Cần hỗ trợ tốt cho những người có hoàn cảnh không may mắn
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2024 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức ngày 26/12, ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH quan tâm hỗ trợ kết nối cơ sở dữ liệu ngành, hỗ trợ nguồn lực để thực hiện 'tích hợp thông tin sổ lao động điện tử trên VneID'.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự và chỉ đạo hội nghị. Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu.
Thông tin tại hội nghị cho thấy, năm 2023, Bộ LĐ-TB&XH đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; kịp thời xử lý, phản ứng chính sách; vừa thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, vừa chú trọng xử lý những tồn đọng, vấn đề mới phát sinh.
Đáng chú ý, năm 2023, uớc tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%, (giảm 1,1% so với cuối năm 2022); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt mục tiêu.
Tính đến hết tháng 11/2023, tổng số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp hơn 1 triệu người, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2022, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 955.058 người, tăng 9,5%.
Ngành LĐ-TB&XH cũng thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách trợ cấp thường xuyên cho hơn 1,1 triệu đối tượng với kinh phí thực hiện cả năm khoảng 29.000 tỷ đồng; trợ cấp một lần cho 2.332 người với tổng kinh phí 100 tỷ đồng…
Tại hội nghị, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đặng Hữu Phúc đã có tham luận về chuyển đổi số trong lĩnh vực an sinh xã hội thực hiện Đề án 06 của Thừa Thiên Huế.
Theo ông Đặng Hữu Phúc, tỉnh đã triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành Lao động, người có công và xã hội, cơ sở dữ liệu an sinh xã hội. Qua đó, cơ sở dữ liệu an sinh xã hội đảm bảo tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống”. Đến nay, đã thực hiện nhập liệu được thực hiện rà soát, đối chiếu làm sạch và nhập dữ liệu người có công trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư 9.010 người có công với cách mạng trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tiếp tục cung cấp 15.023 đối tượng người có công và thân nhân người có công hưởng trợ cấp hàng tháng.
Thừa Thiên Huế cũng đã tích hợp giữa Cổng dịch vụ công quốc gia/Hệ thống dịch vụ công của tỉnh với Hệ thống Quản lý của Bộ LĐ-TB&XH đối với 3 thủ tục hành chính thiết yếu theo yêu cầu tại Đề án 06 về trợ cấp mai táng phí, hỗ trợ chi phí mai táng lĩnh vực bảo trợ xã hội, người có công và bảo hiểm thất nghiệp. Kết quả tính đến tháng 12/2023, toàn tỉnh có 48.247/60.834 đối tượng trực tiếp, người ủy quyền, người giám hộ được mở tài khoản, chiếm tỷ lệ 79% trên tổng số đối tượng.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cũng kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH quan tâm hỗ trợ kết nối cơ sở dữ liệu ngành, hỗ trợ nguồn lực để thực hiện “tích hợp thông tin sổ lao động điện tử trên VneID”.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, Bộ LĐ-TB&XH cần sớm tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật về tiêu chuẩn lao động, quan hệ lao động, việc làm, an sinh xã hội hợp với tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và các cam kết trong FTA thế hệ mới; giải quyết các vấn đề trong quan hệ với người sử dụng lao động và người lao động, đối thoại, thương lượng tập thể…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gọi 2024 là năm chỉnh đốn, nâng cao năng lực, thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh các vấn đề liên quan đến lao động. Bộ LĐ-TB&XH cần tập trung quan tâm vấn đề này hơn nữa, để người lao động không mất lòng tin vào Đảng, Nhà nước.
“Hiện nay chúng ta làm rất tốt việc hỗ trợ những người có hoàn cảnh không may mắn nhưng trên thực tế công việc vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Phải làm sao để các đối tượng tiếp cận được với mạng lưới dịch vụ chăm sóc xã hội một cách tốt nhất” - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.