Cần khẩn trương nâng cao tỉ lệ tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi
Tiêm phòng vắc xin là giải pháp quan trọng để chủ động ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan, đảm bảo an toàn dịch bệnh để phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, mặc dù đã hết sức nỗ lực nhưng tỉ lệ tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh hằng năm chỉ đạt trung bình từ 60 - 65%, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các loại dịch bệnh nguy hiểm.
Xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ có tổng đàn gia súc, gia cầm khá lớn với trên 1.500 con trâu, bò, gần 3.000 con lợn, 17.000 - 18.000 con gia cầm và trên 550 con chó.
Sống chủ yếu bằng nghề nông, chăn nuôi tạo ra nguồn thu nhập lớn cho người dân nhưng điều đáng quan tâm là tỉ lệ tiêm phòng đàn gia súc, gia cầm ở địa phương này hằng năm chỉ đạt từ 63 - 65%. Tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền Trần Thọ Bình lý giải, sở dĩ tỉ lệ tiêm phòng đàn gia súc, gia cầm ở đây đạt thấp bởi người dân địa phương có tập quán chăn thả gia súc trong rừng. Do vậy, đến thời điểm triển khai tiêm phòng rất khó để lùa đàn vật nuôi về để tiêm vắc xin. “Người dân ở đây có khoảng 500 con trâu, bò đang được thả rông trong rừng, không dễ để lùa chúng về tiêm phòng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ tiêm phòng ở Cam Tuyền hằng năm đạt thấp”, ông Bình cho hay.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) Đào Văn An thừa nhận, năm 2022, mặc dù cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương đã tăng cường công tác chỉ đạo nhưng kết quả tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh vẫn đạt tỉ lệ chưa cao, chưa đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Cụ thể: vắc xin lở mồm long móng trâu, bò tiêm được 43.250 con/vụ, đạt tỉ lệ 72,9%; vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò tiêm được 29.460 con, đạt tỉ lệ 52,3%; tiêm vắc xin viêm da nổi cục được 37.750 con, đạt tỉ lệ 61,99%.
Riêng đối với vắc xin kép lợn, mặc dù tiêm được trên 143.300 con, đạt 111,8% kế hoạch nhưng trong số này các trạm CN&TY chỉ thực hiện được 27.180 con, đạt tỉ lệ 21,21%; còn lại các trang trại tiêm được hơn 116.100 con, chiếm tỉ lệ tới 90,64%.
Theo kế hoạch, năm 2023, Chi cục CN&TY đặt mục tiêu tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh theo quy định cho gia súc, gia cầm đạt 80% tổng đàn. Trong đó, thời gian tiêm phòng vụ xuân bắt đầu từ ngày 1/3 và tập trung trong vòng 3 tháng, từ tháng 3 đến tháng 5.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm đầu tháng 5/2023, toàn tỉnh mới chỉ tiêm phòng được 30 - 35% diện tiêm. Theo ông An, tỉ lệ tiêm phòng thấp thường rơi vào những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, những địa phương ở vùng gò đồi và miền núi, chăn nuôi trâu bò, lợn, gà theo phương thức thả rông.
Thực tế là các ổ dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng xảy ra từ năm 2020 đến nay đều do không chấp hành việc tiêm phòng cho vật nuôi.
“Trong điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi và tỉ lệ tiêm phòng đạt thấp như hiện nay thì trong thời gian tới nguy cơ phát sinh dịch bệnh là rất cao”, ông An lo lắng nói.
Trong những năm qua, ngân sách tỉnh, huyện đã đầu tư rất lớn cho công tác phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm; đặc biệt là kinh phí để mua vắc xin và tổ chức tiêm phòng. Nhờ đó các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi cơ bản được kiểm soát tốt, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận một thực tế đó là do nhận thức của người dân còn hạn chế, có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, chỉ thực hiện tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm khi dịch bệnh xảy ra nên tỉ lệ tiêm phòng vắc xin theo quy định chưa đạt yêu cầu bảo hộ.
Các loại dịch bệnh như: tụ huyết trùng trâu, bò, tụ huyết trùng lợn, dịch tả lợn, lở mồm long móng gia súc, dại chó... vẫn tồn tại và xảy ra rải rác, tuy không thành dịch lớn nhưng đã gây tổn thất không nhỏ cho người chăn nuôi.
Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo tiêm phòng ở nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức, còn nặng về chỉ đạo bằng văn bản mà thiếu kiểm tra đôn đốc, xử lý các trường hợp không chấp hành tiêm phòng theo quy định.
Một số địa phương còn khoán trắng cho lực lượng thú y, chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của các ban, ngành, đoàn thể tham gia.
Theo ông Đào Văn An, để nâng tỉ lệ tiêm phòng hằng năm lên cao, chính quyền các cấp cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa.
Việc tiêm phòng bắt buộc đối với một số loại vắc xin đã được quy định rõ trong Luật Thú y. Vì vậy, không nên chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động mà còn phải có chế tài cụ thể.
Bên cạnh đó, cần rút ngắn quy trình, thời gian phân bổ kinh phí, đấu thầu mua vắc xin tiêm phòng; kiện toàn mạng lưới thú y cơ sở đảm bảo mỗi xã, phường, thị trấn có 1 nhân viên thú y theo quy định.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Phú Quốc cho biết, để chủ động ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.
Đặc biệt cần rà soát, tổ chức tiêm phòng mới, tiêm phòng nhắc lại, tiêm phòng bổ sung vắc xin cúm gia cầm, dại, lở mồm long móng, viêm da nổi cục, dịch tả lợn, dịch tả lợn Châu Phi… cho đàn vật nuôi theo đúng quy định.
Bố trí kinh phí để mua đủ, đúng chủng loại các loại vắc xin (theo cơ chế 50% tỉnh, 50% cấp huyện) để đảm bảo kế hoạch tiêm phòng của địa phương.
Đối với tiêm phòng vụ xuân do phải tiêm phòng nhiều loại vắc xin và nhiều đợt cho cả gia súc, gia cầm trong khoảng thời gian ngắn nên các địa phương phải lập kế hoạch chi tiết, cụ thể; bố trí lịch tiêm phòng khẩn trương, hợp lý; chuẩn bị kỹ về nhân lực, vật lực và có biện pháp chỉ đạo kiên quyết để đáp ứng yêu cầu về tiến độ và chỉ tiêu kế hoạch đối với từng loại vắc xin tiêm phòng cho gia súc, gia cầm.
Khẩn trương tổ chức tiêm phòng các loại vắc xin phòng các loại dịch bệnh nguy hiểm như: lở mồm long móng, viêm da nổi cục trâu, bò, cúm gia cầm… bảo đảm tỉ lệ đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm vắc xin.
“Những hộ chăn nuôi cố tình trốn tránh việc tiêm phòng cho vật nuôi và không áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sẽ bị xử lý theo quy định và không được xem xét đề xuất cho hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước về chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm theo quy định”, ông Quốc nhấn mạnh.