Cần mở rộng vùng trồng vú sữa Vĩnh Kim
Bảo tồn, nhân giống và mở rộng vùng trồng cây bản địa có giá trị cao để phát triển kinh tế địa phương như cây vú sữa lò rèn là yêu cầu đặt ra trong chính sách phát triển đa dạng sinh học
Trong 11 kỷ lục châu Á về ẩm thực, đặc sản Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục châu Á công bố xác lập lần III - 2022 có vú sữa lò rèn Vĩnh Kim (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Thế nhưng, cây vú sữa làm nên thương hiệu quốc tế này đang mất dần trên chính quê hương của nó.
Từng xuất khẩu sang Mỹ
Theo các nhà nghiên cứu, cây vú sữa xuất hiện trên vùng đất Tiền Giang vào những năm đầu của thế kỷ XX. Do thổ nhưỡng thích hợp, cây phát triển tốt và cho quả ngọt, thơm ngon, nổi tiếng trong và ngoài nước, đặc biệt là vú sữa trồng ở đất Vĩnh Kim nức tiếng thương hiệu vú sữa "lò rèn".
Năm 2005, HTX Vú sữa lò rèn Vĩnh Kim được thành lập, có đến 102 xã viên, chuyên canh 55,3 ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP, sản lượng bình quân đạt khoảng 500 tấn/năm. Năm 2008, vú sữa lò rèn Vĩnh Kim được chứng nhận Global GAP và là loại cây ăn quả nhận được chứng nhận này đầu tiên trên cả nước.
Vào năm 2011, diện tích trồng vú sữa ở đây lên đến 3.100 ha, sản phẩm xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
Tuy vậy, việc xuất khẩu cũng gặp thất bại không lâu sau đó. Nguyên nhân là do nhà xuất khẩu tuyển chọn sản phẩm đạt chất lượng chỉ chiếm khoảng 20%-30% sản lượng. Còn hàng "dạt" phải bán giá trôi nổi ở thị trường nội địa, "rẻ như bèo". Từ đó, nông dân bắt đầu chán nản và không còn mặn mà với cây vú sữa nữa.
Năm 2017, lô vú sữa đầu tiên tại tỉnh Tiền Giang xuất khẩu đi Mỹ. Đây là cơ hội để địa phương "vực dậy" diện tích trồng loại cây đặc sản này. Một dự án khôi phục cây vú sữa lò rèn được tỉnh Tiền Giang xây dựng và triển khai với kinh phí trên 30 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau đó, do nông dân không đồng thuận nên dự án thất bại.
Ông Huỳnh Văn Thọ (ngụ xã Long Hưng, huyện Châu Thành) cho biết gia đình ông trồng 0,4 ha vú sữa lò rèn. Sau 7 năm, cây ra trái xum xuê. Lúc này, vú sữa ào ạt xuất sang Mỹ. Vườn ông được chọn thí điểm để tuyển chọn trái đạt chuẩn xuất khẩu. Gia đình ông cùng với ngành chuyên môn bắt tay vào quy hoạch, cải tạo vườn và áp dụng các quy trình kỹ thuật đúng theo tiêu chuẩn xuất khẩu.
"Tuy vậy, việc xuất khẩu sang thị trường Mỹ cũng thất bại sau đó trong khi giá bán ở thị trường trong nước quá thấp suốt thời gian dài. Thấy không hiệu quả, tôi đành phá bỏ toàn bộ diện tích vú sữa từng tâm huyết để chuyển sang trồng bưởi da xanh" - ông Thọ tiếc nuối.
Ông Huỳnh Văn Bé Hai, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, cho biết HTX Vú sữa lò rèn Vĩnh Kim ra đời năm 2005 nhưng đến năm 2018 đã giải thể do cây vú sữa không đem lại thu nhập cao cho người trồng, bên cạnh phát sinh bệnh thối rễ làm cây chết hàng loạt. Mặt khác, do chính sách hỗ trợ nông dân chưa thỏa đáng cũng đã góp phần làm cho người trồng không mặn mà.
Nỗ lực bảo tồn giống, nhân rộng vùng trồng
Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, khẳng định mặc dù dự án khôi phục cây vú sữa đã thất bại do nông dân không còn mặn mà nữa nhưng ngành nông nghiệp địa phương vẫn quan tâm tập huấn, tuyên truyền quy trình quản lý sâu bệnh, đặc biệt là bệnh khô cành, thối rễ trên cây vú sữa, thực hành các mô hình quản lý bệnh khô cành, thối rễ trên cây vú sữa cho bà con.
Tỉnh cũng đầu tư hệ thống đê bao ngăn mặn, trữ ngọt và nạo vét kênh mương nội đồng; vận động doanh nghiệp liên kết với nông dân để hình thành chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm...
"Hệ thống thủy lợi, cống điều tiết nước chưa bảo đảm; giá bán thấp một thời gian dài, người nông dân thua lỗ; canh tác chưa đúng kỹ thuật; hạn hán, xâm nhập mặn ngày một sâu là những nguyên nhân góp phần khiến cho diện tích trồng cây vú sữa của địa phương ngày một giảm" - ông Mẫn nhận định.
Trước thực trạng trên, tỉnh Tiền Giang đã có nhiều giải pháp nhằm khôi phục lại diện tích trồng; bảo tồn giống, phục hồi thương hiệu vú sữa lò rèn với mục tiêu cụ thể là xây dựng vườn sản xuất mới, kiểu mẫu; áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật quản lý tốt bệnh khô cành, thối rễ; đầu tư hạ tầng, nạo vét các kênh chính, đầu tư xây dựng các cống đầu kênh, xây dựng trạm bơm điện... để giúp tăng năng suất và chất lượng trái, cải thiện thu nhập cho người trồng.
Ông Huỳnh Văn Bé Hai, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, cho biết diện tích vú sữa lò rèn Vĩnh Kim trên địa bàn huyện hiện chỉ còn khoảng 50-60 ha. Cây vú sữa đã được trồng rất nhiều tại tỉnh Sóc Trăng và TP Cần Thơ nên sau khi thu hoạch, người dân chở về Vĩnh Kim để gắn thương hiệu vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, đóng gói và xuất bán. "Thời gian qua, tỉnh triển khai đề án Khôi phục cây vú sữa lò rèn nhưng chưa mang lại hiệu quả, dù lãnh đạo tỉnh và huyện rất quyết tâm. Thực tế cho thấy chính sách hỗ trợ người trồng chưa thỏa đáng, không thực hiện được nên người dân đã chuyển sang cây trồng khác" - ông Huỳnh Văn Bé Hai bày tỏ.
Vú sữa (tên khoa học là chrysophyllum cainino) có nguồn gốc từ vùng châu Mỹ, phù hợp khí hậu nhiệt đới nên được du nhập Việt Nam từ khá lâu, chủ yếu trồng ở những tỉnh phía Nam.
Vú sữa lò rèn (Tiền Giang) nức danh khắp cả nước bởi hương vị đậm đà khó quên... Sở dĩ có cái tên vú sữa "lò rèn" là do người dân xứ Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang muốn ghi nhớ công ơn của ông thợ rèn đã nhân giống vú sữa thơm ngon cho vùng đất này.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/kinh-te/can-mo-rong-vung-trong-vu-sua-vinh-kim-2022090620370556.htm