Cần làm rõ hành vi mua bán người
Sáng 13/8, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, khái niệm mua bán người trong dự thảo luật cơ bản đã bảo đảm tính thống nhất, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, phúc đáp yêu cầu thực tiễn trong đấu tranh phòng, chống mua bán người, bảo đảm tiệm cận với các điều ước quốc tế về phòng, chống mua bán người mà Việt Nam là thành viên.
Theo đó, khái niệm mua bán người đã kết hợp đủ ba yếu tố, hành vi, mục đích, thủ đoạn.
Thảo luận góp ý về dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), các đại biểu đều cơ bản thống nhất nội dung và đề nghị bổ sung làm rõ thêm hành vi mua bán người và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu ý kiến: “Khái niệm hành vi mua bán người áp dụng đủ 18 tuổi trở lên và người dưới 18 tuổi trong trường hợp có sử dụng vũ lực. Nhưng ở khoản 2 đoạn 2 lại đưa ra trường hợp người dưới 18 tuổi không sử dụng vũ lực. Đề nghị hai cơ quan tiếp tục rà soát để dễ hiểu, dễ tiếp cận”.
Về hỗ trợ pháp luật đối với người nạn nhân và người trong quá trình xác nhận là nạn nhân, các đại biều cũng đề nghị làm rõ.
Về nội dung quy định cấm “mua bán bào thai, thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai”, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với việc bổ sung quy định, tuy nhiên vẫn còn ý kiến trái chiều về sử dụng từ ngữ nhằm bảo đảm quy định chặt chẽ trong dự thảo luật. Các ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được tổng hợp và chỉnh lý, trình Quốc hội trong kỳ hợp tới. Cũng trong sáng 13/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật công chứng (sửa đổi).
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/can-lam-ro-hanh-vi-mua-ban-nguoi-258327.htm