Cần huy động 21.143 tỷ đồng cho Chương trình điện khí hóa nông thôn

Theo Bộ Công Thương, do ngân sách Nhà nước còn thiếu, các nguồn tín dụng ưu đãi hạn chế, đến nay tổng vốn được giao cho Chương trình Điện khí hóa nông thôn giai đoạn 2016-2020 mới đạt tỷ lệ 18,5%.

Theo báo đầu tư báo cáo của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo, với nhu cầu vốn 30.116 tỷ đồng để thực hiện mục tiêu hầu hết số hộ dân được sử dụng điện.

Tuy nhiên, do ngân sách nhà nước chưa đáp ứng đủ, ưu đãi nguồn tín dụng còn hạn chế, tới thời điểm hiện tại tổng vốn được giao cho giai đoạn 2016-2020 là 4.744 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 18,5%. Chỉ tiêu số hộ dân được cấp điện đạt thấp 19%, tương đương 204.737 hộ dân nông thôn; số xã được cấp điện hoàn thành 100%; cấp điện trạm bơm: 89/2.727 trạm đạt 3,26%; cấp điện cho 3/3 các đảo (đảo Bạch Long Vỹ; đảo Nhơn Châu; đảo Trần) có điện.

Việt Nam cần huy động 21.143 tỷ đồng cho Chương trình điện khí hóa nông thôn

Việt Nam cần huy động 21.143 tỷ đồng cho Chương trình điện khí hóa nông thôn

Trong thời gian tới (2021 – 2025), với khối lượng, nhu cầu đầu tư cấp điện vùng sâu, vùng xa là rất lớn, theo tính toán của Bộ Công Thương, Việt Nam cần tiếp tục huy động nguồn lực khoảng 21.143 tỷ đồng để thực hiện cấp điện an toàn, ổn định cho khoảng 871.263 hộ dân của 6.811 thôn bản trên địa bàn 2.197 xã.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng, tổng vốn đầu tư ngân sách Trung ương vào khoảng 21.143 tỷ đồng. Nếu được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư cấp điện đảo Côn Đảo bằng lưới điện quốc gia, vốn sẽ tăng thêm khoảng 4.800 tỷ đồng. Đây là số vốn rất lớn, do vậy, một trong những giải pháp quan trọng là thu hút vốn từ nguồn quốc tế.

Để lo vốn cho điện nông thôn, miền núi và hải đảo, Bộ Công Thương đã làm việc với WB và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), bởi 2 tổ chức này có 2 khoản tín dụng rất quan trọng. Đó là, khoản tính dụng của WB khoảng 360 triệu USD (Bộ đã trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào ngày 31/12/2019) và khoản tín dụng thứ 2 là của ADB với 400 triệu USD cũng đã trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư (từ 31/12/2019).

Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An "Bộ đang thiết kế tiếp một khoản vay của Chương trình phát triển chuyển đổi năng lượng bền vững với EU là 141 triệu USD, dự kiến dành riêng cho chương trình phát triển điện nông thôn miền núi, hải đảo là 71 triệu USD".

TTXVN cho biết, ông Rahul Kitchlu, quyền Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam (WB) cũng đánh giá cao những kết quả mà Việt Nam đã đạt được trong Chương trình Điện khí hóa nông thôn thời gian vừa qua.

Ông Rahul Kitchlu, quyền Giám đốc WB tại Việt Nam. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Ông Rahul Kitchlu, quyền Giám đốc WB tại Việt Nam. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Ông Rahul cũng đề xuất một số nội dung quan trọng để thực hiện các Chương trình của Việt Nam, gồm cơ chế điều phối và phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành và các đơn vị liên quan nhằm đảm bảo triển khai thành công Chương trình Điện khí hóa nông thôn giai đoạn tới; việc đổi mới và sáng tạo, cụ thể là các giải pháp kỹ thuật, như giải pháp không nối lưới để cấp điện nông thôn…

Ngoài ra, đại diện WB cũng nhấn mạnh đến việc sử dụng điện năng cho sản xuất, đây là một phần rất quan trọng trong việc cung cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo, cũng như là phần rất quan trọng để thúc đẩy kinh tế số, nâng cao năng suất và đảm bảo phát triển thương mại và kinh tế…

“WB cũng như các đối tác phát triển tại Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng định và cam kết ủng hộ mạnh mẽ Chương trình cấp điện khu vực miền núi, nông thôn và hải đảo của Chính phủ Việt Nam,” ông Rahul Kitchlu cho hay.

Nguyễn Triệu

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/can-21143-ty-dong-cho-chuong-trinh-dien-khi-hoa-nong-thon-25590.html