Cần làm rõ nhiều khái niệm để luật dễ thực thi
Nhiều khái niệm trong dự thảo luật chưa được làm rõ, gây khó khăn cho thực thi, như 'bí mật kinh doanh', 'tài sản trí tuệ', 'nhãn hiệu nổi tiếng', 'sao chép hợp lý', 'thiệt hại một cách bất hợp lý', 'thống nhất ý chí', 'khi biết hoặc có cơ sở để biết'...
Góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ tại phiên họp toàn thể sáng 31-5, ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) nhận xét, nhiều khái niệm trong dự thảo luật chưa được làm rõ, gây khó khăn cho thực thi.
“Quy định chung chung, chưa rõ ràng về “bí mật kinh doanh” khiến cho việc áp dụng quy định này trong thực tế rất khó khăn. Tương tự, dự thảo luật chưa xác định khái niệm “tài sản trí tuệ” nên hiện có sự lúng túng trong việc xác định hợp đồng có đối tượng là tài sản trí tuệ”, ông Thạch Phước Bình dẫn chứng.
Đồng quan điểm, ĐB Vi Đức Thọ (Sơn La) đề nghị dự thảo luật cân nhắc, làm rõ quy định liên quan đến “nhãn hiệu nổi tiếng”; xác định rõ nội hàm, ý nghĩa của một số cụm từ trong dự thảo luật như: “sao chép hợp lý”, “thiệt hại một cách bất hợp lý”, “thống nhất ý chí”, “khi biết hoặc có cơ sở để biết”...
ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC
ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM) cũng nhận xét, trong các trường hợp văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hiệu lực, có trường hợp “người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu”. Mặc dù báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho biết, quy định liệt kê các hành vi như thế nào là dụng ý xấu được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật chi tiết để phù hợp với các quan hệ xã hội cần điều chỉnh trong từng giai đoạn và điều ước quốc tế có liên quan. Tuy nhiên, theo ĐB, vẫn cần quy định giao cho cơ quan nào có trách nhiệm quy định chi tiết các hành vi này - Chính phủ hay Bộ KH-CN?
Cụ thể hóa các quy định miễn trừ trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả là ý kiến của ĐB Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng). ĐB đề nghị dự thảo luật làm rõ hơn phạm vi miễn trừ trách nhiệm, cụ thể là trách nhiệm bồi thường thiệt hại bằng tiền và trách nhiệm chi trả án phí, lệ phí trong trường hợp kiện ra tòa...
Về trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, ĐB cho rằng những nội dung hướng dẫn cụ thể các trường hợp ngoại lệ có thể giao Chính phủ quy định chi tiết, đảm bảo khả năng điều chỉnh linh hoạt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trong từng giai đoạn, trên cơ sở phù hợp với các quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
ĐB Lê Hoàng Anh (Gia Lai) cho biết tại kỳ họp thứ 2, đã từng góp ý về vấn đề dự thảo luật thu hẹp các hành vi gây nhầm lẫn cho công chúng (chỉ còn 3 hành vi là: bản chất, chất lượng và nguồn gốc địa lý) vì sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng và chủ nhãn hiệu, Việc tiếp tục sử dụng hình ảnh minh họa cụ thể là nhãn hiệu Inax của Tập đoàn Lixil và nhãn hiệu Isavi của Công ty TNHH Lisavi Việt Nam không liên quan đến bản chất, chất lượng và nguồn gốc địa lý nhưng gây nhầm lẫn. Ông đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra nghiên cứu để hoàn thiện dự thảo luật.
Một vấn đề khác là hạn chế của quyền chủ sở hữu bằng bảo hộ giống cây trồng. Nhiều ĐB nhìn nhận, đất nước ta đa số là người dân sống bằng sản xuất nông nghiệp trên các vùng miền. Tuy nhiên, chỉ có vùng đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng là có các khu vực sản xuất nông nghiệp rộng lớn, còn lại là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nhất là vùng có đồng bào dân tộc thiểu số vốn canh tác thuần nông theo tập quán gieo trồng cây trồng cũ có từ lâu đời.
Cho nên, dự luật cần cho phép người nông dân giữ giống cây trồng để canh tác cho mùa kế tiếp, nhằm giảm chi phí đầu vào, sản xuất hình thức tự cung, tự cấp. Quy định như luật hiện hành là phù hợp với đặc điểm, đặc tính của vùng miền và thói quen canh tác của người dân…
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//can-lam-ro-nhieu-khai-niem-de-luat-de-thuc-thi-817466.html