Cần linh hoạt trong thu hút nhà đầu tư xử lý rác thải
Ngày 9-7, Kỳ họp thứ 12 - Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Tiền Giang khóa IX tiến hành Phiên thảo luận tổ. Với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu HĐND tỉnh đã thẳng thắn đặt lên bàn nghị sự những vấn đề cử tri và dư luận xã hội quan tâm. Các vấn về bức xúc được đại biểu phân tích, kiến nghị ngành chức năng tỉnh có giải pháp dài hơi. Đồng thời, các đại biểu cũng đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ những hạn chế tồn tại qua nhiều kỳ họp nhưng chưa giải quyết rốt ráo…
VẪN LOAY HOAY TÌM NHÀ ĐẦU TƯ XỬ LÝ RÁC THẢI
Trên địa bàn tỉnh hiện có 8 bãi rác đang hoạt động với công suất tiếp nhận thực tế trên 450 tấn/ngày. Lượng chất thải rắn đô thị phát sinh khoảng 350 tấn/ngày, khối lượng thu gom khoảng 341 tấn/ngày. Hiện tỉnh đã mời gọi đầu tư các dự án xử lý rác gồm: Nhà máy xử lý rác tại bãi rác Tân Lập 1 (huyện Tân Phước) và Nhà máy xử lý chất thải rắn Long Chánh (TX. Gò Công).
Đại biểu Dương Văn Bon cho rằng: “Việc kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác là việc làm cấp thiết. Thời gian qua cũng có một số nhà đầu tư đến tìm hiểu, mong muốn được đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác. Tuy nhiên, yêu cầu của tỉnh là diện tích xây dựng nhà máy xử lý rác không quá 2 ha và thời gian thực hiện dự án là 10 năm. Với thời gian này, các nhà đầu tư cho rằng không đảm bảo thực hiện dự án”.
Liên quan vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Lê Văn Nghĩa thông tin thêm: “Hiện tại, tỉnh vẫn chưa chọn được nhà đầu tư nào để xây dựng nhà máy xử lý rác. Thời gian qua, khi kêu gọi nhà đầu tư, có 11 nhà đầu tư mua hồ sơ, sau đó có 7 nhà đầu tư nộp hồ sơ. Thế nhưng, không nhà đầu tư nào đạt so với tiêu chí tỉnh yêu cầu. Vì thế, UBND tỉnh sẽ tính toán lại để tiếp tục mời gọi được nhà đầu tư, làm sao phải đảm bảo cho nhà đầu tư có hiệu quả nhất định”.
ĐẢM BẢO NƯỚC SINH HOẠT VÀ NƯỚC PHỤC VỤ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP
Về vấn đề nước sinh hoạt nông thôn, đại biểu Nguyễn Văn Phước Cường cho rằng: “Cần đánh giá lại tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh. Ở đây có sự mâu thuẫn: Trong báo cáo của UBND tỉnh cho rằng, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh là 99,5%; trong đó, sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung là 94%. Trong khi đó, thực tế thời gian qua có nhiều nơi, người dân không có nước sử dụng đến 2, 3 ngày”.
Ngoài lo ngại về vấn đề cung cấp nước sinh hoạt, đại biểu Nguyễn Hữu Lợi còn cho rằng: “Hiện nay, các cụm công nghiệp phía Đông đang dần hình thành, vì thế nhu cầu nước phục vụ cho sản xuất công nghiệp rất cần thiết. Cụ thể, trong thời gian hạn, mặn, 2 doanh nghiệp may mặc trên địa bàn TX. Gò Công có khoảng 5.000 công nhân, nhưng nước chỉ đảm bảo phục vụ được 70%. Vì thế, để đảm bảo nước sinh hoạt cũng như nước phục vụ cho sản xuất công nghiệp, cần phải có giải pháp kịp thời”.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Nghĩa cho biết: 3 tỉnh Tiền Giang, Long An và Bến Tre đã thành lập Tổ điều hành Dự án Xử lý nước thô kéo từ xã Hòa Hưng (huyện Cái Bè) về tới Gò Công, Long An qua Bến Tre. Dự kiến, trong tuần sau, lãnh đạo 3 tỉnh sẽ họp bàn quy trình thực hiện, thống nhất một số nhiệm vụ, văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ. Nếu không có gì thay đổi, trong quý 4-2020 dự án sẽ khởi công, kéo nước thô từ nhánh sông Cái Cối của huyện Cái Bè về. Giai đoạn 1, dự án có công suất 300.000 m3 ngày đêm, với vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng, sẽ kéo đường ống nước mới. Có như thế mới đảm bảo được nước sinh hoạt và nước phục vụ cho sản xuất công nghiệp của các huyện phía Đông.
CẦN SỚM CỤ THỂ HÓA QUY HOẠCH VÙNG CÓ NGUY CƠ SẠT LỞ
Tại nhiều kỳ họp HĐND tỉnh, vấn đề sạt lở luôn được đại biểu và cử tri quan tâm, bởi những năm gần đây, tình hình sạt lở ở nhiều địa phương xảy ra càng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân. Theo báo cáo của UBND tỉnh, tình trạng xói lở, xâm thực khu vực bờ biển, bờ sông, kinh, rạch đang diễn ra khá nghiêm trọng ở vùng phía Đông và phía Tây của tỉnh. Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng nghiêm trọng.
Trước thực trạng này, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các ngành, địa phương tập trung thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống sạt lở. Tính đến nay, toàn tỉnh đã thi công được 362 công trình nạo vét kinh, mương, thủy lợi nội đồng với chiều dài 318.913 m, khối lượng 754.928 m3, đạt 48,6% kế hoạch; xử lý 12 điểm sạt lở bờ sông, bờ kinh, rạch, chiều dài 930 m, với kinh phí xử lý 25,9 tỷ đồng (hiện đã xử lý 7 điểm sạt lở với tổng chiều dài 500 m, với kinh phi xử lý 16,36 tỷ đồng); đã thi công hoàn thành xong 12 công trình phòng, chống hạn, mặn bảo vệ sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Tại phiên thảo luận tổ của Kỳ họp thứ 12, các đại biểu tiếp tục quan tâm cho ý kiến về tình hình xử lý sạt lở trong thời gian qua. Đại biểu cho rằng, vẫn chưa có biện pháp căn cơ đối với vấn đề này.
Đại biểu Võ Ngọc Hà nói: Tiền Giang với đặc thù có nhiều kinh, rạch nên việc sạt lở thường xuyên diễn ra. Lâu nay, UBND tỉnh cũng như các ngành liên quan đã có nhiều giải pháp phòng, chống sạt lở trên địa bàn tỉnh như: Giải pháp công trình, giải pháp phi công trình... Tuy nhiên, công tác dự báo còn yếu, chưa có một nghiên cứu nào cụ thể, khoa học về tình trạng này, mà chủ yếu giải quyết hậu quả, khắc phục khi đã xảy ra tình trạng sạt lở ở một địa phương nào đó.
Vì vậy, đại biểu Võ Ngọc Hà cho rằng, thời gian tới, cần sớm cụ thể hóa quy hoạch và khuyến cáo các vùng có nguy cơ sạt lở để có định hướng cụ thể cho từng vùng dân cư. Đồng thời, xây dựng bản đồ dự báo nguy cơ sạt lở trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở bố trí dân cư và sản xuất; khuyến cáo người dân không xây dựng nhà ở hoặc các công trình lấn chiếm lòng sông, kinh, rạch làm co hẹp, chuyển hướng dòng chảy, từ đó làm gia tăng nguy cơ sạt lở bờ…