Hương lộ 11, đường đê Trường Long,... Đây được xem là trục đường “xương sống” của huyện nhằm khai thác lợi thế, thúc đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, một số tuyến đường giao thông trục ấp, xã còn nhỏ, hẹp, tải trọng thấp, xuống cấp, chưa đáp ứng tốt việc lưu thông hàng hóa, phát triển dân cư theo định hướng phát triển đô thị của huyện. Trước tình hình đó, ngày 23/10/2023, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành Nghị quyết số 69-NQ/HU “về đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030” theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.
Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 80%, nhân dân đóng góp 20% kinh phí và hiến đất mở rộng các tuyến đường có mặt đường nhựa hoặc bêtông rộng từ 5m trở lên. Từ khi triển khai đến nay, đã có 15/15 công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng, hiệu quả mang lại rất tích cực.
Tự tin bước vào kỷ nguyên vươn mình
Thực hiện Kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh, theo đó, đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện còn lại sau sắp xếp là 5 đơn vị. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện là quyết tâm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước nhằm bảo đảm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở theo hướng gần dân, sát dân, phù hợp tình hình thực tiễn và xu thế phát triển.
Thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy đã quán triệt trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong huyện đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu, rộng trong Đảng bộ và xã hội, tạo sự đồng thuận, thống nhất thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính.
Ban Thường vụ Huyện ủy đã phân công các ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách theo dõi, chỉ đạo các địa phương rà soát, đề xuất sửa chữa, cải tạo, nâng cấp trụ sở để bố trí phòng làm việc cho các đơn vị; thay đổi biển tên các cơ quan, đơn vị, cổng ấp, cổng chào (nếu có),... cho đồng bộ với tên đơn vị hành chính mới khi đi vào hoạt động kể từ ngày 01/7/2025.
Song song đó, chỉ đạo công tác xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2025-2030 theo định hướng cơ cấu phát triển KT-XH phù hợp đặc điểm tình hình từng xã và lãnh đạo tổ chức đại hội đảng bộ các xã trước ngày 31/8/2025.
“Việc hợp nhất đơn vị hành chính không làm mất đi bản sắc riêng mà chính là sự kế thừa tinh thần bất khuất, cần cù, đổi mới và sáng tạo của cha ông - những người đã từng chiến đấu kiên cường vì độc lập, thống nhất, và hôm nay, chúng ta quyết tâm phát triển bền vững, toàn diện vì sự thịnh vượng chung của đất nước, dân tộc. Chúng ta tin tưởng rằng, với truyền thống đó, kế thừa truyền thống cách mạng của các thế hệ đi trước, với niềm tin vững chắc vào trí tuệ, bản lĩnh và khát vọng vươn lên, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Cần Giuộc sẽ vượt qua khó khăn, tiếp tục hành động một cách quyết liệt, khoa học, bài bản, không để lỡ thời cơ đồng hành cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” - Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc - Trương Thanh Liêm nhấn mạnh./.
Toàn huyện Cần Giuộc có 589 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 3.433 liệt sĩ, 5.500 người có công với cách mạng,... Với những thành tích xuất sắc, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Ba, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; có 11 tập thể và 6 cá nhân được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; hơn 4.100 cán bộ, chiến sĩ, nhân dân được phong tặng, truy tặng huân, huy chương, bằng khen các loại trong kháng chiến chống thực dân, đế quốc và thời kỳ đổi mới của đất nước.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/can-giuoc-hanh-trinh-50-nam-doi-thay-va-vuon-minh-a195651.html