Cần luật để quản lý thị trường tài sản số trị giá hàng trăm tỷ đô la Mỹ

Trong tuần qua, dự án Luật Công nghiệp công nghệ số lần đầu tiên được xây dựng và trình Quốc hội cho ý kiến. Đây là một dự án Luật rất mới mà theo cơ quan soạn thảo, dự án Luật này sẽ quy định việc triển khai và ứng dụng các nền tảng công nghệ mới trong cuộc sống, trong đó có cả tài sản số hay tài sản mã hóa. Lĩnh vực này nhận được rất nhiều sự quan tâm của giới công nghệ bởi quy mô vốn hóa thị trường chỉ tính riêng tại Việt Nam đã hơn 100 tỷ USD. Do đó, phần lớn các đại biểu và chuyên gia đều cho rằng, cần phải có một khung khổ pháp lý để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với tài sản số nói riêng và các nền tảng công nghệ lõi nói chung.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, muốn đưa Việt Nam trở thành đất nước phát triển nhanh, phải “đi trước đón đầu” trong xu hướng hội nhập của nền công nghệ hiện đại. Do đó, việc ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số trong bối cảnh này là rất cần thiết.

Phần lớn các đại biểu đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật, nhằm kiểm soát sự phát triển các loại hình công nghệ mới. Tuy nhiên, cần phải quy định cụ thể hơn trách nhiệm của từng Bộ, ngành hướng tới 2 mục tiêu: Thứ nhất là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể. Thứ hai là tránh thất thu thuế của nhà nước.

Các chuyên gia cho rằng, đây là một bước tiến lớn để ngành công nghệ nội địa sẽ tiếp tục hội nhập và tham gia sâu rộng hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Báo cáo từ Boston Consulting Group dự báo, tổng giá trị tài sản số trên thế giới đến năm 2030 có thể lên tới 16.000 tỷ USD, chiếm 10% GDP toàn cầu. Điều này càng cho thấy, việc Việt Nam sớm ban hành khung pháp lý để quản lý tài sản số càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Có thể thấy, tài sản số đang là vấn đề nhận được sự quan tâm rất lớn không chỉ người dân, doanh nghiệp mà ngay cả cơ quan quản lý cũng đang rất quyết liệt để sớm có 1 khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh về lĩnh vực này, nhằm đảm bảo lợi ích của các nhà đầu tư và thúc đẩy quá trình hội nhập. Ít nhất là phải đến kỳ họp đầu tiên của năm sau 2025, dự án Luật này mới tiếp tục được cho ý kiến. Trong quá trình đó, các đại biểu Quốc hội chia sẻ mong muốn cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các ý kiến để dự án Luật ngày càng hoàn thiện hơn nữa.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Tuấn Anh - Phạm Quyền - Ngọc Thiện - Đức Minh

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/can-luat-de-quan-ly-thi-truong-tai-san-so-tri-gia-hang-tram-ty-do-la-my-244108.htm