Cần khai thác và phát triển bền vững cây giang

Cây giang thuộc họ tre, dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí đầu tư ít, sau gần 1 năm có thể cho thu hoạch lá, được ví là cây “hái lá ra tiền”. Tuy nhiên, việc phát triển cây giang ồ ạt, tự phát, không có quy hoạch, không liên kết bao tiêu sản phẩm... đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết.

Trên địa bàn tỉnh, cây giang được người dân khai thác lá bán cho các thương lái từ hơn 10 năm trước, chủ yếu là khai thác từ rừng tự nhiên. Tuy nhiên, khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, do nhu cầu thị trường lớn, có thời điểm lá giang tăng vọt lên 23.000 - 25.000 đồng/kg nên người dân đã tự ươm giống, trồng cây giang trên đất trống, đất rừng trồng sau khai thác, đất vườn rừng và một số diện tích đất trồng cây khác. Theo số liệu thống kê của các địa phương, toàn tỉnh hiện có trên 1.275 ha cây giang, trong đó tập trung chủ yếu tại huyện Vị Xuyên trên 870 ha, Bắc Quang 300 ha, Quang Bình 100 ha. Thị trường tiêu thụ chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, Đài Loan với giá bình quân 10.000 - 16.000 đồng/kg lá giang tươi, lá khô qua sấy từ 55.000 - 95.000 đồng/kg.

Xưởng thu mua, chế biến lá giang của bà Nguyễn Thị Nga, Thôn Cuôm, xã Trung Thành (Vị Xuyên).

Xưởng thu mua, chế biến lá giang của bà Nguyễn Thị Nga, Thôn Cuôm, xã Trung Thành (Vị Xuyên).

Năng suất bình quân đạt khoảng 3 - 5 tấn lá tươi/ha/năm, một ha cây giang có thể cho thu nhập từ 35 – 60 triệu đồng/năm. Toàn tỉnh hiện có trên 20 xưởng thu mua, chế biến lá giang, tập trung chủ yếu ở Bắc Quang 12 xưởng, Vị Xuyên 8 xưởng.

Không thể phủ nhận hiệu quả kinh tế mà cây giang mang lại cho người dân địa phương. Tuy nhiên hiện nay, việc thu hái và phát triển trồng cây giang có nhiều hạn chế cần được quan tâm. Một số người dân khai thác cây giang trong tự nhiên không có ý thức bảo vệ, chặt hạ cả cụm giang, dựng lán trại quây bạt giữa rừng, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng; trồng cây giang không có quy hoạch vùng, liên kết bao tiêu sản phẩm giữa người dân và các cơ sở thu mua, chế biến trong khi thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định, giá cả bấp bênh, phụ thuộc hoàn toàn thị trường xuất khẩu; nhiều thương lái tranh giành địa bàn, gây mất an ninh trật tự. Vụ việc vừa xảy ra tại xã Việt Lâm, Quảng Ngần (Vị Xuyên) khi người dân bị đe dọa, thậm chí bị đánh phải nhập viện trong khi đi bán lá giang là một ví dụ điển hình.

Anh Thèn Văn Chức, thôn Cốc Héc, xã Trung Thành (Vị Xuyên) thu hoạch lá giang.

Anh Thèn Văn Chức, thôn Cốc Héc, xã Trung Thành (Vị Xuyên) thu hoạch lá giang.

Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm, để phát triển cây giang theo hướng bền vững, nâng cao giá trị của rừng, góp phần giảm nghèo bền vững, các địa phương cần tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức, khai thác lá giang tự nhiên đi đôi với bảo vệ và phát triển rừng; chỉ được trồng bổ sung cây giang vào các khoảng đất trống của rừng, nghiêm cấm không được phát rừng tự nhiên để trồng cây giang. Đối với việc trồng mới, cần thực hiện trồng cây theo hình thức trồng hỗn hợp loài với cây thân gỗ, trong đó cây thân gỗ khoảng 500 - 600 cây/ha + cây lá giang khoảng 500 - 600 khóm/ha để tạo tính bền vững và phát huy giá trị đa dụng của rừng.

Cùng với đó, các địa phương cần có định hướng kịp thời, quy hoạch các vùng trồng giang, khuyến cáo người dân trồng diện tích vừa đủ; siết chặt quản lý các cơ sở thu mua, chế biến lá giang, tổ chức ký thỏa thuận hợp tác, thu mua sản phẩm giữa người dân và các cơ sở thu mua, chế biến lá giang, tạo chuỗi liên kết từ việc ươm giống, trồng, chế biến, xuất khẩu để mang lại giá trị cao hơn, đảm bảo thị trường ổn định, tránh tranh giành địa bàn, gây mất an ninh, trật tự tại cơ sở, giúp người dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống. Người dân cũng cần nắm bắt kịp thời nhu cầu thị trường, không phát triển cây giang ồ ạt, tự phát khiến “cung” vượt quá “cầu”, bị ép giá, dẫn đến các hệ lụy khác.

Bài, ảnh: PV

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202408/can-khai-thac-va-phat-trien-ben-vung-cay-giang-23a6b8b/