Cần hơn 480 triệu USD đào tạo nhân lực dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Theo báo cáo của Chính phủ trình tại Quốc hội, cần hơn 480 triệu USD để đào tạo nhân lực phục vụ Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Cần gần 14 nghìn nhân sự quản lý, vận hành, bảo trì
Sáng 13/11, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã thừa ủy quyền của Thủ tướng trình Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án Đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) trên trục Bắc - Nam.
Theo tờ trình của Chính phủ, dự án là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là công trình có tính biểu tượng, ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, chính trị, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Chính phủ kiến nghị xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; chiều dài chính tuyến khoảng 1.541km với 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa.
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam phục vụ vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Để bảo đảm nguồn nhân lực đường sắt nói chung và triển khai dự án tuyến ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam nói riêng, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực đường sắt.
Trong đó, đối với tuyến ĐSTĐC đề xuất chương trình đào tạo nguồn nhân lực theo 3 loại hình đào tạo (đào tạo trong nước, đào tạo nước ngoài, kết hợp đào tạo trong và ngoài nước).
Trong báo cáo đã tính toán chi phí cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực khoảng 486 triệu USD, bao gồm: 340 triệu USD để đào tạo 13.880 nhân sự quản lý, vận hành, bảo trì; 8 triệu USD để đào tạo 700 nhân sự cho cơ quan quản lý dự án; 8 triệu USD để đào tạo nhân sự cho các cơ quan quản lý nhà nước; 4 triệu USD để đào tạo đội ngũ giảng viên các cơ sở đào tạo; khoảng 36 triệu USD để đào tạo cho các kỹ sư chuyên ngành đặc thù như cơ khí, điện tử viễn thông, tự động hóa...; khoảng 40 triệu USD xây dựng phòng thí nghiệm dùng chung phục vụ cho quá trình đầu tư và vận hành khai thác.
Trong đó, các nhân lực đào tạo bằng kinh phí của dự án theo quy định (quản lý dự án, vận hành khai thác) với tổng kinh phí khoảng 8.854 tỷ đồng (tương đương 348 triệu USD). Bao gồm: Doanh nghiệp khai thác chịu trách nhiệm hoàn trả khoảng 8.651 tỷ đồng (tương đương 340 triệu USD) kinh phí đào tạo cho 13.880 nhân sự thực hiện công tác quản lý, vận hành khai thác; đào tạo khoảng 700 nhân sự cho đơn vị quản lý dự án với kinh phí khoảng 203 tỷ đồng (tương đương 8 triệu USD).
Đồng thời, Chính phủ đề xuất bố trí kinh phí từ dự án khoảng 2.239 tỷ đồng (tương đương 88 triệu USD) để đào tạo: Cho cơ quan quản lý nhà nước khoảng 203 tỷ đồng (tương đương 8 triệu USD); đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên khoảng 101 tỷ đồng (tương đương 4 triệu USD); cấp học bổng cho học viên các chuyên ngành đặc thù như luyện kim, cơ khí chế tạo, điện tử - viễn thông, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo... khoảng 916 tỷ đồng (tương đương 36 triệu USD); xây dựng phòng thí nghiệm dùng chung để phục vụ đào tạo, nghiên cứu và phát triển khoảng 1.017 tỷ đồng (tương đương 40 triệu USD).
Cần chính sách đặc thù
Để thực hiện thành công và sớm hoàn thành toàn bộ dự án như tiến độ dự kiến, Chính phủ đã đề xuất 19 chính sách đặc thù, đặc biệt.
Trong đó, chính sách "Phát triển khoa học, công nghệ và tuyển dụng đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực cho dự án" đã đề xuất các chính sách tạo thuận lợi cho đào tạo nhân lực cũng như phát triển khoa học công nghệ.
Theo tờ trình, hiện số lượng, chất lượng, cơ cấu nguồn nhân lực trong lĩnh vực đường sắt chưa hợp lý ở các nhóm ngành nghề (công trình, thông tin tín hiệu, đầu máy toa xe, điều hành chạy tàu...). Trong khi chính sách sử dụng, đãi ngộ đối với nguồn nhân lực chất lượng cao chưa thực sự được quan tâm, chưa có điều kiện để tiếp cận với với trình độ quản lý, kỹ thuật tiên tiến trên thế giới.
Mặt khác, đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ về đường sắt còn thiếu chuyên gia giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ. Đội ngũ công nhân lành nghề đã có sự phát triển khá tốt nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong điều kiện hiện nay. Vì vậy, cần thiết phải có chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với nguồn nhân lực trong lĩnh vực đường sắt.
Hơn nữa, dự án ĐSTĐC có công nghệ mới hiện đại, lần đầu được triển khai tại Việt Nam. Dự kiến trong hợp phần dự án có hạng mục nghiên cứu, tiếp nhận, phát triển khoa học công nghệ và sẽ do tổ chức trong nước thực hiện (các trường, viện nghiên cứu,...). Để phát triển khoa học, công nghệ và tuyển dụng đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực cho dự án cần thiết có cơ chế chính sách đặc thù khác các luật Đấu thầu, Công nghệ cao, Thuế thu nhập cá nhân, Thuế thu nhập doanh nghiệp và các cơ chế, chính sách chưa được quy định trong các luật hiện hành.
Vì vậy, Chính phủ đề xuất cơ chế, chính sách cụ thể. Theo đó, tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động khoa học, công nghệ phục vụ dự án được áp dụng các chính sách: Tổ chức, cá nhân chủ trì hoạt động khoa học, công nghệ phục vụ dự án được quyết định việc đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, đặt hàng để lựa chọn nhà thầu cung ứng dịch vụ, hàng hóa.
Doanh nghiệp được hưởng ưu đãi như doanh nghiệp công nghệ cao theo quy định của pháp luật về công nghệ cao trong thời gian thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ phục vụ dự án. Miễn thuế thu nhập từ việc thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ phục vụ dự án.
Với tổ chức, cá nhân tham gia đào tạo phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao thuộc dự án được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về công nghệ cao.
Đặc biệt, chủ đầu tư, tổng thầu, nhà thầu phải ưu tiên đặt hàng với tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực cung cấp, đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện dự án.
Cùng đó, Chính phủ đề xuất chính sách về bố trí vốn cho dự án, trong đó có bố trí vốn cho đào tạo. Tại tờ trình Chính phủ cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế, để có thể triển khai thực hiện thành công dự án cần chuẩn bị từ sớm một số công việc ngay trong giai đoạn từ khi chủ trương đầu tư dự án được Quốc hội thông qua đến khi dự án đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó đào tạo nguồn nhân lực.
Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đề xuất chính sách: Sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, dự án được bổ sung danh mục trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và được giao vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm để thực hiện một số nhiệm vụ cho đến khi dự án đầu tư được phê duyệt, trong đó có các nhiệm vụ chi của chủ đầu tư, ban quản lý dự án, chi đào tạo nguồn nhân lực của chủ đầu tư để thực hiện dự án…
Trong 19 cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, Chính phủ đề xuất nhiều cơ chế, chính sách then chốt về cơ cấu nguồn vốn cho dự án; về bố trí vốn và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công để bố trí vốn cho dự án; về thẩm định khả năng cân đối vốn của dự án; về phát triển, khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất vùng phụ cận ga…
Bên cạnh đó, còn các chính sách về: Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng; thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án; công tác bồi thường hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng; chuyển đổi rừng; cơ chế chính sách bảo đảm phòng chống lãng phí, tham nhũng, tiêu cực…
Bố trí ngay vốn cho bồi thường, GPMB; UBND cấp tỉnh được xây dựng trước khu tái định cư đồng thời với quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án; được áp dụng chỉ định thầu với các gói thầu tư vấn, phi tư vấn, xây lắp thực hiện bồi thường GPMB…