Cần mạnh tay với tình trạng chây ì đóng bảo hiểm xã hội

Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội vừa có thông báo danh sách 150 đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn Hà Nội nợ đọng BHXH thời gian dài, từ 6 đến 24 tháng tính đến thời điểm hết tháng 5/2024.

Việc nợ đọng BHXH đang ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội mà điển hình là câu chuyện hơn 200 nghìn lao động nhiều năm nay không được hưởng quyền lợi chính đáng do doanh nghiệp đã giải thể, chủ bỏ trốn. Luật BHXH sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua ngày 29/6 đã bổ sung thêm một số giải pháp xử lý tình trạng nợ, trốn đóng BHXH. Liệu các giải pháp này có xử lý dứt điểm được "vấn nạn" này?

Cần có thêm các biện pháp mạnh bên cạnh việc thường xuyên thanh tra, kiểm tra để xử lý tình trạng nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Cần có thêm các biện pháp mạnh bên cạnh việc thường xuyên thanh tra, kiểm tra để xử lý tình trạng nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Hàng loạt doanh nghiệp nợ bảo hiểm kéo dài

Theo danh sách công bố của BHXH TP Hà Nội, hàng loạt doanh nghiệp đang nợ BHXH với thời gian kéo dài như: Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Lạc Hồng, thời gian nợ lên đến 21 tháng; Công ty TNHH Ôtô Đức Việt cũng có thời gian nợ BHXH 21 tháng; Công ty TNHH Thương mại và Phòng cháy, chữa cháy Vạn Tường thời gian nợ BHXH lên đến 23 tháng… BHXH TP Hà Nội cho biết, việc chậm đóng của những đơn vị có tên trong danh sách là hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, gây ảnh hưởng xấu đến an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Theo con số của BHXH TP Hà Nội, tính đến tháng 5, số tiền chậm đóng BHXH, BHYT vẫn ở mức hơn 5,8 nghìn tỷ đồng (bằng 8,24% số phải thu), số chậm đóng BHXH phải tính lãi lên đến hơn 1,92 nghìn tỷ đồng (bằng 2,72%). Chỉ tính những đơn vị doanh nghiệp chậm đóng BHXH trên 10 tỷ đồng thì Hà Nội đã có 24 doanh nghiệp với những cái tên không quá xa lạ như: Công ty cổ phần Anh ngữ APAX, chậm đóng hơn 57,8 tỷ đồng; Công ty cổ phần LILAMA3 chậm đóng hơn 45 tỷ đồng; Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garment (Khu CN Quang Minh, huyện Mê Linh) chậm đóng hơn 41 tỷ đồng…

Theo phân tích, chia nhóm của BHXH TP Hà Nội, hầu hết những đơn vị doanh nghiệp nợ lớn, dây dưa kéo dài như trên thuộc lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, xây dựng, giao thông, cầu đường… và một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực may mặc, giáo dục… Đây cũng là những đơn vị, doanh nghiệp mà BHXH phối hợp với các ngành chức năng đã áp dụng nhiều biện pháp từ tuyên truyền vận động, đến đôn đốc, nhắc nhở, thanh tra kiểm tra nhiều lần… nhưng số tiền chậm đóng BHXH vẫn y nguyên, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.

Giải pháp cần đủ sức nặng

Theo BHXH TP Hà Nội, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm luôn được xác định là giải pháp mạnh, có hiệu quả tích cực trong việc làm giảm tình trạng chậm đóng và răn đe, phòng ngừa, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các chủ thể tham gia BHXH, BHYT, BHTN, góp phần bảo vệ quyền lợi của người lao động. Tính đến hết tháng 5/2024, các đơn vị trên địa bàn TP Hà Nội đã thực hiện 976 cuộc thanh tra, kiểm tra về chấp hành pháp luật BHXH, BHYT, BHTN.

Kết quả, sau thanh tra, kiểm tra, số tiền các đơn vị đã nộp về cơ quan BHXH để khắc phục nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN là 85,7 tỷ đồng. Hiệu quả của việc thường xuyên thanh tra, kiểm tra rõ ràng đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo đúng các quy định của pháp luật về BHXH. Tuy nhiên, từ con số nợ đọng BHXH trên địa bàn Hà Nội vẫn đang ở mức hơn 5,8 nghìn tỷ đồng cho thấy, các giải pháp hiện hành chưa đủ răn đe để có thể khắc phục, xử lý triệt để tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH.

Theo Trưởng ban Quản lý thu - sổ, thẻ (BHXH Việt Nam) Dương Văn Hào, thời gian qua, cơ quan BHXH đã triển khai nhiều giải pháp từ việc cử cán bộ thường xuyên nắm bắt tình hình của doanh nghiệp để đôn đốc số nợ đọng BHXH, đến gửi thông báo kết quả đóng BHXH về chủ doanh nghiệp. Người lao động đều được xác nhận quá trình đóng BHXH của năm đó. Điều này thể hiện sự công khai thông tin với người lao động và chủ thể doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng triển khai sử dụng BHXH số, hiện nay, tỷ lệ người lao động được cài đặt VSSID hơn 90%. Người lao động có thể kiểm tra quá trình đóng BHXH, BHYT tại ứng dụng này. "Để hạn chế tình trạng nợ đọng BHXH, bên cạnh khởi kiện, cơ quan BHXH đề xuất với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cấm xuất cảnh với chủ nợ từ 12 tháng trở lên; không vinh danh, không khen thưởng đối với các doanh nghiệp nợ bảo hiểm...", ông Hào thông tin.

Luật BHXH sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua ngày 29/6 đã bổ sung các biện pháp xử lý trốn đóng BHXH, BHYT với những giải pháp mạnh như: Ngừng sử dụng hóa đơn đối với doanh nghiệp chậm đóng BHXH; Công đoàn và cơ quan BHXH có thẩm quyền khởi kiện doanh nghiệp chậm đóng BHXH...

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH hiện nay chịu sự chi phối của 4 bộ luật: Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH và Luật Tố tụng dân sự. Song, trong các luật còn một số mâu thuẫn, không thống nhất nên việc khởi kiện của tổ chức Công đoàn không như kỳ vọng. Theo ông Hiểu, tình trạng nợ, trốn đóng BHXH đang diễn ra phức tạp, gây nhiều hệ lụy, không những ảnh hưởng quyền lợi trước mắt, trực tiếp của người lao động mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi an sinh xã hội lâu dài, ảnh hưởng đến niềm tin của người lao động vào hệ thống BHXH.

"Các doanh nghiệp trốn đóng BHXH về bản chất được lợi nhuận nhiều hơn. Nhiều doanh nghiệp giữ BHXH để lấy tiền đó kinh doanh, thay vào việc đi vay ngân hàng. Chúng ta không mong muốn hình sự hóa hành vi này, nhưng cố tình chây ì thì phải tìm ra và xử lý nghiêm. Các cơ quan chức năng khi thấy có dấu hiệu tội phạm trong việc trốn đóng BHXH phải có trách nhiệm cung cấp thông tin, kiến nghị khởi tố để xử lý hình sự, cùng với đó là áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả", ông Hiểu kiến nghị.

Phan Hoạt

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/can-manh-tay-voi-tinh-trang-chay-i-dong-bao-hiem-xa-hoi-i735946/