Cần hình thành quỹ 'tài chính xanh'

Hiện nay, tại thị trường Việt Nam, xe xăng vẫn chiếm đa số trên thị trường phương tiện giao thông Việt Nam.

“Xanh” hóa thị trường ô tô, tăng cường số lượng xe điện để góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm là giải pháp cần thiết vì một môi trường xanh, sạch, bảo đảm sức khỏe con người hơn. Tuy nhiên, hành trình này vẫn cần thêm rất nhiều giải pháp.

Theo các thống kê, ước tính, Việt Nam có 6,5 triệu xe hơi - được ví như 6,5 triệu trạm phát thải di động. Đây là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Do đó, phát triển thị trường sản xuất, kinh doanh xe điện được coi là một trong những giải pháp để giải quyết vấn đề ô nhiễm, góp phần thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050 như cam kết của Chính phủ tại COP26.

Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam là một quốc gia có dân số lớn và tiếp tục gia tăng, nền kinh tế tăng trưởng ổn định, nếu không có những giải pháp kịp thời để “xanh hóa” ngành ô tô được dự báo còn rất nhiều dư địa phát triển, thì các trạm phát thải di động sẽ ngày càng trở thành một ẩn số lớn trong bài toán phát triển bền vững.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng và cộng đồng DN đã có nhiều hành động thiết thực để cùng chung tay tạo động lực mới cho ngành ô tô, mở lối cho những chiếc xe “xanh” lăn bánh, tạo nên một không gian giao thông xanh, sạch hơn.

Hiện, Bộ GTVT đã đề xuất nhiều chính sách ưu đãi và hỗ trợ để thúc đẩy phát triển xe điện nhằm giảm phát thải môi trường. Đó là kiến nghị ba loại xe điện được hưởng ưu đãi, gồm xe điện chạy bằng pin, xe điện sử dụng pin nhiên liệu, và ô tô năng lượng mặt trời.

Bộ này cũng đề xuất miễn, giảm lệ phí trước bạ và lệ phí đăng ký biển số cho người sử dụng xe ô tô điện; khuyến khích tiếp cận tín dụng và trợ giá trực tiếp cho người mua xe; ưu tiên phát triển xe ô tô điện trong lĩnh vực vận tải; và cung cấp ưu đãi vốn vay cho các DN vận tải chuyển đổi sang xe ô tô điện, cùng với trợ giá cao hơn cho xe buýt điện.

Dù những chính sách này mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên, việc phát triển giao thông xanh vẫn gặp nhiều khó khăn. Các vấn đề bao gồm quy hoạch trạm sạc tại các đô thị chưa hợp lý, làm khó cho nhà đầu tư; cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng đủ nhu cầu chuyển đổi của người dân; và chính sách hỗ trợ chuyển đổi từ xe động cơ truyền thống sang xe năng lượng mới chưa được triển khai mạnh mẽ, với lộ trình còn chưa rõ ràng.

Một DN ô tô cho hay, để phát triển giao thông xanh tại Việt Nam, cần xây dựng chương trình chuyển đổi sang sử dụng điện và năng lượng xanh cho nhiều loại phương tiện khác nhau. Điều này đòi hỏi việc khuyến khích và hỗ trợ người dân cũng như DN sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường hơn.

Đặc biệt, sự hợp tác giữa nhiều đơn vị là rất quan trọng để tiến xa hơn trong việc này. Sự đồng hành sẽ giúp người dân dần thay đổi thói quen và thúc đẩy xu hướng di chuyển xanh ngày càng bền vững. Hơn nữa, việc xây dựng hệ thống hạ tầng phù hợp cũng sẽ giúp người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng giao thông xanh hơn.

Bên cạnh đó, một trong những khó khăn lớn của lĩnh vực này là việc tiếp cận nguồn vốn xanh. Một nghiên cứu của HSBC ước tính, chỉ riêng việc lắp đặt đủ hạ tầng sạc xe điện và công suất phát điện tái tạo đủ cho lượng xe điện mới theo dự báo cần khoảng 12,3 tỷ USD đầu tư giai đoạn 2024 - 2040. Do vậy, các chuyên gia nhấn mạnh, việc hình thành quỹ “tài chính xanh” là một giải pháp cần tính tới để giúp DN đầu tư xe xanh có thể tiếp cận tín dụng.

Hà Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/can-hinh-thanh-quy-tai-chinh-xanh.html