Cần khắc phục tình trạng sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức

Đại biểu kiến nghị phải xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, chế độ tối ưu để tuyển chọn và xây dựng cho được một đội ngũ công chức, lãnh đạo ưu tú, dấn thân vì Tổ quốc mình.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng nay (27/10), Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2023. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận.

Giải pháp để không còn cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) chia sẻ tâm trạng bất an, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ quản lý. Đại biểu chỉ ra 2 nguyên nhân dẫn đến sự việc trên.

Thứ nhất, chưa có sự đồng bộ của hệ thống pháp luật nên đối với một vấn đề khi áp dụng luật này thì đúng nhưng khi thanh tra, kiểm tra, điều tra thì lại sai; áp dụng vào thời điểm này thì đúng nhưng thời điểm khác lại sai.

Thứ hai là cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung đã được Bộ Chính trị ban hành tại Kết luận số 14 nhưng chủ trương đúng đắn này chưa được cụ thể hóa bằng văn bản pháp luật nên cán bộ rất ngại trong quá trình công tác, làm cầm chừng, không dám đột phá.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận.

“Tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương một mặt thường xuyên rà soát các chính sách nhằm điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Mặt khác sớm cụ thể hóa các chủ trương của đảng bằng các văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng vào cuộc sống. Tôi tin tưởng rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân, mục tiêu tăng trưởng như của Chính phủ nêu sẽ thực hiện được”, đại biểu Nguyễn Hữu Thông nói.

Đại biểu Trần Văn Khải, Hà Nam phát biểu tại Hội trường.

Đại biểu Trần Văn Khải, Hà Nam phát biểu tại Hội trường.

Tranh luận tại Hội trường, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đề cập về việc năng lực của một số cán bộ còn hạn chế, vẫn còn tâm lý nghe ngóng, sợ không dám làm một số nhiệm vụ được giao. Đại biểu Tạ Văn Hạ đồng thuận với quan điểm của đại biểu Nguyễn Hữu Thông về việc hiện nay, nhiều cán bộ công chức còn đùn đẩy, né công việc. Tâm lý này đã ảnh hưởng rất lớn đến triển khai, thực hiện nhiệm vụ và phục vụ Nhân dân. "Nếu nói nguyên nhân là do vướng mắc của triển khai chính sách pháp luật thì chưa đủ mà qua nghiên cứu, tìm hiểu thì nguyên nhân chính là do con người, công đoạn tổ chức thực hiện và trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình triển khai nhiệm vụ", đại biểu nhấn mạnh.

Chia sẻ câu chuyện khi đi tiếp xúc cử tri, đại biểu Tạ Văn Hạ cho biết đã hỏi và nhận được câu trả lời "với cán bộ có năng lực hạn chế, có tình trạng sợ không dám làm; với cán bộ có năng lực nhưng ý thức, tinh thần còn hạn chế thì có việc nghe ngóng, né tránh". Đại biểu đề xuất Chính phủ phải có giải pháp quyết liệt, chấn chỉnh lại trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ quản lý để không ảnh hưởng đến tiến độ, nhiệm vụ công việc và trách nhiệm phục vụ Nhân dân.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) cho rằng, một bộ phận công chức sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm. “Có một bộ phận không nhỏ công chức của chúng ta rất có năng lực nhưng lại thiếu về động lực, hoặc họ giống như một số cầu thủ bóng đá còn cá độ hoặc đi lững thững trong những trận đấu quyết liệt, có tính sống còn hay chủ động bỏ ra ngoài sân khi trận đấu còn cần họ” – đại biểu đánh giá và kiến nghị, vấn đề cấp bách hiện nay là chúng ta phải xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, chế độ tối ưu để tuyển chọn và xây dựng cho được một đội ngũ công chức, lãnh đạo ưu tú, dấn thân vì Tổ quốc mình. Một thể chế mạnh mẽ, minh bạch, rõ ràng và hiệu lực cao sẽ tạo môi trường làm việc tối ưu, giúp cho công chức yên tâm làm việc, thu nhập chính đáng từ lương đủ nuôi mình và giúp đỡ gia đình, quan trọng hơn họ được pháp luật bảo vệ và khi đó, nhiều người bình thường sẽ trở thành anh hùng khi đảm nhiệm những nhiệm vụ gian khó.

Giáo viên, cán bộ y tế nghỉ việc: Bình thường hay bất thường

Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đó là tình trạng cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là cán bộ y tế, giáo viên nghỉ việc, chuyển từ khu vực công sang khu vực tư. Cụ thể, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho biết, từ năm 2020 đến tháng 6/2022 đã có gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục; đại biểu đề nghị thực hiện mạnh mẽ cải cách lề lối làm việc theo hướng phân cấp mạch lạc cho các cấp trong thứ bậc hành chính, đồng thời xử lý hợp lý các vấn đề về tổ chức bộ máy và biên chế để khắc phục được công việc, bổ sung, hoàn thiện cơ chế giải quyết cái việc, cơ chế, chính sách trong môi trường cống hiến, cơ hội thăng tiến công bằng và minh bạch; hoàn thiện hệ thống thi tuyển công chức, viên chức và cơ chế tuyển chọn cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo quản lý; quan tâm đúng mức đến thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức bằng một cơ chế lương thích hợp và linh hoạt trên cơ sở giá trị lao động, giá trị tri thức, trách nhiệm và hiệu quả công việc; cụ thể hóa đầy đủ và kịp thời Kết luận 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phát biểu tại Hội trường.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phát biểu tại Hội trường.

Cũng liên quan đến nguyên nhân của tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng bên cạnh nguyên nhân do tình trạng thu nhập thấp còn có những nhóm nguyên nhân rất quan trọng nữa liên quan đến áp lực công việc và môi trường công tác; tình trạng thiếu thuốc men, trang thiết bị y tế, thiếu thốn những điều kiện cần thiết để bảo đảm cho công tác khám, chữa bệnh; môi trường làm việc chưa thực sự tạo cơ hội để cho nhân viên y tế cống hiến hết mình, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư của y, bác sĩ. Nhấn mạnh việc dịch chuyển nhân lực là điều bình thường đối với bất cứ ngành nghề nào, tuy nhiên theo đại biểu, việc dịch chuyển nhân lực với số lượng lớn và chưa có dấu hiệu dừng lại trong ngành y tế như thời gian vừa qua rất cần phải đánh giá đúng nguyên nhân, đủ nguyên nhân và có những giải pháp căn cơ chiến lược.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) tranh luận.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) tranh luận.

Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho rằng, ngành giáo dục có một đội ngũ hùng hậu với hơn 1,2 triệu giáo viên trên tổng số hơn 1,7 viên chức, biên chế viên chức của cả nước. Tuy nhiên, trong 2,5 năm vừa qua, với hơn 14.000 giáo viên, trong đó chủ yếu là giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông rời khỏi khu vực công. “Với 14.427 người trên tổng số hơn 1,2 triệu giáo viên trong khu vực công, chiếm khoảng 1,2% trong 2,5 năm. Mỗi năm số lượng giáo viên rời khu vực công khoảng 0,5%, tức là 200 giáo viên thì sẽ có 1 người rời khỏi khu vực công” – đại biểu phân tích và cho rằng, chúng ta đang thực hiện khuyến khích xã hội hóa giáo dục, việc giáo viên rời khỏi khu vực công chuyển sang khu vực tư đó là chuyện rất là bình thường, nhưng quan trọng nhất là giáo viên nghỉ việc thì họ có tiếp tục làm giáo viên hay không? Đây mới là vấn đề cần phải đánh giá đúng, còn nếu họ nghỉ việc và chuyển sang làm khu vực tư thì hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng, đều là phục vụ cho Nhân dân, góp phần vào sự tăng trưởng, sự phát triển của đất nước. “Do đó, cần phải đánh giá một cách sát thực tiễn nhất để có giải pháp phù hợp”, đại biểu Nguyễn Trường Giang nói.

Phương Thủy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/can-khac-phuc-tinh-trang-so-sai-dun-day-trach-nhiem-cua-mot-bo-phan-can-bo-cong-chuc-i672292/