Cần 'hàng rào' kỹ thuật trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
Những năm qua, ngành nông nghiệp Lào Cai rất nỗ lực thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa, hướng tới xuất khẩu. Với 'hàng rào' kỹ thuật ngày càng nghiêm ngặt, việc quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tại các vùng sản xuất là yếu tố quan trọng hàng đầu nhằm đảm bảo uy tín cũng như khẳng định thương hiệu sản phẩm nông nghiệp tại thị trường quốc tế.
Đến nay, Lào Cai đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung có giá trị kinh tế cao như vùng chè, chuối, dứa, dược liệu, quế, rau trái vụ, cây ăn quả ôn đới... Các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn kỹ thuật ngày càng được mở rộng, diện tích được chứng nhận hữu cơ quốc tế được nâng lên (3.500 ha quế, 600 ha chè); việc cấp mã số vùng trồng được tích cực triển khai, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Tuy nhiên, tại một số vùng sản xuất hàng hóa vẫn còn tình trạng sử dụng thuốc BVTV ngoài danh mục, lạm dụng thuốc BVTV. Việc duy trì chứng nhận hữu cơ tại các vùng chè, quế gặp khó khăn do chưa xây dựng được vùng đệm an toàn, gây hiện tượng phơi nhiễm thuốc tại các vùng giáp ranh, ảnh hưởng đến chất lượng và thương hiệu sản phẩm, có nguy cơ bị thu hồi giấy chứng nhận, mất vùng nguyên liệu hữu cơ.
Cụ thể, Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà vừa đưa ra thông tin cảnh báo về tình trạng tồn dư hóa chất trong các sản phẩm tại các vùng nguyên liệu. Đây là một trong những doanh nghiệp xây dựng và phát triển chuỗi giá trị cây quế tại Lào Cai đạt các tiêu chuẩn quốc tế, như Organic (hữu cơ) và UEBT/RA (thương mại sinh học có đạo đức). Hiện nay, doanh nghiệp thu mua 60% sản lượng quế vỏ toàn tỉnh.
Theo ông Keiji Taniguchi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà, châu Âu và Mỹ kiểm soát rất chặt tồn dư hàm lượng hóa chất trong các sản phẩm nhập khẩu. Nếu không kiểm soát tốt việc sử dụng thuốc BVTV, sắp tới sản phẩm quế đối mặt với nguy cơ không thể xuất khẩu sang những thị trường này. Từ năm 2020 đến nay, công ty đã phát hiện một số hoạt chất phổ biến trong mẫu nguyên liệu quế thu mua từ Lào Cai, như Glyphosate (có trong thuốc trừ cỏ) và Chlorpyrifos (có trong các loại thuốc trừ sâu). Qua điều tra, công ty nhận thấy nông dân ít sử dụng các loại thuốc BVTV trực tiếp cho cây quế, nhưng sử dụng nhiều cho nhiều loại cây trồng khác, dẫn tới lây nhiễm chéo sang diện tích trồng quế. Công ty mong ngành nông nghiệp phối hợp tuyên truyền, nhắc nhở người dân, đồng thời kiểm tra, giám sát việc sử dụng các loại thuốc BVTV trên cây trồng nói chung và cây quế nói riêng để đảm bảo phát triển bền vững chuỗi giá trị ngành hàng quế tỉnh Lào Cai.
Theo nhận định ban đầu của ngành chức năng, một số hoạt chất thuốc BVTV được phát hiện trên cây quế có thể do lây nhiễm chéo khi người dân sử dụng đối với các cây trồng khác ở vùng giáp ranh. Điều đáng nói ở đây là 2 hoạt chất Glyphosate có trong thuốc trừ cỏ và Chlorpyrifos trong các loại thuốc trừ sâu đã sớm bị “gạch tên” khỏi danh mục các loại thuốc được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam. Đồng nghĩa với đó, hiện trạng sử dụng các loại thuốc ngoài danh mục vẫn âm thầm diễn ra trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng các vùng sản xuất.
Không chỉ với sản phẩm quế hữu cơ, các vùng sản xuất hàng hóa khác như chè, chuối, dứa, rau quả… cũng cần được kiểm soát tốt về việc sử dụng thuốc BVTV. Đây là việc làm bắt buộc để đảm bảo các loại nông sản có thể không chỉ hướng tới thị trường quốc tế, mà còn phục vụ thị trường nội địa yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nông sản.
Bà Nguyễn Thị Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp và người dân thực hiện nghiêm các biện pháp sản xuất an toàn theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP); sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả; thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về sản xuất an toàn và tác hại của việc lạm dụng thuốc BVTV.
Cũng theo bà Hà, hiện nay, vùng sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn hữu cơ gặp nhiều khó khăn khi đối mặt với tình trạng lây nhiễm chéo từ các vùng sản xuất lân cận do chưa xây dựng được vùng đệm an toàn. Bởi vậy, đối với các doanh nghiệp liên kết tại các vùng sản xuất đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ, các vùng đang xây dựng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP cần khẩn trương xây dựng các dải cách ly (vùng đệm), đồng thời phối hợp quản lý tốt quy trình sản xuất tại dải cách ly và vùng giáp ranh với cánh đồng thông thường. “Ngoài ra, cần phải xác định rõ, ngay cả các vùng sản xuất khác, dù chưa được chứng nhận theo các tiêu chuẩn cũng cần sử dụng thuốc BVTV theo đúng nguyên tắc” - bà Hà nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, trong chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa, việc tạo ra các sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn chất lượng là yêu cầu bắt buộc và không phải trách nhiệm riêng của ngành trồng trọt. Các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần phối hợp, tăng cường các biện pháp quản lý thuốc BVTV; kiểm tra, thu giữ thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc ngoài danh mục; kiểm soát chặt chẽ các hoạt chất cấm sử dụng và các hoạt chất loại bỏ khỏi danh mục (Chlorpyrifos ethyl, Fipronil, Glyphosate) tại các vùng sản xuất, đặc biệt là các vùng giáp ranh với vùng sản xuất đã được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ; xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng các loại thuốc ngoài danh mục, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, sử dụng thuốc sai quy trình, thu hoạch không đúng thời gian cách ly…