Cần hỗ trợ các hộ kinh doanh chuyển đổi mô hình khi Nghị định 70/2025 có hiệu lực
Từ ngày 1/7/2025, Nghị định 70/2025/NĐ-CP quy định bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử có mã từ máy tính tiền đối với hộ kinh doanh có hiệu lực đã khiến hàng ngàn hộ kinh doanh cá thể, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống (F&B) lúng túng.

Nghị định 70/2025/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 sẽ là cơ hội hoặc thách thức đối với hộ kinh doanh ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống (F&B).
Nhằm hỗ trợ cộng đồng kinh doanh F&B hiểu rõ và thích ứng với chính sách mới, ngày 22/5, Hiệp hội Ẩm thực TP Hồ Chí Minh (FBA) phối hợp với Hội Tư vấn và đại lý thuế TP Hồ Chí Minh (HTCAA) và Viettel TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo chuyên đề: “Nghị định 70/2025: Cơ hội hay thách thức cho cá nhân, hộ kinh doanh ngành F&B?”
Tại hội thảo, ông Lê Châu Báu, Phó Chủ tịch FBA, cho biết: “Chúng tôi mong muốn tạo cầu nối giữa cơ quan quản lý, chuyên gia thuế và cộng đồng kinh doanh để tháo gỡ khúc mắc, giúp người làm F&B yên tâm vận hành và từng bước chuyên nghiệp hóa mô hình”.
Theo ThS. Nguyễn Ngọc Tịnh, Phó Chủ tịch HTCAA, chủ trương xóa bỏ thuế khoán đã được xác định tại Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, yêu cầu chấm dứt hình thức thuế khoán chậm nhất vào năm 2026. Việc chuyển sang mô hình kê khai và hóa đơn điện tử sẽ giúp minh bạch doanh thu, chi phí, từ đó thúc đẩy hộ kinh doanh phát triển bền vững hơn và thực hiện nghĩa vụ thuế công bằng như các doanh nghiệp khác.
Tuy nhiên, ông Tịnh cũng nhấn mạnh: “Hộ kinh doanh cần lưu ý các quy định xử phạt nếu vi phạm về hóa đơn, như lập hóa đơn sai thời điểm hay không kết nối máy tính tiền với cơ quan thuế, có thể bị phạt từ 3 đến 8 triệu đồng”.

Toàn cảnh buổi hội thảo chuyên đề thu hút đông đảo cá nhân và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh F&B tham dự.
Chị Lê Thị Kim Thu, đồng sở hữu chuỗi bún đậu mắm tôm “A Chảnh” với 18 chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh cho biết, chuỗi cửa hàng của chị hiện vẫn đang áp dụng thuế khoán, với mức nộp khoảng 1,5 - 3 triệu đồng/tháng/chi nhánh.
"Nếu áp dụng hóa đơn theo máy tính tiền, doanh thu từ 200 - 500 triệu đồng/chi nhánh/tháng sẽ bị đánh thuế 4,5%, chưa kể nếu không được khấu trừ chi phí như nguyên liệu, mặt bằng, nhân công...", chị Kim Thu cho biết.

Chị Thu (áo hồng) đang băn khoăn trước quyết định chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp.
“Mức thuế mới nếu không được tính chi phí sẽ rất nặng. Tuy nhiên, nếu chuyển sang doanh nghiệp, tôi có thể kê khai lỗ lãi rõ ràng, có kế toán và pháp lý hỗ trợ, minh bạch hơn. Điều cần là chính sách hỗ trợ thực chất, như miễn thuế ba năm đầu, hỗ trợ phần mềm, đào tạo kế toán, tư vấn pháp lý... Khi đó tôi sẵn sàng chuyển đổi”, chị Thu chia sẻ.

Cá nhân và doanh nghiệp tích cực đặt câu hỏi liên quan đến các quy định khai thuế mới trong lĩnh vực F&B.
Tại hội thảo, một vấn đề nổi cộm được đặt ra từ thực tế là hàng tồn kho không hóa đơn. Chị Hương, chủ một tiệm tạp hóa tại phường Tân Thới Hiệp, Quận 12, nêu câu hỏi: “Tôi kinh doanh hộ cá thể theo thuế khoán, giờ chuyển sang hóa đơn điện tử thì hàng hóa cũ trước đây không có hóa đơn xử lý thế nào?”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tịnh, hiện một số Chi cục thuế có hướng dẫn linh hoạt, cho phép lập bảng kê hàng tồn kho không có hóa đơn để ghi nhận làm cơ sở khấu trừ khi chuyển đổi. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, chưa có cơ sở pháp lý cụ thể nên việc chấp nhận hay không tùy thuộc vào từng địa phương.
“Nếu không được ghi nhận đầu vào mà máy tính tiền lại xuất hóa đơn đầy đủ, doanh thu đầu ra cao mà không có chi phí đầu vào để khấu trừ, hệ số K (doanh thu chia chi phí) sẽ tăng vọt, gây nghi ngờ và dễ bị mời lên giải trình”, ông Tịnh cảnh báo.

Nhiều hộ kinh doanh ăn uống, tạp hóa lo lắng về tồn kho và khấu trừ thuế khi chuyển sang kê khai. Ảnh: Minh họa
Dù chỉ còn hơn một tháng nữa Nghị định 70/2025 có hiệu lực, cộng đồng F&B bước vào giai đoạn chuyển đổi quan trọng: từ hộ cá thể nhỏ lẻ sang mô hình doanh nghiệp chuyên nghiệp. Tuy nhiên, nhiều hộ vẫn đang loay hoay do thiếu thông tin, kỹ năng kế toán, hỗ trợ pháp lý và nguồn lực triển khai công nghệ.
Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Chủ tịch Hội Tin học TP Hồ Chí Minh, khẳng định: “Chuyển đổi số và hiện đại hóa thuế là xu hướng tất yếu. Nhưng việc tuyên truyền và sự nỗ lực hỗ trợ cho cộng đồng hộ kinh doanh ngành F&B, bao gồm nhà hàng, quán ăn, chuỗi cà phê, khách sạn, nhà cung cấp nguyên liệu... hiểu đúng, làm đúng mới là giải pháp lâu dài để phát triển bền vững, phù hợp với định hướng chuyển đổi số và hiện đại hóa quản lý thuế của Chính phủ”.
Việc bỏ thuế khoán và áp dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 70/2025 là một bước tiến quan trọng trong cải cách thuế, hướng tới môi trường kinh doanh minh bạch, hiện đại. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này sẽ chỉ thành công nếu các hộ kinh doanh, đặc biệt là trong ngành F&B được hướng dẫn chi tiết, hỗ trợ công nghệ và tiếp cận thông tin đầy đủ.
"Đây không chỉ là câu chuyện về thuế, mà còn là bài toán lớn về chuyển đổi mô hình, nâng cao năng lực quản trị và thích ứng với thay đổi trong thời đại số. Chính phủ, các hiệp hội, doanh nghiệp công nghệ và người kinh doanh cần cùng đồng hành, để quá trình chuyển mình này không trở thành gánh nặng, mà là cơ hội thực sự", ông Nguyễn Anh Đức cho biết thêm.
F&B (Food and Beverage) là ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống. Ngành này bao gồm các hoạt động sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm và đồ uống cho người tiêu dùng. Các mô hình kinh doanh trong ngành F&B có thể bao gồm nhà hàng, quán cà phê, quán ăn nhanh, bar, khách sạn, dịch vụ giao đồ ăn và nhiều lĩnh vực khác.