CẦN LÀM RÕ TÍNH KHẢ THI KHI THÍ ĐIỂM PHÂN CẤP CHO CẤP HUYỆN TRONG QUẢN LÝ, TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Theo dự kiến chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy trình rút gọn. Một trong những nội dung chính sách được Chính phủ trình Quốc hội là quy định về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, nội dung này vẫn còn ý kiến khác nhau đòi hỏi cần được tiếp tục đánh giá tác động đầy đủ, làm rõ tính khả thi, phù hợp của chính sách.

THÔNG CÁO BÁO CHÍ VỀ CHƯƠNG TRÌNH, NỘI DUNG KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA XV

Xuất phát từ thực tiễn triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia và cụ thể hóa nhiệm vụ Quốc hội giao, Chính phủ đề xuất các giải pháp, chính sách đặc thù vượt thẩm quyền của Chính phủ nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các chương trình này trong thời gian tới. Đáng chú ý, Chính phủ đề xuất Hội đồng nhân dân cấp tỉnh căn cứ điều kiện thực tiễn, được quyết định lựa chọn một huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp.

Trước đó, triển khai thực hiện Nghị quyết số 100/2023/QH15 ngày 24 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và địa phương khảo sát nhu cầu, xây dựng, đề xuất nội dung cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Theo báo cáo, có 52 địa phương báo cáo về nhu cầu thực hiện cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình.

Trong đó, có 49 địa phương không đề xuất cơ chế thí điểm với các lý do như công tác phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm tại các cấp đã cơ bản hoàn thành, không phát sinh vướng mắc khó khăn. Nhiều địa phương đã lựa chọn phân cấp cho cấp huyện quyết định danh mục dự án đầu tư công. Cơ chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cơ bản đã hoàn thành, vận hành ổn định. Nếu thực hiện cơ chế thí điểm, địa phương sẽ mất thêm thời gian cho việc ban hành thể chế, trong khi thời gian thực hiện chỉ còn 02 năm.

Có 03 địa phương (bao gồm các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang và Lào Cai) đề xuất thực hiện cơ chế thí điểm tập trung vào hai cơ chế: Địa phương được điều chỉnh vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia cho nhau; Địa phương được điều chỉnh từ vốn sự nghiệp sang vốn đầu tư.

Qua theo dõi giám sát, đánh giá, năm 2023, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã giải ngân được khoảng 28.180 tỷ đồng vốn của 03 chương trình mục tiêu quốc gia (đã bao gồm vốn năm 2022 được kéo dài sang năm 2023), đạt 43% kế hoạch, trong đó: vốn đầu tư phát triển đạt 59%; vốn sự nghiệp đạt khoảng 23%. Việc chậm giải ngân vốn do nhiều nguyên nhân, có cả nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan. Trong đó việc xác định, dự báo đối tượng thụ hưởng, xây dựng cơ chế phân bổ, sử dụng chưa được tính toán kỹ lưỡng là một trong những nguyên nhân dẫn tới một số nội dung của thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững không còn đối tượng để thực hiện dự toán chi, chưa giải ngân được kinh phí thường xuyên được giao. Nhiều địa phương kiến nghị các cơ quan trung ương cho phép các địa phương được điều chỉnh linh động phần kinh phí không còn đối tượng chi, hoặc thực hiện không có hiệu quả để tập trung vốn thực hiện các nội dung, hoạt động, dự án có hiệu quả.

Tại phiên họp thứ 29, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia

Tại phiên họp thứ 29, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia

Để cụ thể hóa yêu cầu của Quốc hội tại các Nghị quyết số 100/2023/QH15 ngày 24 tháng 6 năm 2023 và số 108/2023/QH15 ngày 29 tháng 11 năm 2023 để tạo sự chủ động, điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong điều tiết nguồn lực được giao trong triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ đề xuất 2 phương án để giải quyết vấn đề.

Phương án 1: Chưa thực hiện cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong giai đoạn 2024-2025; quy định nguyên tắc thực hiện cơ chế thí điểm áp dụng cho quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026-2030.

Cụ thể, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định tiêu chí lựa chọn huyện thực hiện cơ chế thí điểm theo nguyên tắc ưu tiên huyện đã hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; có nhiều điển hình cách làm hay trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; có kết quả đánh giá sự hài lòng của người dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện đạt trên 70%. Tổng số huyện được lựa chọn thực hiện thí điểm không vượt quá 50% số đơn vị cấp huyện trên địa bàn.

Theo phương án này, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm cho huyện được lựa chọn thí điểm theo tổng số vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của từng chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026-2030 và hằng năm giao cho huyện được lựa chọn thí điểm; thực hiện kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện. Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định việc phân bổ vốn thực hiện từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến từng dự án thành phần thuộc từng chương trình mục tiêu quốc gia; danh mục dự án đầu tư công thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Phương án 2: Thực hiện cơ chế thí điểm phân cấp áp dụng trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Cụ thể, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, căn cứ điều kiện thực tiễn, được quyết định lựa chọn một huyện (01 huyện) thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể đối với từng chương trình mục tiêu quốc gia cho cấp huyện được lựa chọn thí điểm.

Hội đồng nhân dân cấp huyện được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các chương trình mục tiêu quốc gia trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được cấp có thẩm quyền giao; cơ cấu nguồn vốn ngân sách nhà nước giữa chi đầu tư, chi thường xuyên của các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ để tập trung vốn thực hiện các dự án thành phần khác thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Theo phương án này thì việc điều chỉnh phương án phân bổ vốn, cơ cấu nguồn vốn ngân sách nhà nước phải đảm bảo nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách, chế độ hỗ trợ cho người dân, hộ gia đình thuộc nội dung thực hiện của các chương trình mục tiêu quốc gia. Việc sử dụng từng loại nguồn vốn sau khi được điều chỉnh cơ cấu giữa chi đầu tư, chi thường xuyên phải tuân thủ đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các quy định có liên quan.

Đồng thời, việc tổng hợp, giải trình quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm của các huyện thực hiện cơ chế thí điểm được thực hiện theo dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm đã được Hội đồng nhân dân cấp huyện điều chỉnh.

Qua phân tích cho thấy, việc thực hiện cơ chế phân cấp theo cả Phương án 1 và Phương án 2 đều tạo được sự chủ động, linh hoạt cho địa phương trong tổ chức thực hiện, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia.

Tuy nhiên, nếu thực hiện thí điểm theo Phương án 2 sẽ làm phát sinh những bất cập như: Địa phương phải mất thời gian xây dựng, ban hành các quy định cụ thể để triển khai thực hiện cơ chế, dự kiến sẽ làm chậm tiến độ thực hiện các chương trình tại địa bàn thí điểm. Có thể xảy ra tình trạng địa phương chỉ ưu tiên vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, không ưu tiên thực hiện các chính sách an sinh, hỗ trợ trực tiếp các đối tượng chính sách theo mục tiêu Quốc hội giao tại các Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư từng chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Việc điều chỉnh cơ cấu vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia, giữa vốn đầu tư, vốn sự nghiệp sẽ làm thay đổi cơ cấu vốn thực hiện các chương trình đã được Quốc hội quyết nghị trong giai đoạn 2021-2025.

Để hạn chế các tác động tiêu cực có thể xảy ra, đòi hỏi công tác xây dựng, giao mục tiêu, nhiệm vụ từng chương trình mục tiêu quốc gia cho cấp huyện phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tính toán kỹ lưỡng, đặc biệt là mục tiêu cần đảm bảo về an sinh, xã hội, chế độ chính sách cho các đối tượng hỗ trợ của chương trình mục tiêu quốc gia. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện cơ chế.

Tại phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, khi cho ý kiến về về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất chủ trương lựa chọn địa bàn để thực hiện thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có liên quan phối hợp với cơ quan thẩm tra đánh giá tác động, tính khả thi của các chính sách để trình xin ý kiến Quốc hội; đồng thời, khẩn trương đôn đốc các địa phương báo cáo những vấn đề liên quan đến kết luận của Kiểm toán Nhà nước để bảo đảm quy định sát tình hình thực tiễn, khắc phục được những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh được tiến độ thực hiện.

Nội dung này dự kiến sẽ được Quốc hội thảo luận tại tổ và hội trường vào ngày 16/01 tới./.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=84018