Cần hành động quyết liệt để giảm nợ BHXH
Trước tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) còn diễn ra khá phổ biến, tại cuộc họp của Ủy ban Xã hội của Quốc hội mới đây, các thành viên Ủy ban đề nghị làm rõ tình trạng trốn đóng, chậm đóng, nhận diện rõ hành vi, phân loại nhóm doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng để có giải pháp hạn chế, xử lý kịp thời.
Tại phiên họp mở rộng thẩm tra Báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2021 do Ủy ban Xã hội của Quốc hội chủ trì mới đây, báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Bá Hoan - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết: Đến hết ngày 31/12/2021, số người tham gia BHXH bắt buộc là hơn 15,09 triệu người, tăng hơn 32,7 nghìn người so với cùng kỳ năm 2020 (tương đương với mức tăng 0,22%), chiếm gần 33,55% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Về số thu BHXH bắt buộc trong năm 2021 là hơn 263,4 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 1,8 nghìn tỷ đồng so với năm 20202 (tương đương với mức tăng 0,7%). Song tổng số tiền chậm đóng BHXH bắt buộc là hơn 10,2 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với năm 2020, tương đương mức tăng 10,97%; lãi phạt chậm đóng là hơn 2.900 tỷ đồng.
Tại cuộc họp, các thành viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị làm rõ tình trạng trốn đóng, chậm đóng, nhận diện được hành vi để có giải pháp kịp thời hạn chế; phân loại nhóm doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng để đánh giá cụ thể; cần làm rõ số lao động đóng thiếu mức tiền lương làm căn cứ đóng... để kiến nghị xử lý doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, nhất là quy định Luật BHXH.
Trao đổi về vấn đề nợ BHXH tại phiên họp, ông Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, thời gian qua, công tác thanh, kiểm tra đã được ngành BHXH quan tâm, từng bước thể hiện đúng trách nhiệm của ngành BHXH trong thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Tuy nhiên, việc chấp hành chưa đầy đủ về pháp luật BHXH chưa có nhiều cải thiện, tình trạng chậm đóng BHXH vẫn diễn ra, nhất là trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Mặt khác, qua giám sát tại các địa phương cho thấy, rất ít lao động được đóng BHXH đúng theo thu nhập thực tế doanh nghiệp chi trả...
Bàn về vấn đề chậm đóng BHXH, ông Lê Văn Khảm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, năm 2021, có đơn vị chậm đóng BHXH hơn 3 năm, nhưng vẫn chỉ được xem là chậm đóng BHXH chứ chưa xác định là trốn đóng - điều này do quy định pháp luật quy định và cần được điều chỉnh để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, cũng như đảm bảo Quỹ BHXH.
Theo ông Khảm, số nợ BHXH hiện nay vẫn còn cao, bên cạnh lý do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cũng có nhiều đơn vị cố tình trốn đóng, chậm đóng. Trong khi đó, Hội đồng Thẩm phán Trung ương đã có Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn xử lý về xử lý hành vi trốn đóng BHXH, tội gian lận BHXH.
Thực tế, đến nay, thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển cơ quan Công an 84 hồ sơ, thành phố Hà Nội chuyển 4 hồ sơ đề nghị khởi tố theo Điều 216 Bộ luật Hình sự, song chưa có đơn vị nào được Tòa án chấp nhận đưa ra khởi tố. Do đó, cần sớm xem xét, tháo gỡ các vướng mắc về mặt pháp lý.
Từ góc độ đại diện, bảo vệ quyền lợi cho người lao động, trao đổi tại phiên họp, ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, những năm qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chủ động chỉ đạo các cấp Công đoàn thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho đoàn viên, người lao động; tham gia tích cực trong công tác thanh, kiểm tra; phối hợp với cơ quan BHXH thực hiện tuyên truyền về chính sách. Đặc biệt, Công đoàn đã chủ động tham gia sửa đổi chính sách BHXH, nhất là về Luật BHXH, Luật Việc làm…
Trước tình trạng còn nhiều doanh nghiệp nợ đóng, chây ì nợ BHXH, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Bộ LĐTBXH, BHXH Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến công tác thanh tra, kiểm tra, giảm thiểu tình trạng chậm đóng, nợ đóng BHXH, qua đó đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Trao đổi về công tác thanh tra, kiểm tra của ngành BHXH, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, thời gian qua, ngành đã kết hợp các phương pháp từ thanh tra trực tiếp đến thanh tra qua hồ sơ, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động.
“Dù số cuộc thanh tra chưa đạt như mong muốn, nhưng ngành đã tích cực phối hợp với các đơn vị, đôn đốc thu nộp ngay từ ban đầu, sử dụng các biện pháp hợp lý, tiến hành thanh tra chuyên đề nợ… Do đó, sau thanh tra, các đơn vị đã nộp tiền nợ đã nợ đạt 95%”, ông Nguyễn Thế Mạnh cho biết.
Phát biểu tại phiên họp, bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội khẳng định, vấn đề chậm đóng, nợ đóng, trốn đóng BHXH vẫn còn khá phổ biến, do đó cần có những biện pháp quyết liệt hơn, bằng các hành động cụ thể hơn để giảm nợ. Theo bà Thúy Anh: Thời gian qua, cơ quan BHXH đã rất nỗ lực, cố gắng trong việc xử lý đơn vị nợ BHXH, nhưng chưa xử lý dứt điểm được.
Bên cạnh đó, việc khởi tố đơn vị nợ BHXH còn vướng mắc, đến nay vẫn chưa xử lý được đơn vị nào; do đó Ủy ban mong muốn sẽ khởi tố được một số trường hợp đơn vị nợ BHXH để răn đe các đơn vị khác. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị các bộ, ngành cần quan tâm đến vấn đề này, nếu vướng mắc ở nội dung nào có giải pháp tiếp tục kiến nghị Tòa án có sửa đổi, bổ sung cho kịp thời./.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/can-hanh-dong-quyet-liet-de-giam-no-bhxh-146256.html