Cần luật hóa một số vấn đề theo tinh thần Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu

Sáng 22/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra Tọa đàm về chủ đề Luật hóa một số vấn đề theo tinh thần Nghị quyết 42 ngày 21/6/2017 của Quốc hội khóa 14 về xử lý nợ xấu.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước khu vực 2 phát biểu.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước khu vực 2 phát biểu.

Sự kiện do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức. Đại diện các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và các chuyên gia tài chính cùng tham gia đối thoại, tập trung vào những vấn đề thiết thực đang gây ra một số khó khăn trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng trong bối cảnh Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã hết hiệu lực.

Sau 6 năm thực hiện, Nghị quyết 42 của Quốc hội khóa 14 đã góp phần khơi thông dòng vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, sau khi hết hiệu lực vào cuối năm 2023 đã để lại khoảng trống pháp lý cho các tổ chức tín dụng trong xử lý nợ xấu vì thiếu cơ chế đặc thù.

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước khu vực II, cho biết, thực tế hiện nay việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm nợ vay để thu hồi nợ vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, việc luật hóa một số vấn đề theo tinh thần Nghị quyết 42 không chỉ tác động điều chỉnh trực tiếp đến công tác xử lý nợ xấu mà còn mang lại những kết quả lớn hơn, toàn diện hơn về thực hiện nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô.

“Khi luật hóa quyền thu giữ tài sản bảo đảm nợ vay, góp phần nâng cao trách nhiệm của người vay vốn phải sử dụng vốn đúng mục đích để hoàn trả nợ vay cả gốc và lãi. Luật hóa quyền thu giữ tài sản bảo đảm hạn chế nợ xấu phát sinh và tăng trưởng tín dụng hiệu quả”, ông Lệnh nhấn mạnh.

Giáo sư, Tiến sĩ Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, đưa ra dẫn chứng: Trong giai đoạn Nghị quyết 42 có hiệu lực, lũy kế trung bình mỗi tháng các tổ chức tín dụng xử lý được 5.800 tỷ đồng nợ xấu. Tỷ lệ khách hàng tự trả nợ tăng từ mức 20% lên 36,35%.

Lãnh đạo Cục Thi hành án Dân sự Thành phố Hồ Chí Minh trình bày tham luận.

Lãnh đạo Cục Thi hành án Dân sự Thành phố Hồ Chí Minh trình bày tham luận.

Khi các tổ chức tín dụng không còn được áp dụng các cơ chế đặc thù, đặc biệt là quyền thu giữ tài sản bảo đảm khi khách hàng không hợp tác. Thống kê cho thấy, hai tháng đầu năm 2025, nợ xấu tăng thêm 34 nghìn tỷ đồng, dẫn đến tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng có xu hướng tăng trở lại và đã vượt 3%, ngưỡng cảnh báo theo thông lệ quốc tế.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Võ Xuân Vinh, việc cho phép các tổ chức tín dụng được quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo luật định sẽ giúp đẩy nhanh quá trình thu hồi nợ xấu, giảm thiểu thời gian và chi phí liên quan đến thủ tục pháp lý phức tạp. Cần luật hóa các quy định cho phép áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan tài sản bảo đảm tại tòa án.

Đồng quan điểm, ông Trần Phương Hồng, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Với khoảng trống pháp lý hiện nay, các tổ chức tín dụng chỉ có thể áp dụng cơ chế khởi kiện tại tòa án. Dẫn đến tình trạng chậm trễ, tốn kém và gia tăng chi phí xử lý tài sản bảo đảm.

Vì vậy tới đây khi sửa Luật các Tổ chức tín dụng, cần luật hóa quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Quy định về kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án. Và quy định về hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự và bổ sung quy định về hoàn trả tài sản bảo đảm là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Các chuyên gia, nhà quản lý chỉ ra rằng, nợ xấu là vấn đề có tính liên tục, không phải chỉ xuất hiện vào thời điểm khó khăn. Do đó, cần phải có khung pháp lý về xử lý nợ xấu, không để tích tụ thành nguy cơ, điểm nghẽn cho nền kinh tế.

Sớm luật hóa những điểm cốt lõi, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 42 của Quốc hội, góp phần bảo đảm tính liên tục, ổn định, bền vững cho quá trình tăng trưởng lành mạnh của thị trường tài chính ngân hàng.

NHẬT THÀNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/can-luat-hoa-mot-so-van-de-theo-tinh-than-nghi-quyet-42-cua-quoc-hoi-ve-xu-ly-no-xau-post881533.html