Người thầy mang quân hàm xanh hơn 14 năm 'gieo chữ' nơi đảo xa
Hơn 14 năm qua, người thầy mang quân hàm xanh Trần Bình Phục vẫn miệt mài gắn bó với lớp học tình thương tại đảo Hòn Chuối (Cà Mau). Bằng trách nhiệm, tình cảm và lòng nhiệt huyết của mình, thầy Phục vẫn âm thầm 'gieo chữ', chắp cánh ước mơ cho bao thế hệ con em tại đảo.
Tháng 11-2024, đoàn đại biểu TP.HCM có chuyến thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo thuộc vùng biển Tây Nam và Nhà giàn DK1/10. Trong hải trình, đoàn có dịp đặt chân lên đảo Hòn Chuối và ghé thăm lớp học tình thương do Thiếu tá Trần Bình Phục đứng lớp.
Để đến được lớp, các thành viên của đoàn phải đi bộ quãng đường gần 1km với 375 bậc thang có độ dốc cao. Căn nhà cấp 4 rộng khoảng 30m2 nằm ven đường với tấm biển phía trước mang dòng chữ “ĐỒN BIÊN PHÒNG HÒN CHUỐI – LỚP HỌC TÌNH THƯƠNG” là nơi tiếp cận con chữ của hàng chục con em tại đảo trong nhiều năm qua.
Lớp có tới 3 chiếc bảng gắn vào 3 mặt tường, mỗi chiếc bảng ghi chép nội dung học khác nhau. Học sinh trong lớp cũng được sắp xếp ngồi hướng về từng chiếc bảng cho phù hợp với nội dung học. Thầy Phục, người đứng lớp, lần lượt đi vòng quanh để giảng bài, hướng dẫn cho từng nhóm học trò của mình.
Theo thầy Phục, những năm trước lớp có từ 22 – 30 học sinh tham gia. Đến năm nay, lớp chỉ còn khoảng 12 em theo học, do có nhiều học sinh đã lớn chuyển vào đất liền học tiếp.
“Mỗi sáng con mang theo một chai nước, ăn bánh và đến lớp. Buổi chiều con ở nhà làm bài tập, sau đó đi nuôi cá phụ ở bè người ta kiếm thêm tiền. Mỗi ngày tụi con đều tự đi học, có nhiều em nhỏ hơn được tụi con hoặc thầy dắt đến lớp. Con thấy thầy Phục hiền, dạy tốt và lớp học vui nên con cũng vui” – Em Kim Hoàng Khang chia sẻ.
“Nhiều em ở xa, mỗi sáng phải đi xuồng, đi bộ gần 400 bậc thang dốc cao để đến lớp. Tạm thời chỉ có tôi đứng lớp, việc tìm người thay thế vừa tâm huyết, vừa có chất lượng chuyên môn cực kỳ khó khăn” – Thầy Phục cho biết.
Việc dạy học cho nhiều độ tuổi khác nhau, nhiều chương trình học trong cùng một lớp cũng là điều không hề dễ dàng với người thầy mang quân hàm xanh ấy. Để đảm bảo việc học của các em đạt chất lượng, thầy Phục phải nghiên cứu, xây dựng giáo trình sao cho cơ bản, ngắn gọn và dễ hiểu nhất.
Mỗi ngày đứng lớp, thầy thường áp dụng phương pháp lấy lớp lớn hướng dẫn lớp nhỏ, đồng thời dạy xen kẽ giữa các môn sao cho phù hợp với dung lượng và thời gian.
“Lực lượng bộ đội biên phòng chúng tôi không phải là thầy, cô giáo nhưng do công việc đặc thù, nhiệm vụ đặc thù nên chúng tôi tham gia một phần căn bản việc xóa mù chữ cho các em” – Thầy Phục nói.
Từ khi hình thành đến nay, lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Đảng ủy Bộ đội biên phòng, Cấp ủy chỉ huy đơn vị tạo mọi điều kiện duy trì lớp, đồng thời, nhờ sự hỗ trợ của các cấp lãnh đạo địa phương, mạnh thường quân, lớp học được cải thiện hơn về điều kiện dạy và học.
“Bà con trên đảo, đơn vị lẫn bản thân tôi luôn mong muốn những thế hệ học sinh tại đây sau khi thành tài sẽ quay về phục vụ địa phương. Mong rằng, đảo Hòn Chuối sắp tới đây sẽ phát triển hơn, các thế hệ con trẻ có điều kiện học hành tốt hơn” – Thầy Phục bày tỏ.
Lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối hình thành đến nay đã 29 năm. Nhiều chiến sĩ biên phòng đã đứng lớp, trong đó thầy Phục có 14 năm gắn bó với lớp từ năm 2009 đến nay. Vượt qua bao khó khăn, vất vả, người thầy mang quân hàm xanh Trần Bình Phục vẫn bám trụ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao đồng hành với việc “gieo chữ”.
Nhờ vậy, thầy Phục không chỉ nhận được sự tin tưởng của đồng đội mà còn được người dân trên đảo hết sức yêu quý. Qua đó, tình đoàn kết giữa quân và dân trên đảo Hòn Khoai ngày một vững chắc.
“Chúng tôi là lính, là bộ đội biên phòng, ngoài nhiệm vụ chính trị đặc biệt, chúng tôi còn có sự liên kết với bà con. Chính trách nhiệm và tình cảm giúp những người lính như tôi có thêm động lực vượt qua trở ngại, khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, gắn bó với việc gieo con chữ cho các cháu” – Thầy Phục chia sẻ.
Mặc dù có nhiều cải thiện nhưng đời sống của người dân trên đảo còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất, hạ tầng lớp học còn khá đơn giản. Trong thời gian tới, mong rằng chính quyền địa phương cùng các mạnh thường quân sẽ chung tay xây dựng một ngôi trường khang trang hơn. Mong rằng lớp học tình thương nơi đảo xa sẽ được duy trì và phát triển để tiếp tục sứ mệnh “gieo chữ” cho các thế hệ con em tại đảo.