'Cần lựa chọn phương án thu hồi đất có lợi nhất cho người dân'
GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, chúng ta lựa chọn phương án thu hồi đất để người dân có thể được hưởng lợi tốt nhất. Nhà nước là người quản lý đất đai và có trách nhiệm với quyền lợi của người dân, không thể đẩy điều đó sang doanh nghiệp.
Tại Hội thảo “Sửa Luật Đất đai: Tạo đất cho du lịch” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 19/10, GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng đã đóng góp ý kiến xoay quanh vấn đề cơ chế thu hồi đất tại Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai dự kiến sẽ được Quốc hội khóa XV xem xét tại kỳ họp thứ 6 khai mạc vào tuần tới.
GS.TS Hoàng Văn Cường chia sẻ, thu hồi đất bao giờ cũng gắn liền với bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Không ai có thể tự nhiên tới thu hồi. Khi thu hồi, việc đầu tiên là phải bồi thường, bù đắp những gì người ta đang có, không để người ta bị thiệt về những quyền lợi.
Chính bởi vậy, trong Nghị quyết 18, cũng như Luật Đất đai đã nhắc tới việc thu hồi ít nhất phải bồi thường cho người có đất bị thu hồi ngôi nhà, bất động sản tương tự, phải quay lại xem cuộc sống của họ như thế nào.
Theo ông Cường, Luật Đất đai đầu tiên đã đưa ra nguyên tắc này, nhưng chưa lượng hóa. Chúng ta cần phải làm được điều này.
“Trước đây chúng ta chưa đạt được vì có khung giá đất, bảng giá đất nằm trong khung giá đất và ổn định ít nhất 5 năm. Điều này khiến người dân bị có đất trong diện thu hồi bị trả giá không đúng với những gì thiệt hại, biến thu hồi trở thành nỗi khiếp sợ. Nếu chúng ta làm đúng nguyên tắc của Nghị quyết 18 và Luật Đất đai thì người dân sẽ không còn sợ, thậm chí vui mừng vì được thu hồi. Ví dụ khi làm đường Nguyễn Tất Thành tại Đà Nẵng, sau khi thu hồi, người dân từ ở nơi lụp xụp được chuyển sang căn nhà mới”, ông Cường chia sẻ.
Với phương pháp nhà đầu tư thỏa thuận với người dân để giải phóng mặt bằng, ông Cường nhấn mạnh: "Phương pháp thỏa thuận là gì? Người dân có quyền đàm phán ngang hàng với chủ đầu tư dự án. Nhưng không phải tất cả mọi người dân đều có năng lực để đàm phán với chủ đầu tư được. Khi đó chưa chắc người dân đã nhận được lợi ích đầy đủ. Có khi doanh nghiệp trả cho người dân cục tiền là xong, sau đó người dân có nhà hay không, có trường học hay không thì chủ đầu tư không cần biết… vậy hậu quả xã hội khi đó ai chịu, xã hội, chính quyền phải chịu…".
“Chúng ta lựa chọn phương án để người dân có thể được hưởng lợi tốt nhất. Nhà nước là người quản lý đất đai và có trách nhiệm với quyền lợi của người dân, không thể đẩy điều đó sang doanh nghiệp. Người dân phải được thu hồi chứ đừng bị thu hồi. Hầu hết các quốc gia trên thế giới, người dân được thu hồi, hiếm khi chịu thiệt hại”, GS.TS Hoàng Văn Cường cho biết.
Tăng cường chế tài để tránh đầu cơ
Cũng tại Hội thảo,TS.Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia kiến nghị Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nên xem xét bổ sung cơ chế giao đất, cho thuê đất thông qua thu hồi đất cho các dự án phát triển du lịch, vui chơi, giải trí có quy mô hoặc tổng mức đầu tư lớn, đặc biệt là những dự án du lịch tại địa bàn khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo…
“Việc bổ sung trên có thể giúp tháo gỡ khó khăn, giúp các nhà đầu tư tham gia đấu thầu các dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất. Tuy nhiên, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng cần làm rõ tiêu chí để xác định các dự án lớn, tác động đối với phát triển kinh tế - xã hội cũng như an sinh xã hội”, ông Lực nói.
Đồng quan điểm, TS.Đỗ Thanh Trung, cố vấn Ban giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang cho rằng, việc kiến nghị bổ sung loại dự án du lịch, vui chơi, giải trí có quy mô lớn như “dự án Khu đô thị mới có quy mô trên 300 ha”, “dự án hỗn hợp nhà ở hoặc khu đô thị mới kết hợp với kinh doanh thương mại, dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng” thuộc phạm vi đấu thầu dự án có sử dụng đất để có sự can thiệp của Nhà nước trong việc thu hồi đất là cần thiết.
Bên cạnh đó, theo ông Trung, nếu bổ sung các loại dự án du lịch, vui chơi, giải trí có quy mô lớn như trên thuộc phạm vi đấu thầu thì cũng cần bổ sung các loại dự án này thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại Điều 79 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Bởi lẽ, một trong những điều kiện tiên quyết để giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất là khu đất thực hiện dự án chưa được bồi thường, giải phóng mặt bằng, tức khu đất phải thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất.
Mặc dù vậy, ông Trung lưu ý trong trường hợp bổ sung các loại dự án này vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cần làm rõ như thế nào là khu đô thị mới.
Bởi lẽ, tại Điều 62 Luật Đất đai 2013 có quy định “dự án xây dựng khu đô thị mới” thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, nhưng việc xác định như thế nào là khu đô thị mới vẫn chưa có một hướng dẫn cụ thể, chi tiết nào dẫn đến vướng mắc trong việc xác định đối tượng thu hồi đất.
Còn theo ông Nguyễn Anh Quê, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp Hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn G6, Nhà nước xác định rất rõ phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tuy nhiên, trong Dự thảo Luật Đất đai lần này, không có quy định về việc thu hồi đất để phát triển các dự án du lịch khiến các nhà đầu tư còn băn khoăn.
Từ đó, ông Nguyễn Anh Quê nêu quan điểm, không nên bỏ hoàn toàn các trường hợp này ra ngoài văn bản luật, nhưng cũng không quy định chung chung, mà nên dựa trên những tiêu chí nhất định, từ đó có quy định cụ thể.
Có thể căn cứ từ tổng mức đầu tư, quy mô dự án, từ đó đưa ra phương pháp lựa chọn nhà đầu tư và áp dụng hình thức thu hồi đất. Ví dụ, dự án quy mô bao nhiêu nghìn tỷ, bao nhiêu ha thì sẽ thuộc diện thu hồi đất.