Cần gỡ khó về pháp lý cho người chuyển giới
Hiện nay, tại Việt Nam chưa có số liệu chính thức về người chuyển giới nhưng con số ước tính của Viện Nghiên cứu xã hội - kinh tế và môi trường (Isee - là tổ chức phi chính phủ Việt Nam làm việc vì quyền của các nhóm thiểu số trong xã hội), thì có khoảng 500 ngàn người tự nhận giới tính của bản thân không trùng với giới tính bẩm sinh.
Theo pháp luật Việt Nam, quyền chuyển đổi giới tính là một trong những quyền nhân thân của cá nhân và lần đầu tiên được ghi nhận tại Điều 37, Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, luật chuyển đổi giới tính chưa được ban hành nên chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, gây nhiều khó khăn cho người đã hoặc đang chuyển giới.
* Chuyển giới “chui”
Thực tế, nhiều người vì khát khao được sống đúng với giới tính thật của bản thân đã qua nước ngoài để thực hiện phẫu thuật chuyển giới “chui”, số khác thì đến các cơ sở thẩm mỹ trong nước thực hiện phẫu thuật chuyển đổi một số bộ phận trên cơ thể. Mặc dù người chuyển giới được các bệnh viện nước ngoài xác nhận đã chuyển giới thành công nhưng khi về lại Việt Nam thì việc thay đổi giới tính trên giấy tờ tùy thân lại không thực hiện được hoặc việc thay đổi họ tên phù hợp với bề ngoài cũng còn rất “gian nan”.
Cứ tưởng chuyển giới thành công là bước ngoặt quan trọng nhất trong cuộc đời để được sống đúng với giới tính thật của mình, nhưng một số người lại rơi vào tình trạng “dở khóc, dở cười” vì bề ngoài là nữ nhưng giấy tờ lại là nam hoặc ngược lại. Điển hình như K.A.V.H. (32 tuổi, ngụ P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) là một cái tên được nhiều người chuyển giới nhắc đến bởi vẻ bề ngoài xinh đẹp và tính cách dịu dàng rất giống với con gái sau khi đã chuyển giới thành công.
H. kể, ngay từ khoảng 8 tuổi, đã biết bản thân có vấn đề về giới tính. Vẻ bề ngoài của H. là nam nhưng tính cách và sở thích là nữ. Lớn lên H. bị bạn bè trêu chọc và xa lánh do có tính “ẻo lả”, còn cha mẹ H. cũng vì xấu hổ với hàng xóm nên thường xuyên la mắng con.
“Khi bị nhiều người giễu cợt, cha mẹ lại ly hôn, tôi đã muốn tìm đến cái chết nhưng được một người chị giúp đỡ vực dậy tinh thần. Sau đó, tôi nghĩ còn chưa được là chính mình thì sao lại đi tìm cái chết. Nên vào năm 2019, tôi đi qua Thái Lan chuyển giới thành nữ” - H. kể lại.
Trải qua hơn 5 cuộc “đại phẫu thuật” với vô vàn những cơn đau “thập tử nhất sinh”, H. mới có được thân hình nữ giới xinh đẹp như hiện tại. Về nước, H. cầm trên tay tờ giấy xác nhận của bệnh viện đã chuyển giới thành công đến “gõ cửa” các cơ quan chức năng yêu cầu được đổi giới tính trên giấy tờ tùy thân nhưng đều bị từ chối. Thậm chí H. muốn đổi sang tên nữ giới để phù hợp với ngoại hình cũng rất khó khăn.
Ngoài ra, có một số người chưa đủ điều kiện về kinh tế hoặc chưa được gia đình chấp nhận cho đi phẫu thuật chuyển giới thì lại chọn cách tiêm hormone. Người có tiền thường lên TP.HCM nhờ người có chuyên môn tiêm, người không có tiền lại chọn cách mua thuốc về nhà tự tiêm rất nguy hiểm.
Chẳng hạn như Đ.V.H. (28 tuổi, ngụ P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) là người biết bản thân có bản tính nữ, ngoại hình là nam ngay từ nhỏ. Nhưng do chưa đủ điều kiện kinh tế để phẫu thuật chuyển giới nên đã mua hormone nữ về tự tiêm. Đ.V.H. kể, trong 2 năm tự tiêm hormone, đã có nhiều lần bị sưng, mưng mủ, biến chứng sau tiêm khiến nhiều ngày không đi lại được do đau. Tuy nhiên, vì muốn được sống với chính con người thật nên dù nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng Đ.V.H. vẫn thực hiện.
* Pháp luật chưa công nhận việc chuyển đổi giới tính
Phó giám đốc Sở Tư pháp Phan Quang Tuấn cho biết, pháp luật Việt Nam chưa quy định hay công nhận việc chuyển giới bằng phẫu thuật mà chỉ quy định việc xác định lại giới tính đối với những trường hợp khi sinh ra có sự xác định nhầm giới tính tự nhiên của cá nhân.
Theo Điều 35, Bộ luật Dân sự năm 2015, việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính. Với điều kiện nêu trên, việc cá nhân thực hiện các thủ thuật để chuyển giới không bị xem là vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, Điều 37, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, người chuyển đổi giới tính có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định. Như vậy, hiện nay pháp luật đã nhìn nhận quyền chuyển đổi giới tính như một quyền nhân thân của cá nhân.
Theo đó, người chuyển đổi giới tính có quyền và nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch như: quyền thay đổi họ, tên; thay đổi quốc tịch… Bên cạnh đó, Điểm e, Khoản 1, Điều 28 Bộ luật Dân sự năm 2015 còn khẳng định, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp sau đây: thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính.
Bên cạnh đó, việc thay đổi hộ tịch (họ tên, ngày tháng năm sinh…) được thực hiện theo quy định tại Khoản 3, Điều 46, Luật Hộ tịch năm 2014. Do đó, người chuyển giới muốn thay đổi họ tên thì đến UBND cấp huyện để được giải quyết đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước. Thủ tục thực hiện đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch được áp dụng theo quy định tại Điều 28 của Luật Hộ tịch năm 2014.
Cũng theo ông Tuấn, việc ghi nhận quyền chuyển đổi giới tính trong Bộ luật Dân sự năm 2015 đã thể hiện sự quan tâm của Nhà nước và xã hội đối với việc bảo vệ quyền của những người chuyển giới, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp về quyền con người. Đây là cơ sở pháp lý để có thể tiến hành xây dựng và điều chỉnh các quy định pháp lý có liên quan. Tuy nhiên, quy định về chuyển giới còn khá chung chung và là một quyền có điều kiện. Cho nên trước khi có quy định cụ thể thì cần đánh giá, phân tích một cách tổng quát nhiều khía cạnh về quyền và nghĩa vụ của người chuyển giới trong tất cả các mối quan hệ xã hội để xây dựng quy định pháp luật phù hợp, tránh có sự chồng chéo giữa các luật trong việc điều chỉnh quyền, nghĩa vụ của người chuyển giới.
“Cần sớm ban hành Luật Chuyển đổi giới tính để có cơ chế giải quyết các khó khăn, vướng mắc về các thủ tục pháp lý cũng như kịp thời đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người chuyển giới. Chỉ khi có hành lang pháp lý đầy đủ thì những người chuyển giới mới được đảm bảo hơn về quyền bình đẳng, quyền được hưởng hạnh phúc trong xã hội” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Luật sư Vũ Văn Tăng, Đoàn Luật sư Đồng Nai cho rằng, hiện nay ở Việt Nam chưa có Luật Chuyển đổi giới tính nên việc thay đổi thông tin trên hộ tịch của người chuyển giới chưa thể tiến hành. Tuy nhiên, nếu Bộ luật Dân sự năm 2015 đã ghi nhận nguyên tắc chung thì cơ quan nhà nước có thể linh hoạt xác nhận bằng một loại văn bản. Đó là tờ xác nhận thông tin nhân thân mới từ nam sang nữ sau thời điểm có xác nhận của bệnh viện là đã chuyển giới thành công. Tờ giấy này sẽ tạo điều kiện cho người chuyển giới thực hiện đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong đời sống hằng ngày.
Ông Phan Quang Tuấn - Phó giám đốc Sở Tư pháp cho rằng, mỗi chúng ta cũng nên thay đổi về cách nhìn đối với người chuyển đổi giới tính, thừa nhận họ có quyền tồn tại hiển nhiên như tất cả những người không chuyển giới và hoàn toàn bình đẳng với tất cả mọi người.