Cần 'mở' hơn để khơi thông dòng trái phiếu phát hành đại chúng

Để bù đắp thiếu hụt thanh khoản thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và mở lối huy động vốn cho ngân hàng, doanh nghiệp và nhiều chuyên gia kiến nghị phải có giải pháp mạnh hơn để khuyến khích phát hành trái phiếu ra công chúng.

Bức tranh đối lập giữa trái phiếu phát hành đại chúng và riêng lẻ

Tổng giá trị trái phiếu ra thị trường năm 2024 khoảng 485.000 tỉ đồng, tăng 40,5% so với năm 2023, theo thống kê của VIS Rating tính tới ngày 6-1-2025. Trong đó, giá trị trái phiếu phát hành riêng lẻ đạt 439.000 tỉ đồng, tăng 42% so với năm 2023 và đóng góp 90,5% vào tổng giá trị phát hành cả năm 2024. Giá trị trái phiếu phát hành đại chúng khoảng 46.000 tỉ đồng, tăng 27,7% so với năm 2023 và chiếm 9,5% tổng giá trị phát hành cả năm 2024.

Với kết quả trên, sản phẩm trái phiếu phát hành đại chúng ghi nhận năm tăng trưởng thứ hai liên tiếp về giá trị phát hành, sau khi giảm từ mức 35.000 tỉ đồng năm 2021 xuống 23.000 tỉ đồng năm 2022. Thế nhưng, có một thực tế là dù liên tục tăng tưởng về giá trị phát hành, giá trị trái phiếu phát hành đại chúng/tổng giá trị phát hành luôn thấp hơn 10%, tính từ năm 2019 tới nay, theo thống kê của VIS Rating.

Phân loại theo tổ chức phát hành, ngân hàng là nhóm dẫn đầu thị trường, với giá trị trái phiếu tăng vốn cấp 2 phát hành ra công chúng đạt 37.000 tỉ đồng trong năm 2024, tăng 43% so với năm trước, nhờ sự tham gia tích cực của các đơn vị như Bac A Bank, Bao Viet Bank, Kien Long Bank, HDBank và MB.

Nói về những khó khăn trong việc sơ phát hành trái phiếu ra công chúng, TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế chia sẻ, bản thân ông từng trao đổi với Vụ Quản lý chào bán chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - UBCKNN) và được biết thời gian xử lý xong một bộ hồ sơ phát hành trái phiếu ra công chúng khoảng 6-12 tháng. "Họ trả lời là chúng tôi có quá nhiều hồ sơ, không thể xử lý nổi", ông Nghĩa nhớ lại.

Với phía doanh nghiệp, ông Nghĩa cũng nêu tình trạng một số tập đoàn lớn, có uy tín tại một số thị trường khu vực và quốc tế nhưng buộc phải phát hành trái phiếu riêng lẻ ở thị trường trong và ngoài nước với lãi suất rất cao, vì “chưa đủ đẳng cấp phát hành ra công chúng ở Việt Nam”. “Nếu nộp hồ sơ phát hành ra công chúng ở Việt Nam thì họ sẽ mất toàn bộ cơ hội kinh doanh", ông Nghĩa nói.

Quy định pháp lý mới khiến các nhà tạo lập bất động sản khó tham gia phát hành trái phiếu đại chúng hơn. Ảnh: N.K

Quy định pháp lý mới khiến các nhà tạo lập bất động sản khó tham gia phát hành trái phiếu đại chúng hơn. Ảnh: N.K

Đề cập về việc khâu thẩm định trái phiếu phát hành ra công chúng gây "ách tắc" cho kênh này, một lãnh đạo Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) từng thừa nhận trách nhiệm của cơ quan thẩm định rất lớn.

Theo đó, cán bộ thẩm định đưa ra quyết định chủ yếu dựa trên trên báo cáo tài chính và số liệu do doanh nghiệp cung cấp. Trong khi đó, hoạt động sản xuất - kinh doanh thì muôn hình vạn trạng, có thể doanh nghiệp hiện đang hoạt động rất tốt nhưng điều kiện thị trường xấu đi sau 5-6 tháng. Đây là những yếu tố cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan thẩm định không lường trước được.

Bên cạnh yếu tố trên, điều kiện để phát hành trái phiếu công chúng, theo quy định tại Luật Chứng khoán 2019, cũng khắt khe hơn nhiều so với phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Cụ thể, hoạt động kinh doanh của tổ chức phát hành trong hai năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán. Ngược lại, nhiều đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ lớn được thực hiện bởi những doanh nghiệp ít tên tuổi, thông tin hạn chế, thậm chí một số mới thành lập chưa đến một năm.

Với Luật chứng khoán (sửa đổi) và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 155/2020, cơ quan quản lý không siết chặt thêm điều kiện phát hành trái phiếu ra công chúng song cũng chưa có động thái “mở” thêm với lĩnh vực này.

Chẳng hạn, quy định về tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu không quá bốn lần có thể khiến nhiều doanh nghiệp trong các ngành sử dụng đòn bẩy tài chính cao như bất động sản, xây dựng, dịch vụ… không đủ điều kiện chào bán trái phiếu, qua đó ảnh hưởng đến nguồn cung trên thị trường.

Xét duyệt phát hành trái phiếu cần đơn giản hơn

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần khuyến khích hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng, với những quy định xét duyệt phát hành trái phiếu đơn giản hơn. Tại dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2020 đang lấy ý kiến góp ý, thời hạn để tổ chức đăng ký niêm yết phải đưa trái phiếu vào giao dịch tính từ ngày được chấp thuận niêm yết, đã được điều chỉnh giảm từ 90 ngày xuống 30 ngày.

Điều này, theo ông Nghiêm Xuân Huy, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc VNSC, sẽ giúp thị trường trở nên linh hoạt và hỗ trợ nhiều hơn cho các trái chủ sở hữu trái phiếu đã chào bán ra công chúng.

TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, cơ quan quản lý đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ phát hành hoặc nếu hồ sơ không đạt cũng cần có câu trả lời sớm cho nhà phát hành trong vòng 1-2 tuần. “Đó là kỷ luật công vụ. Làm được điều này sẽ giúp thị trường cải thiện cả về chất và lượng", ông nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc Fiin Ratings, khuyến nghị Việt Nam học hỏi một số mô hình trong khu vực. Tại Malaysia, nếu doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm AAA thì được phát hành ra công chúng và duyệt hồ sơ sau. Để có thể xếp hạng AAA thì hồ sơ phải chuẩn, doanh nghiệp tốt, rủi ro thấp và trách nhiệm của cơ quan xếp hạng tín nhiệm rất quan trọng

"Lúc đó, nhà phát hành có thể được miễn nhiều thủ tục trong hoàn thiện hồ sơ, rà soát hồ sơ. Sau đó, đương nhiên cơ quan nhà nước vẫn hậu kiểm", ông Thuân nói.

Với điều kiện hệ số nợ khi phát hành trái phiếu ra công chúng, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc, chỉ coi đây như một tiêu chí sàng lọc rủi ro đầu vào và xem xét phạm vi khái niệm nợ làm căn cứ tính hệ số nợ.

Theo VCCI, dự thảo nghị định xác định khái niệm nợ bao gồm toàn bộ nợ phải trả của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, phần chỉ tiêu nợ phải trả trên báo cáo tài chính có rất nhiều khoản mục, gồm nợ vay; nghĩa vụ không mang tính chất nợ như người mua trả tiền trước, doanh thu chưa thực hiện; các khoản quỹ như quỹ khen thưởng, phúc lợi, quỹ bình ổn giá…

Do đó, phạm vi xác định nợ là quá rộng, gồm nhiều khoản khác nhau nhưng không mang tính chất nợ hay các khoản quỹ nên cần thay đổi để tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng.

Vân Phong

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/can-mo-hon-de-khoi-thong-dong-trai-phieu-phat-hanh-dai-chung/