Cần lắm sự sẻ chia để cuộc sống thêm ý nghĩa

Những trẻ khuyết tật cũng như bao đứa trẻ khác cần sự quan tâm và ấp ủ những ước mơ. Những ước muốn ở tương lai thường dễ thực hiện với những trẻ bình thường khi trưởng thành nhưng với trẻ khiếm khuyết là cả một quá trình cố gắng. Và cần lắm sự sẻ chia, quan tâm của cộng đồng để giúp các em vơi đi phần nào bất hạnh, viết lên những điều ý nghĩa trong cuộc sống.

Khoảng trống cần lấp đầy...

Vì là những đứa trẻ kém may mắn nên nhiều bậc phụ huynh rất yêu thương, chăm sóc các em từng li từng tí để bảo vệ và tránh cho các em sự mặc cảm không đáng có. Tuy nhiên, có những gia đình do không có điều kiện, vì cuộc sống mưu sinh nên phó mặc trẻ cho nhà trường hay bỏ rơi trẻ lúc còn nhỏ. Theo chia sẻ của giáo viên Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh, nhiều gia đình chỉ lo kiếm sống nên đưa con vào trường là giao hẳn cho các cô. Với những trẻ mới vào học, khi muốn hỏi thăm gia đình để biết được tình trạng của trẻ như thế nào, làm cách nào tiếp cận trẻ… thì không nhận được sự hợp tác từ phía gia đình. Và nhiều gia đình bỏ mặc trẻ, không hướng dẫn cho trẻ kỹ năng cần thiết và thiếu sự chăm sóc, khiến trẻ tự ti hơn. Cũng có trường hợp thấy trẻ bị khuyết tật, người cha hoặc người mẹ chia tay nhau, đùn đẩy trách nhiệm nuôi trẻ, không muốn trẻ làm gánh nặng cho mình.

Trẻ khuyết tật rất cần sự quan tâm, yêu thương từ gia đình và cộng đồng. Ảnh: Thế Bằng

Trẻ khuyết tật rất cần sự quan tâm, yêu thương từ gia đình và cộng đồng. Ảnh: Thế Bằng

Sinh ra mang trong mình căn bệnh bại não, tuy 14 tuổi, nhưng nhìn bề ngoài của Hồ Thị Kim Trúc, ở Phường 2 (TP. Sóc Trăng) như một đứa trẻ lên 7. Gia đình em đã nghèo lại càng khó khăn hơn. Cha em mất, mẹ lại bỏ đi mất biệt, em được bà nội nuôi dưỡng. Mất đi tình thương của cha mẹ, em sống cùng bà trong mái nhà nhỏ nằm sâu trong hẻm nhỏ. Bà Huỳnh Thị Cúc (bà nội của Trúc) tâm sự: “Tôi vừa nuôi Trúc vừa nuôi mẹ tôi tuổi cao già yếu. Tôi năm nay 58 tuổi, không biết còn lo cho Trúc được bao lâu. Ngày tôi gửi cháu cho mẹ tôi trông, làm công cho người ta cũng không kiếm được bao nhiêu”. Vừa dứt câu, bà hướng mắt nhìn về phía Trúc, lộ vẻ lo âu trên khuôn mặt đã hằn sâu sự lam lũ, vất vả.

Những điều giản dị...

Khi tiếp xúc với trẻ bị khuyết tật, tôi nhận thấy cảm nhận của các em về cuộc sống rất là giản dị, ngay cả những ước mơ. Tuy mới lần đầu trò chuyện với em, cô bé Huỳnh Thiên Kim, học sinh Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh, nhưng làm tôi không thể quên những điều em chia sẻ. Cô bé có đôi mắt buồn vì từ lâu đã tắt đi ánh sáng, với em màu sắc cuộc sống là do em tưởng tượng, cảnh vật xung quanh là do em tự hình dung và con đường em đi không bao giờ là đường thẳng. Thiên Kim có giọng nói nhỏ nhẹ, em nói chuyện rất lễ phép, tôi cũng được cô giáo em cho biết là em có giọng hát hay, đặc biệt hát cải lương rất “ngọt”. Khi hỏi em có thích đi chơi xa không và qua những chuyến đi em thích điều gì. Em vui vẻ đáp lại câu tôi hỏi và tả lại niềm vui, háo hức khi được gia đình hay nhà trường dẫn đi đâu xa. Tôi thấy nghèn nghẹn khi nghe em chia sẻ: “Những hoạt động đó em rất vui, giúp em xóa bỏ tự ti, mặc cảm”. Cố gắng kìm cảm xúc, tôi bảo em: “Em không có gì để tự ti, tôi mới thấy tự ti trước em vì tôi không hát hay và có đôi tay đẹp như em và em có nhiều thứ tôi không có lắm đó”. Em lắng nghe tôi và “dạ” một tiếng rất rõ.

Các em hòa nhập vào cuộc sống này với những suy nghĩ bình dị và luôn có ước mơ về tương lai. Ảnh: Thế Bằng

Các em hòa nhập vào cuộc sống này với những suy nghĩ bình dị và luôn có ước mơ về tương lai. Ảnh: Thế Bằng

Qua buổi trò chuyện, tôi vui miệng hỏi sau này lớn lên em làm gì. Em trả lời nhanh, em thích công việc kết cườm. Tôi khá ngạc nhiên vì công việc này đòi hỏi sự khéo tay, tỉ mỉ, không phải ai cũng làm được. Đáp lại sự tò mò của tôi, em quả quyết: “Dạ em sờ vào từng hạt, thì cũng phải nhờ người lớn giúp. Em nghĩ em làm được vì em thích công việc này lắm”.

Cùng nhau tạo điều kiện cho người khuyết tật để làm cuộc sống này có ý nghĩa hơn...

Cô Nguyễn Thị Thu Vân, giáo viên Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh chia sẻ: “Với trẻ khuyết tật, để các em hiểu được mọi người nói gì, làm theo và mọi người hiểu được các em nói gì, muốn điều gì là việc không hề đơn giản. Người dạy, người học cần sự cố gắng nhiều. Với học sinh tôi từng dạy, tôi ấn tượng với em Đặng Hoài Bảo. Tuy bị khiếm thính như em có nhiều năng khiếu, em học nhanh, chơi cầu lông giỏi, biết thiết kế, giỏi mỹ thuật. Khi ra trường, em cũng đã tìm được việc làm, công việc của em cũng bình thường thôi, làm thiết kế cho các cơ sở làm thiệp. Nhưng để có được như ngày hôm nay, em đã nỗ lực rất nhiều, sống có mục tiêu và kiên trì mục tiêu của mình, vượt qua “rào cản” khiếm khuyết trên cơ thể để hòa nhập với mọi người và tự chủ”.

Chia tay thầy trò Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật ra về, tôi nhớ lời phát biểu tại buổi lễ ra mắt Ủy ban quốc gia về người khuyết tật, ngày 18-1-2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh: “Họ được gọi là người khuyết tật. Họ có thể có cơ thể không lành lặn nhưng có tâm hồn cao đẹp mà không ít người dù cơ thể lành lặn lại không có được. Họ là những người đặc biệt, những người rất đáng khâm phục, đáng được trân trọng. Họ tuyệt nhiên không cần những người khác thương hại. Họ cần sự tôn trọng, sẻ chia, tạo điều kiện để cùng nhau làm cuộc sống này có ý nghĩa hơn”.

Thế Bằng

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/doi-song-xa-hoi/can-lam-su-se-chia-de-cuoc-song-them-y-nghia-29776.html