Cần khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm về lợi ích chung
Phát biểu tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà gửi lời cảm ơn lãnh đạo Đảng, NN luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, toàn diện lĩnh vực quản lý NN mà ngành Nội vụ hành thành nhiệm vụ được giao, đóng góp quan trọng và xây dựng nền hành chính NN. Bộ trưởng cũng gửi lời cảm ơn ĐB Quốc hội, nhân dân cử tri cả nước luôn dành sự quan tâm, ủng hộ, theo dõi, chia sẻ đối với hoạt động của ngành.
Các Đại biểu Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Nội vụ:
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, những năm qua thực hiện các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã tập trung xây dựng hệ thống thể chế, chính sách và phối hợp triển khai đồng bộ toàn diện lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành liên quan tới tất cả các bộ ngành địa phương. Nhất là về tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao chất lượng đội ngũ đã đạt được kết quả bước đầu.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng chia sẻ, phía trước ngành nội vụ còn rất nhiều việc phải thay đổi, bổ sung, đổi mới, hoàn thiện lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành đòi hỏi toàn ngành phải quyết tâm rất cao, nỗ lực lớn hơn nữa để đáp ứng yêu cầu của Đảng, Quốc hội và của cử tri cả nước.
Phải xây dựng đội ngũ công chức ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Một số ý kiến của Đại biểu cho rằng: Trong báo cáo số 330 của Đoàn giám sát báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 có nêu, năng lực của nhiều tổ chức, cá nhân tham mưu xây dựng, ban hành văn bản vi phạm pháp luật còn hạn chế.
Cụ thể là còn thiếu kỹ năng phân tích, dự báo, thiếu tầm nhìn, thiếu kinh nghiệm thực tiễn nghiên cứu chính sách chưa sâu, chưa kỹ, chưa đánh giá hết các tác động của các chính sách ban hành; một số trường hợp còn thiếu trách nhiệm, nặng về lợi ích ngành, cơ quan, chưa quan tâm bố trí đủ công chức làm công tác pháp chế.
Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lãng phí tài sản công, gây bức xúc trong nhân dân. Với trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng có giải pháp gì để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức trong tham mưu xây dựng, ban hành văn bản vi phạm pháp luật hiệu quả, chất lượng nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam theo Kết luận số 19 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng nêu rõ, vấn đề xây dựng đội ngũ công chức ban hành văn bản quy phạm pháp luật là vấn đề rất đáng quan tâm. Trong những năm vừa qua, hệ thống đào tạo của chúng ta đã rất quan tâm đào tạo lao động trên lĩnh vực về pháp luật, nhưng thực tế lực lượng này vào trong khu vực công cũng không nhiều, nhất là trong những năm gần đây thì do thị trường lao động, đặc biệt trên lĩnh vực này cũng phát triển khá đa dạng, khá phong phú, cho nên việc thu hút lực lượng này cũng có khó khăn hơn. Chính vì vậy, Bộ Nội vụ tiếp thu ý kiến của đại biểu, trong thời gian tới sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để xây dựng một đề án thật căn cơ, thật cụ thể để chuẩn bị một nguồn nhân lực về việc tham mưu để xây dựng một hệ thống văn bản pháp luật đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.
Về vấn đề đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, trong thời gian vừa qua, có nhiều đổi mới trong đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức theo chức danh lãnh đạo, theo vị trí việc làm, cắt giảm tối đa các loại chứng chỉ không cần thiết. Điều đó cho thấy công tác này ngày càng đi vào thực chất. Thành quả đạt được là nhờ sự đồng tình của cử tri, của các ngành, các cấp. Công tác này sẽ được tiếp tục tăng cường thực hiện trong thời gian tới, đảm bảo chất lượng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, về công tác này, Bộ đang tăng cường phối hợp, hợp tác với các cơ sở giáo dục uy tín của nước ngoài của Nhật Bản, Pháp để đào tạo cán bộ, hướng tới đào tạo cán bộ trẻ cho chính quyền địa phương. Bộ đã phân cấp triệt để cho công tác đào tạo bồi dưỡng, Bộ trưởng đề nghị các địa phương thực hiện đúng theo quy định để công tác này đạt hiệu quả.
Bảo vệ cán bộ năng động, sáng tại, dám nghĩ dám làm và trọng dụng nhân tài
Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội cũng đã đặt ra nhiều câu hỏi cho Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà về nguyên nhân, giải pháp trước tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc gia tăng trong thời gian gần đây, nhất là lĩnh vực, vị trí địa bàn đông dân cư, chịu nhiều áp lực công việc (như viên chức y tế…). Việc bảo đảm biên chế cho ngành giáo dục, đáp ứng yêu cầu dạy - học.
Vấn đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm tại phiên chất vấn này và đề nghị Bộ trưởng cho biết chính sách cụ thể, đó là vấn đề việc thu hút nhân tài, nhà khoa học trẻ vào khu vực sự nghiệp công, nâng cao chất lượng cán, bộ công chức xây dựng pháp luật. Các đại biểu đề nghị Bộ trưởng cần đưa ra giải pháp căn cơ để thực hiện hiệu quả công tác này.
Trả lời mối quan tâm của các đại biểu, Bộ trưởng cho biết, một trong những nội dung mà Bộ Nội vụ đang quan tâm rất sâu sắc, trong đó có vấn đề về trọng dụng nhân tài gắn với khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Trọng dụng nhân tài là một yếu tố truyền thống của dân tộc ta từ xưa đến nay. Quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về thu hút và trọng dụng nhân tài thì đã được thể hiện rất rõ trong các nghị quyết, trong các Văn kiện Đại hội của Đảng, trong Chỉ thị, trong Kết luận và nhất là Đại hội XIII của Đảng vừa qua cũng đã nhấn mạnh về vấn đề này. Nhìn ra thế giới thì nhiều nước đã làm nên kỳ tích của sự phát triển đất nước của họ bằng chính nhân tài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, họ đều rất chú trọng đến vấn đề thu hút và trọng dụng nhân tài.
Bộ trưởng cho biết, hiện nay có Kết luận số 86 của Bộ Chính trị. Để cụ thể hóa vấn đề này, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 140 để triển khai thực hiện. Thời gian thực hiện chưa nhiều, bắt đầu từ năm 2018 đến nay thu hút cũng chưa được nhiều, được 258 sinh viên xuất sắc và nhà khoa học, nhưng quan trọng là tất cả các địa phương đều rất chú trọng vấn đề này, mà điển hình đó là thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc và rất nhiều các tỉnh khác. Căn cứ vào chủ trương của Đảng đã phê thông qua Hội đồng nhân dân để xây dựng một hệ thống chính sách rất phù hợp để thu hút và trọng dụng nhân tài.
Theo Bộ trưởng, tính đến thời điểm này, các địa phương đã thu hút được sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ đã được khoảng gần 3 nghìn người. Nhưng thực tiễn rõ ràng còn quá ít ỏi để số lượng này làm việc trong khu vực công, vì vậy trong thời gian tới, căn cứ vào chủ trương của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII, Bộ Nội vụ đang xây dựng một Đề án chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài. Cùng với chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài sẽ có một cơ chế, chính sách hấp dẫn hơn, tốt hơn.
Cùng với thu hút, trọng dụng nhân tài thì việc khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm về lợi ích chung theo Kết luận số 14 của Bộ Chính trị là một việc các đại biểu đang rất mong đợi. Bởi vì, chúng ta chưa có cơ chế này, chưa có hành lang pháp lý này để làm sao khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm về lợi ích chung.