Cần lộ trình để HTX chăn nuôi sẵn sàng đáp ứng quy định kiểm kê khí nhà kính
Theo Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg ngày 13/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ, chăn nuôi là ngành nghề nằm trong lĩnh vực nông nghiệp và cũng thuộc 6 lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Điều này đang khiến không chỉ các doanh nghiệp mà còn khiến các HTX không khỏi lo lắng vì chưa biết phải làm gì, bắt đầu từ đâu, trong khi chăn nuôi là ngành vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn.
Điểm đ, Điều 6 của dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP có quy định “Các cơ sở chăn nuôi có quy mô hằng năm từ 1.000 con bò trở lên hoặc 3.000 con lợn trở lên…” thì phải thực hiện kiểm kê nhà kính.
Chưa tính được lượng khí thải
HTX Chăn nuôi Xanh (Thái Nguyên) đang chăn nuôi quy mô hơn 6.000 con gà và hơn 1.000 con lợn. Ông Nguyễn Văn Ngữ, Giám đốc HTX cho biết, HTX không nằm trong quy định này. Còn nếu căn cứ vào Quyết định 2626/QĐ-BTNMT, ở lĩnh vực chăn nuôi gia súc, hệ số phát thải cao nhất là bò sữa, trâu, bò thịt, ngựa, dê, cừu và thấp nhất là lợn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc HTX chăn nuôi Yên Lợi (Nam Định) chia sẻ, nếu duy trì quy mô trang trại 3.000 con lợn, HTX có khả năng cao nằm trong nhóm cần thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
Ông Hùng thừa nhận, dù đã áp dụng quy trình khoa học nhưng thực sự hoạt động sản xuất của HTX cũng gặp không ít khó khăn so với các ngành kinh tế khác vì đầu ra bấp bênh, giá cả chưa cao. Do đó, việc đưa các cơ sở chăn nuôi vào danh mục phải kiểm kê khí nhà kính ở thời điểm như hiện nay rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về mặt kinh phí, thời gian, kỹ năng, công nghệ…, vì đây là một vấn đề rất mới đối với HTX.
Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 1.100 HTX/tổ hợp tác chăn nuôi với quy mô khác nhau. Hầu hết các HTX cũng đã áp dụng quy trình chăn nuôi khoa học, chú ý xử lý chất thải nhưng thực chất để tính được lượng chất thải, nước thải, khí thải ra môi trường một cách cụ thể là vấn đề khó khăn với không ít HTX.
Ts Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, ngoài doanh nghiệp thì hiện mô hình chăn nuôi theo HTX đang khá phổ biến ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, một khi thực hiện kiểm kê khí nhà kính thì đồng nghĩa với việc đơn vị sản xuất phải gia tăng thêm chi phí. Khi chi phí sản xuất tăng sẽ kéo theo giá thành sản phẩm tăng. Trong khi giá lợn và một số sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam ở một số thời điểm vẫn cao hơn một số nước, gần nhất là Trung Quốc. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tiêu thụ, cụ thể là xuất khẩu.
Theo thống kê của Hội Chăn nuôi Việt Nam, chi phí cho kiểm kê khí thải sẽ tiêu tốn của đơn vị chăn nuôi từ 100 triệu đồng trở lên. Số tiền này đối với doanh nghiệp lớn có thể không cao nhưng với doanh nghiệp nhỏ, HTX sẽ là một vấn đề không nhỏ.
Cần lộ trình phù hợp
Hiện có không ít trang trại chăn nuôi đang gặp khó khăn trong áp dụng quy trình sản xuất theo chuỗi, nên sẽ càng gặp khó trong quá trình thực hiện kiểm kê khí thải.
Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An, cho biết con bò được đánh giá là một trong những vật nuôi phát thải lớn nhất. Trên địa bàn có trang trại của doanh nghiệp liên kết với HTX thực hiện kiểm kê khí nhà kính, giảm phát thải. Vậy nhưng, theo phản ánh của doanh nghiệp, việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính trong những năm đầu không hề đơn giản vì ngoài chi phí, cần phải đáp ứng rất nhiều quy định khác nhau. Doanh nghiệp đã có sự đồng hành của chuyên gia, đội kỹ kỹ thuật để hướng dẫn các HTX chăn nuôi bò.
Tại Nghệ An, chăn nuôi nhỏ vẫn chiếm 70% dù đã có một số HTX liên kết với nhau để nâng cao chất lượng đàn và phát triển thành chuỗi. Điều này cho thấy, vấn đề kiểm kê khí nhà kính trong chăn nuôi nếu triển khai trong thời điểm này sẽ gặp không ít khó khăn.
Trước vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, yêu cầu các trang trại chăn nuôi phải kiểm kê khí nhà kính là cần thiết nhưng vấn đề kiểm soát môi trường chăn nuôi là rất phức tạp. Do đó, việc đánh giá tác động các trang trại chăn nuôi lớn cần phải giao cho cơ quan quản lý địa phương mới cụ thể, hiệu quả thay vì giao cho Bộ đánh giá như hiện nay. Nhất là các trang trại vùng sâu vùng xa, cơ quan quản lý ở Bộ không thể hiểu và nắm rõ các điều kiện sản xuất bằng địa phương.
Ngoài ra, vì kiểm kê khí nhà kính là vấn đề phức tạp, áp lực, nên Nhà nước cần xây dựng lộ trình phù hợp để các HTX, doanh nghiệp nhỏ có thời gian, chuẩn bị điều kiện về chi phí và có quá trình chuyển đổi chăn nuôi khoa học một cách phù hợp.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, kiểm kê khí nhà kính trong ngành chăn nuôi là việc không thể không triển khai. Bởi dù tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi đạt 4 - 5%/năm, cụ thể là trong năm 2023 đạt hơn 5,7%, đóng góp 26% vào GDP toàn ngành nông nghiệp, nhưng ngành này cũng có phát thải lớn với khoảng 60 triệu tấn chất thải rắn mỗi năm. Trong đó, chăn nuôi lợn chiếm 39% chất thải rắn và nước thải chiếm 90%.
Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 xác định ngành chăn nuôi trở thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và được công nghiệp hóa hầu hết các khâu, từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Do đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, các cục, vụ, hiệp hội cần nhanh chóng tìm hiểu thực tiễn, nắm bắt những khó khăn trong chăn nuôi tại địa phương để xây dựng được lộ trình cụ thể cho ngành chăn nuôi nói chung và cho việc kiểm kê khí nhà kính nói riêng.
Muốn vậy, cần đưa ra các phương pháp kiểm tra, đo đạc khí nhà kính cụ thể và xác định, công bố các tổ chức, đơn vị có khả năng công nhận trong vấn đề kiểm kê khí nhà kính để doanh nghiệp, HTX có thể hợp tác một cách hiệu quả.
“Các hiệp hội, doanh nghiệp đã thực hiện kiểm kê khí nhà kính cần tiên phong chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX khác về kinh nghiệm kiểm kê khí nhà kính để tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu.
Ông Nguyễn Văn Tuế, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam cho biết, muốn kiểm kê khí nhà kính thì phải nâng cao chất lượng chăn nuôi. Muốn nâng cao chất chất lượng chăn nuôi thì doanh nghiệp, HTX, người chăn nuôi cần nâng tầm nhận thức và trình độ sản xuất. Việc chủ động sản xuất an toàn sinh học sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong bảo vệ môi trường, giảm phát thải.
Bên cạnh đó, các địa phương thực hiện xây dựng vùng chăn nuôi thì nên phân khu thành nhiều nhóm, nhiều ao hồ để xử lý chất thải, trồng cây, xử lý phân bón một cách thuận lợi và triệt để, từ đó tăng nguồn thu và hướng đến phát triển bền vững, đóng góp cho mục tiêu giảm phát thải của quốc gia.