Cần hơn 5.000 tỉ đồng cho nhiều dự án giao thông TP.HCM năm 2022
Năm 2022, TP.HCM dự kiến kế hoạch vốn cần sử dụng hơn 5.000 tỉ đồng, giải ngân đạt tỷ lệ trên 95% kế hoạch vốn được giao.
Chiều 30/12, Ban quản lý dự án các công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông) tổng kết công tác năm 2021 và triển khai chương trình công tác năm 2022.
Một nhánh cầu Bưng đưa vào sử dụng, dự án đầu tiên hoàn thành sau giãn cách xã hội. Ảnh Đỗ Loan
Tại hội nghị, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP cho biết, kết quả giải ngân cả năm 2021 của Ban là 2.050 tỉ đồng, ước đạt 95,2% tổng kế hoạch vốn giao năm 2021.
Năm qua Ban cũng đã khởi công mới 7 dự án, gói thầu và đưa vào khai thác 19 gói thầu, dự án sau khi TP nới lỏng giãn cách như cầu Phước Lộc, nhánh số 1 cầu Bưng…
Ngoài ra, Ban đã phối hợp với các sở, ngành tranh thủ được nguồn vốn Trung ương và được HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư công hai dự án: xây dựng nút giao thông An Phú và mở rộng QL50. Đồng thời, UBND TP phê duyệt dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa (quận Tân Bình).
Tuy nhiên, theo ông Phúc, do nguồn vốn trung hạn năm 2021 - 2025 rất hạn chế nên đã có 30 dự án phải dừng, giãn tiến độ, không được bố trí vốn trung hạn. Bên cạnh đó, có 10 dự án các địa phương không thể bàn giao mặt bằng đúng tiến độ cam kết, không được bố trí vốn để chuẩn bị đầu tư.
Về kế hoạch năm 2022, ông Phúc cho hay, dự kiến kế hoạch vốn cần sử dụng hơn 5.000 tỉ đồng, giải ngân đạt tỷ lệ trên 95% kế hoạch vốn được giao năm 2022.
Theo ông Phúc, năm 2022 ban sẽ tập trung triển khai 22 nhóm giải pháp, chương trình hành động. Trong đó, trình phê duyệt 38 dự án (Vành đai 2, Vành đai 3…); khởi công 16 gói thầu, dự án (gồm nút giao An Phú, mở rộng quốc lộ 50…); hoàn thành 26 dự án, gói thầu (nhánh 2 cầu Bưng, mở rộng đường Hoàng Minh Giám, dự án Cải thiện môi trường nước giai đoạn 2...). Đồng thời, phối hợp với Sở GTVT báo cáo UBND TP để sớm có chủ trương cho phép lập đầu tư công và kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP 42 dự án (cầu Cần Giờ, đường trên cao số 5...).
Ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá cao những kết quả đạt được của Ban khi đạt tỉ lệ giải ngân trên 95%.
Theo ông Bình, "giao thông là huyết mạch gồm nhiều mạch máu nhỏ, nên làm sao cho mạch máu đó đừng đứt gãy". Do đó, để làm các dự án tập thể phải đoàn kết, đoàn kết hơn nữa, nỗ lực vượt khó khăn, thách thức trong quá thực hiện nhiệm vụ được giao.
Riêng Ban giao thông cần chủ động phối hợp trao đổi sở, ngành địa phương liên quan đến giải quyết dứt điểm dự án, đặc biệt công tác bồi thường GPMB, tái định cư, công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, phối hợp với chủ đầu tư khác.
“Ban giao thông cần chủ động phối hợp trao đổi sở, ngành địa phương liên quan đến giải quyết dứt điểm liên quan đến dự án, đặc biệt công tác bồi thường GPMB, tái định cư, công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, phối hợp với chủ đầu tư khác. Ban cần xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng dự án giao thông trọng điểm, sắp thứ tự ưu tiên theo dõi giám sát tiến độ, đặc biệt là các dự án lớn như nút giao An Phú từ nguồn vốn Trung ương, nhất định không để tiến độ giải ngân chậm”, ông Bình góp ý.