Kiểm tra sầu riêng xuất sang Trung Quốc, Cục trưởng hé lộ kết quả ban đầu
Nếu có tồn dư chất cấm trong sầu riêng xuất khẩu, nhiều khả năng là phát sinh ở các khâu trung gian. Toàn bộ hồ sơ vi phạm đã được chuyển sang cơ quan chức năng, bởi nếu không minh bạch và xử lý đến cùng, một lô hàng sai có thể làm mất cả thị trường.
Ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ NN&MT) sáng 22/5 cho biết, sầu riêng là một trong những sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam. Loại "trái cây vua” này có kim ngạch xuất khẩu lớn, góp phần nâng cao đời sống bà con nông dân.
Hiện, diện tích trồng sầu riêng cả nước đạt gần 180.000ha, sản lượng khoảng 1,55 triệu tấn. Sầu riêng tươi và đông lạnh của nước ta được xuất khẩu sang 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường chủ lực, chiếm tỷ trọng lớn.
Giai đoạn từ nay đến 2030, mục tiêu lớn nhất của ngành là nâng cao độ tin cậy, thay vì mở rộng diện tích.
Việc Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) vừa phê duyệt thêm 829 mã số vùng trồng sầu riêng và 131 cơ sở đóng gói được phép xuất khẩu sang nước này, ông Đạt nhìn nhận đây là tín hiệu vui với ngành hàng tỷ USD của Việt Nam.

Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt. Ảnh: Bảo Thắng/NNMT
Theo ông, đây cũng là kết quả của quá trình làm việc chặt chẽ, chủ động giữa Bộ NN&MT với GACC, thể hiện mạnh mẽ cam kết của Việt Nam về việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về kiểm dịch thực vật, bảo đảm an toàn thực phẩm, bao gồm cả các yêu cầu mới về kiểm soát kim loại nặng cadimi và chất vàng O ở quả sầu riêng.
Không chỉ có ý nghĩa mở rộng quy mô xuất khẩu, động thái này được đánh giá là tín hiệu tích cực khi mùa vụ sầu riêng đang bước vào cao điểm thu hoạch, từ tháng 7 đến tháng 11.
Đặc biệt, với hệ thống mã số ngày càng mở rộng, doanh nghiệp và địa phương có thêm công cụ để điều tiết kế hoạch thu hoạch, xuất khẩu, tránh tình trạng dồn ứ tại cửa khẩu và giảm rủi ro về giá thành.
Ngoài ra, việc cấp mã mở ra điều kiện thuận lợi để thực hiện các hợp đồng đã ký giữa người dân và doanh nghiệp, tránh tình trạng tranh mua, tranh bán.
Tuy nhiên, Cục trưởng Huỳnh Tấn Đạt cũng đề nghị các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, bà con nông dân phải nghiêm túc tuân thủ các yêu cầu về kỹ thuật của nước nhập khẩu nhằm bảo vệ uy tín thương hiệu và chất lượng sầu Việt Nam, từ đó duy trì thị trường bền vững.
Một lô hàng sai có thể làm mất cả thị trường
Từ đầu năm 2025, việc kiểm tra sầu riêng tại các cửa khẩu Trung Quốc được tăng cường. Không ít lô hàng bị kiểm tra bổ sung, thậm chí có lô bị trả lại. Theo ông Đạt, điều này không bất thường mà hoàn toàn nằm trong quy trình kiểm soát chất lượng theo nghị định thư giữa hai nước.
Ông nhắc lại yêu cầu của nghị định thư gồm: các quy định về an toàn thực phẩm, quy định về kiểm dịch thực vật và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây là 3 yêu cầu chính mà tất cả các khâu trong chuỗi ngành hàng sầu riêng phải tuyệt đối tuân thủ.
Liên quan đến thông tin tồn dư kim loại nặng cadimi trong sầu riêng, Cục trưởng Huỳnh Tấn Đạt cho biết, đơn vị này lập tức cử nhiều đoàn kiểm tra tại các vùng trồng trọng điểm. Kết quả ban đầu cho thấy, nguy cơ cao nhất tập trung ở một số địa phương vùng Tây Nam bộ.
Theo phân tích, nguyên nhân chính dẫn tới tồn dư cadimi trên sầu riêng vượt ngưỡng là do một số vùng có đặc điểm thổ nhưỡng chứa sẵn cadimi ở mức cao hơn trung bình, đi kèm với độ pH đất thấp làm giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng lành mạnh, khiến cây hút theo kim loại nặng.

Sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc đang sụt giảm mạnh. Ảnh: MK
Ngoài ra, ở nhiều vùng trồng mới nông dân còn thiếu kinh nghiệm, lạm dụng phân bón hóa học, vô tình làm gia tăng nguy cơ tồn dư kim loại nặng.
Từ đó, Cục đưa ra các khuyến cáo về quy trình canh tác theo hướng thực hành nông nghiệp tốt để giảm thiểu nguy cơ tồn dư kim loại nặng.
Với vàng O, ông Đạt khẳng định đây là chất cấm sử dụng trong thực phẩm. Thế nên, ngay khi nhận thông tin cảnh báo từ hải quan Trung Quốc, các đoàn kiểm tra của ngành đã rà soát tại các vùng trồng sầu riêng bị nghi ngờ và không ghi nhận việc sử dụng chất này trong quy trình canh tác.
Nếu có tồn dư, khả năng cao là phát sinh ở các khâu trung gian. Cơ quan này đã chuyển toàn bộ hồ sơ vi phạm qua cơ quan chức năng để tiếp tục làm rõ. Ông cho rằng, không minh bạch và xử lý đến cùng, một lô hàng sai có thể làm mất đi cả thị trường.
Về các phòng kiểm nghiệm chất vàng O và cadimi, ông Đạt cho hay, cả nước đang có 12 phòng thử nghiệm cadimi và 8 phòng thử nghiệm chất vàng O được phía Trung Quốc công nhận, đủ năng lực kiểm tra trên diện rộng. Danh sách các phòng kiểm nghiệm chất cấm vẫn tiếp tục được gửi sang phía nước bạn để xem xét công nhận.
Cục cũng đang xây dựng một bộ hướng dẫn quy chuẩn cụ thể, đặc biệt dành cho các vùng trồng mới; xây dựng bản đồ dinh dưỡng đất trồng sầu riêng toàn quốc, tránh lãng phí và sai sót từ gốc. Từ đó, tích hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia về vùng trồng (diện tích, sản lượng, quy trình canh tác... ), giúp việc quản lý, truy xuất nguồn gốc thuận tiện và minh bạch.
Cục trưởng Huỳnh Tấn Đạt nhấn mạnh, việc kiểm tra và giám sát không thể dừng ở khâu cuối. Toàn ngành đang dần chuyển hướng kiểm soát từ cuối chuỗi về đầu nguồn.
Đặc biệt, trong bối cảnh trái cây tươi, trong đó có sầu riêng với áp lực mùa thu hoạch chính vụ, ngành đang tăng cường lực lượng kiểm dịch tại cửa khẩu, thậm chí kiểm dịch ngay tại các vùng trồng trọng điểm, cơ sở đóng gói lớn để giải quyết ngay từ nguồn và rút ngắn thời gian thông quan.
“Việc tuân thủ yêu cầu của nghị định thư là bắt buộc. Đây là thách thức, nhưng chúng ta buộc phải làm chuẩn ở các khâu trong chuỗi ngành hàng sầu riêng. Khi tuân thủ đầy đủ, tần suất kiểm tra sẽ giảm, từ đó có thể được ưu tiên luồng xanh xuất khẩu”, ông Đạt cho hay.