Cần mô hình an ninh mới khu vực châu Á-Thái Bình Dương
Sự đoàn kết giữa các nước nhỏ ngày càng cho thấy vai trò cực kỳ quan trọng trong các cấu trúc an ninh phức hợp sắp định hình ở châu Á.
Trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La 2023 (diễn ra từ ngày 2 đến ngày 4-6 vừa qua tại Singapore), tại phiên họp về “Phát triển mô hình hợp tác an ninh", nhiều lãnh đạo quốc phòng đã chia sẻ quan điểm về yếu tố mấu chốt giúp đảm bảo an ninh khu vực.
Báo Pháp luật TP.HCM có cuộc trao đổi Ths Lục Minh Tuấn thuộc Nhóm Nghiên cứu quốc tế thuộc ĐH Ngoại ngữ-Tin học TP.HCM quanh chủ đề mô hình hợp tác an ninh khu vực.
Mô hình hợp tác an ninh khu vực không thể thiếu nước nhỏ
. Phóng viên: Theo ông, khu vực AĐD-TBD nên có những mô hình như thế nào để giải quyết các vấn đề an ninh?
+ ThS. Lục Minh Tuấn: Khu vực AĐD-TBD hiện nay hội tụ gần như đầy đủ các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống. Cả hai xu hướng: cạnh tranh về tập hợp lực lượng giữa các cường quốc đối trọng lẫn nhau; và thiết lập các mạng lưới liên kết nhằm ứng phó các thách thức an ninh xuyên quốc gia đang cùng tồn tại và đan cài lẫn nhau.
Hiện đang tồn tại mô hình hợp tác an ninh các nước lớn như Bộ tứ Mỹ - Nhật - Ấn - Úc (QUAD), Mỹ - Anh - Úc (AUKUS), cơ chế hợp tác ba bên Mỹ - Nhật – Hàn, hay các sáng kiến toàn cầu của TQ… Các mô hình an ninh này có dấu hiệu tập trung tập hợp lực lượng đối trọng lẫn nhau và phân bổ vào nhiều lĩnh vực vượt trội so với mặt bằng công nghệ chung của cả khu vực.
Trong khi đó, các mô hình hợp tác an ninh giữa các nước nhỏ như ASEAN, Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương (IORA), Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình dương (PIF)… vẫn gặp giới hạn ở các chương trình nghị sự mang tính đặc thù mỗi khu vực tương ứng, do đó khó gắn kết.
Một phương án liên kết cả hai nhóm nước nhỏ và nước lớn, mang tính kết nối liên khu vực và có chương trình nghị sự bao trùm cả các vấn đề an ninh phi truyền thống lẫn an ninh truyền thống đang trở thành mô hình phức hợp cấp thiết lúc này.
. Vậy các thành tố nào nên được đưa vào các mô hình hợp tác an ninh đó để tăng cường ổn định và hợp tác khu vực, thưa ông?
+ Mô hình phức hợp kể trên nên thỏa mãn bốn yếu tố: Không tạo nên tâm lý đối trọng với bất kỳ quốc gia nào; Cân bằng được tỉ lệ phù hợp giữa các nội dung hợp tác an ninh truyền thống với an ninh phi truyền thống; Ưu tiên cho những vấn đề mang tính toàn cầu hoặc nhóm lợi ích an ninh chung của cả khu vực AĐD-TBD; Tận dụng được tối đa các nguồn lực của thế giới trong từng lĩnh vực hợp tác cụ thể.
Mô hình trên cần bao gồm bốn thành phần: Nhóm 1 - các nước nhỏ có sự gắn kết địa lý hoặc cùng gặp thách thức an ninh chuyên biệt sẽ đóng vai trò chuyên trách thiết lập chương trình nghị sự cho từng lĩnh vực hợp tác cụ thể. Nhóm 2 - các tổ chức khu vực sẵn có như ASEAN, IORA, PIF… đóng vai trò nòng cốt, kết nối các nước thuộc Nhóm 1 vào một tổng thể nghị sự chung phản ánh lợi ích của số lượng lớn các nước nhỏ ở AĐD-TBD. Nhóm 3 - các nước lớn ở vòng ngoài tham gia vào mỗi cơ chế hợp tác mở rộng cụ thể do các nước nhỏ đặc trách. Nhóm 4 - các tổ chức quốc tế cũng như các sáng kiến toàn cầu của các cường quốc phù hợp với lĩnh vực đặc trách của các nước nhỏ.
. Theo ông đâu là những thách thức trong việc phát triển các mô hình hợp tác an ninh này?
+ Việc thiết lập mô hình an ninh tổng thể kể trên không tránh khỏi ba thách thức. Sự khác biệt trong chương trình nghị sự đã có giữa các tổ chức khu vực điển hình như ASEAN, IORA hay PIF, khiến quá trình thống nhất hoạt động của Nhóm 2 có thể kéo dài.
Sự chênh lệch trình độ công nghệ cũng như nguồn lực từ các nước lớn ở Nhóm 3 đối với các nước nhỏ đặc trách dễ ảnh hưởng đến vai trò điều phối trong mỗi lĩnh vực cụ thể của Nhóm 1.
Sự vượt trội về ảnh hưởng của các nước lớn ở Nhóm 3 có thể kết hợp với Nhóm 4 để tạo nên sự cạnh tranh lẫn nhau và gây chia rẽ các nước nhỏ trong Nhóm 1 và Nhóm 2.
Từ đó có thể thấy rằng sự đoàn kết giữa các nước nhỏ đang ngày càng có vai trò cực kỳ quan trọng trong các cấu trúc an ninh phức hợp sắp định hình.
Hợp tác nhóm có gây chia rẽ, đối đầu?
. Ở khu vực AĐD-TBD đã xuất hiện các nhóm nước hợp tác với nhau. Theo ông, mục tiêu hàng đầu của những hình thức hợp tác này có phải đảm bảo an ninh?
+ Sự xuất hiện các mô hình hợp tác gồm một số bên trực tiếp liên quan trong một vấn đề cụ thể (hợp tác nhóm) đại diện cho chủ nghĩa tiểu đa phương (minilateralism) thực tế không mới ở khu vực này. Bên cạnh các khối như QUAD, AUKUS, cơ chế hợp tác tuần duyên giữa năm nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Philippines, Brunei và Việt Nam), trước đây đã có Khu vực Tăng trưởng Đông ASEAN (BIMP-EAGA) hay tam giác phát triển CLV (Campuchia – Lào – Việt Nam).
Chiếu theo tổng thể mô hình an ninh phức hợp đã nói ở trên, sự tiếp tục phát triển của các chủ nghĩa tiểu đa phương thực tế chỉ giúp chuyên môn hóa và nâng cao các hợp tác đặc thù trong phạm vi một khu vực cụ thể thuộc nhóm các nước nhỏ. Dĩ nhiên, tác động tiêu cực sẽ xảy ra nếu các hợp tác nhóm này không được gắn kết theo một chương trình nghị sự chung của các tổ chức khu vực sẵn có hoặc ít nhất thuộc kế hoạch của tổ chức khu vực mà họ đang làm thành viên.
. Có ý kiến rằng hình thức hợp tác nhóm này có thể đang đẩy nhanh quá trình rạn nứt của châu Á theo hướng: một bên do Mỹ lãnh đạo, một bên do Trung Quốc lãnh đạo, và có thêm một bên mới nào đó do các cường quốc khu vực lãnh đạo. Ông nghĩ sao về điều này?
+ Trong bối cảnh tính đa dạng về lợi ích ở khu vực AĐD-TBD ngày càng phát triển dựa trên lợi ích ngày càng phức tạp của nhóm các nước nhỏ, cùng sự leo thang căng thẳng và đối trọng lẫn nhau giữa nhóm các nước lớn trong và ngoài khu vực, sự gia tăng ảnh hưởng của chủ nghĩa đa phương (multilateralism) hoặc tiểu đa phương (minilateralism) lên chính sách đối ngoại của các nước là tất yếu.
Xu hướng này sẽ mang đậm tính chất đa phương hóa, đa dạng hóa nhiều hơn so với tư duy “chọn phe” trước đây. Việc một nước chọn ngả về một bên bất kỳ trong bối cảnh cạnh tranh ảnh hưởng chiến lược ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và TQ chắc chắn sẽ khiến quốc gia đó mất đi cơ hội nhận đầu tư thương mại, viện trợ tài chính, trao đổi công nghệ và tiếp cận thị trường thương mại quốc tế từ bên còn lại.
Do đó, chỉ trừ một vài thiểu số các chủ thể có hoàn cảnh đặc biệt buộc phải chọn phe, hầu hết các nước hiện đều chủ trương không chọn phe, cân bằng ảnh hưởng cả Mỹ và TQ để tận dụng tối ưu các lợi thế kinh tế, quân sự, công nghệ…từ hai cường quốc nổi trội này.
Mỹ - Trung và việc xây dựng an ninh khu vực
. Sự tham gia của các cường quốc có ý nghĩa thế nào với Đối thoại Shangri-La, đặc biệt là trong việc phát triển các mô hình hợp tác an ninh mới, thưa ông?
+ Sự tham gia của các cường quốc, đặc biệt các đại diện cấp cao Mỹ và TQ tuy sẽ dẫn đến ba thách thức định hình các quỹ đạo ảnh hưởng đối trọng lẫn nhau nhưng đồng thời cũng cho phép các nước nhỏ có thêm nhiều cơ hội mới. Trong đó quan trọng nhất vẫn là khả năng tiếp cận mở rộng với các năng lực công nghệ, vốn đầu tư, hỗ trợ tài chính cũng như học hỏi kinh nghiệm tổ chức và triển khai các sáng kiến có quy mô liên khu vực trong một số lĩnh vực đặc thù như an ninh hàng hải, an ninh năng lượng, an ninh chuỗi cung ứng,…
Thêm vào đó, sự xuất hiện cùng lúc của nhiều cường quốc tại Đối thoại Shangri-La lần này với nhiều lập trường đa dạng, khác biệt khiến cho các tranh luận không còn tập trung vào bất kỳ cặp đối trọng nào (điển hình là Mỹ - Trung) mà chia đều thời lượng cho ý kiến dung hòa hơn đến từ các cường quốc còn lại.
"Nhìn chung, sự tham gia của các cường quốc tạo ra nhiều cơ hội hơn thách thức, do đó vẫn rất cần thiết cho việc phát triển các mô hình hợp tác an ninh mới" - Ths Lục Minh Tuấn.
. Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI) của TQ có tác động gì tới an ninh khu vực, thưa ông?
+ Đối thoại Shangri-La năm nay có một phiên họp tập trung vào các sáng kiến toàn cầu của TQ, bao gồm cả Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI), Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI) và Sáng kiến Văn minh Toàn cầu (GCI). Trong đó, sáng kiến GSI dường như vẫn đang thu hút lớn nhất sự quan tâm của dư luận vì mặc dù chỉ mới phát động từ tháng 4-2022 nhưng chưa đầy một năm sau đã thu hoạch nhiều thành tựu đáng ghi nhận.
Tài liệu khái niệm về sáng kiến GSI được phía TQ chính thức công bố vào tháng 2 tại Diễn đàn An ninh Lam Sảnh (Lanting) cùng nỗ lực hòa giải ấn tượng của TQ đối với cặp quan hệ Saudi Arabia-Iran vào tháng 4 cho thấy nước này muốn đóng góp vào quá trình giải quyết xung đột tại các điểm nóng nói chung trên thế giới.
Vì thế, sự đóng góp của sáng kiến GSI hiện tại vẫn mang tính tích cực và giúp tuyên truyền cho hình mẫu “nước lớn có trách nhiệm” mà TQ đang xây dựng. Đây cũng là định hướng phù hợp với các tuyên bố gần đây của các khối QUAD và AUKUS khi cả hai nhóm này đều phủ nhận các mục tiêu đối trọng với TQ mà tập trung vào các nội dung an ninh phi truyền thống nhằm phát triển sự thịnh vượng chung ở AĐD-TBD.
Điểm quan ngại duy nhất chính là lập trường “viễn giao cận công” của TQ, nghĩa là nước này sẽ xây dựng hình ảnh tích cực ở các khu vực ở xa nhằm giảm thiểu áp lực khi thu lợi ích ở khu vực láng giềng. Do đó, cần phải phân định rõ các tác động tích cực của sáng kiến GSI sẽ không làm giảm đi các động thái quyết đoán của TQ đối với các khu vực láng giềng mà nước này đang có ảnh hưởng.
. Xin cảm ơn ông.
ASEAN khuyến khích hợp tác đa quốc gia
Tại Đối thoại Shangri-La 2023, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia - ông Tea Banh cho biết năm ngoái Campuchia đã có đề xuất liên quan sự hợp tác giữa Lực lượng Phòng vệ các nước ASEAN trong việc ngăn chặn đại dịch xuyên biên giới. Campuchia và Singapore cũng đồng chủ trì sự kiện Tầm nhìn Phnom Penh về các phương pháp hỗ trợ phục hồi sau đại dịch.
Theo ông Tea Bank, những điều này có thể được coi là hình mẫu cho nỗ lực khuyến khích hợp tác đa quốc gia trong tương lai, vì lợi ích quốc gia và lợi ích chung giữa các nước.
Chia sẻ quan điểm về hợp tác an ninh, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen nhận định tuy quan hệ Mỹ-Trung đóng vai trò cốt yếu đảm bảo an ninh khu vực AĐD-TBD, song các nước khác cũng quan trọng không kém. Các kênh giao tiếp – chính thức và không chính thức – phải tồn tại để giảm leo thang và tránh xung đột khi có sự cố xảy ra.
Ông Ng Eng Hen nhấn mạnh rằng các nước ASEAN đã tìm cách xây dựng lòng tin với đối tác (trong đó có Mỹ, TQ) và ngăn chặn xung đột thông qua Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+). Trong khuôn khổ ADMM+, ASEAN tăng cường các hoạt động đa phương có sự tham gia của tất cả tám nước đối tác, nhằm tăng cường hợp tác thực tế để giảm nguy cơ xảy ra tai nạn và tính toán sai lầm.
Có thể thấy đây là mô hình an ninh hiệu quả khi đạt một số thành tựu nhất định, chẳng hạn xây dựng được Bộ quy tắc về các cuộc chạm trán ngoài ý muốn trên biển (CUES). Cùng quan điểm, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles nhấn mạnh rằng mô hình hợp tác an ninh đầu tiên nên nhắc đến là ASEAN, và các diễn đàn liên quan như Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) và ADMM+.
Nguồn PLO: https://plo.vn/can-mo-hinh-an-ninh-moi-khu-vuc-chau-a-thai-binh-duong-post736079.html