Cần một bộ tiêu chí khoa học hơn trong công tác giảm nghèo bền vững

Xây dựng bộ tiêu chí khoa học, phù hợp để phân định khu vực, đối tượng được hưởng chính sách thụ hưởng… từ đó mới có thể đạt đến mục tiêu ' không để ai bị bỏ lại phía sau'.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chương trình mục tiêu phát triển quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã đi được một chặng đường. Đây là chương trình lớn, thực hiện ở địa bàn rất khó khăn, phức tạp. Các dự án, chính sách được tích hợp vào chương trình bao gồm cả chính sách của giai đoạn trước vì thế dẫn đến nhiều vướng mắc, khó khăn, triển khai còn chậm.

VÌ SAO XUẤT HIỆN TÂM LÝ KHÔNG MUỐN THOÁT NGHÈO?

Nhìn thẳng vào những khó khăn, vướng mắc, tập trung vào giải pháp nhằm giúp đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi thoát nghèo bền vững là bài toán cần lời giải trong thời gian tới. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã đề cập đến việc xây dựng bộ tiêu chí khoa học, phù hợp hơn.

Tại nghị trường, đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, chỉ ra một thực trạng, đó là hiện nay, không những đồng bào dân tộc mà cả đồng bào Kinh có tâm lý không muốn thoát nghèo, không muốn thoát hộ cận nghèo. Tâm lý không muốn thoát nghèo đã diễn ra nhiều nơi, khắp cả nước dẫn đến việc giảm nghèo rất khó khăn.

Trả lời chất vất trước Quốc hội, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, Ủy ban Dân tộc không phải là cơ quan đánh giá chính thức nguyên nhân này. Nhưng qua quá trình nghiên cứu các tài liệu của các bộ, ngành liên quan, các địa phương và quá trình thực tế ở địa phương cho thấy hiện tượng này là có thật. Nguyên nhân đến từ ba yếu tố.

Thứ nhất, mặc dù theo tiêu chí thì người dân đã thoát nghèo, nhưng trong cuộc sống thực tế vẫn rất khó khăn, vì ở địa bàn đó và nơi họ đang sinh sống cũng rất khó khăn. Nói về thu nhập, tiêu chí mới thoát nghèo ở vùng nông thôn là 1 triệu rưỡi, nhưng cận nghèo là 1,6 triệu thì khoảng hơn 2 triệu, 1 triệu rưỡi và 1,6 triệu là nói về tiêu chí thu nhập.

Còn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thì cơ bản là đã được đầu tư, nhưng chất lượng ở các nơi có thể chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân. Họ cũng băn khoăn, nếu thoát nghèo thì có khi mình không được hưởng nữa.

Thứ hai là hệ thống chính sách. Nếu đang còn là hộ nghèo thì còn được hưởng các chính sách cho cả con, cả chính sách đầu tư, chính sách hỗ trợ, nếu thoát nghèo thì sẽ không được hưởng tiếp nữa. Đấy là những lý do hết sức cơ bản.

Thứ ba là hệ thống tiêu chí về giảm nghèo còn phụ thuộc vào điều kiện của đất nước, còn phụ thuộc vào yếu tố phát triển từng giai đoạn của đất nước, vì vậy, cần xây dựng hệ thống tiêu chí phù hợp, tổng hợp. Đồng thời, tiến tới phải tính toán để có hệ thống tiêu chí phù hợp hơn để người thoát nghèo yên tâm không bị tái nghèo trở lại, người dân đảm bảo sống được và yên tâm ở địa phương.

“Còn những tâm tư khác có lẽ cần phải đánh giá, khảo sát thêm. Để giải quyết vấn đề này cần phải có nhiều biện pháp tổng hợp. Nguyên tắc, tiêu chí giảm nghèo của chúng ta được ban hành thì cả nước đều phải chấp hành. Phải hết sức khách quan để thống kê, tổng hợp, nhất là trách nhiệm của các địa phương khi rà soát, đánh giá hộ nghèo.

Làm sao để hộ thoát nghèo cũng đảm bảo được điều kiện sống tối thiểu khi họ sinh sống ở vùng còn nghèo thì vẫn sẽ yên tâm. Đấy là giải pháp về mặt kinh tế - xã hội. Giải pháp về mặt tuyên truyền, thuyết phục, vận động nhân dân để bà con hiểu được chính sách của Đảng, Nhà nước. Trong thực tế các địa phương cũng có rất nhiều trường hợp tự nguyện, có khi là xin ra khỏi hộ nghèo. Đấy là những tấm gương mà chúng ta cần phải tập trung tuyên truyền thêm”, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết thêm.

CẦN BỘ TIÊU CHÍ KHOA HỌC HƠN

Phiên chất vấn tại nghị trường, các ý kiến của đại biểu cũng đề cập đến việc xác định vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phân định các xã theo 3 khu vực.

Hiện nay, việc phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện theo trình độ phát triển để nhằm xác định các thôn, xã đặc biệt khó khăn làm địa bàn tập trung trọng tâm, trọng điểm để đầu tư.

Việc phân định này dựa trên một số tiêu chí. Đối với nhóm vùng đồng bào dân tộc thiểu số là những xã, thôn có 15% người dân tộc thiểu số trở lên thì được xác định là xã hoặc thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với xã nghèo hoặc thôn nghèo là những xã có 15% tỷ lệ dồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại đây, là hộ nghèo trở lên. Việc phân định này sinh ra bất cập là khi xác định được xã nghèo, thôn nghèo. Còn những xã, thôn có tỷ lệ hộ nghèo dưới 15% không còn là xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn.

Điều này dẫn đến việc đại biểu Châu Quỳnh Giao, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang trăn trở, đồng bào dân tộc thiểu số vùng đồng bằng sông Cửu Long sống đan xen với dân tộc khác nên số lượng xã, ấp đạt tỷ lệ số hộ dân tộc thiểu số từ 15% trở lên là rất ít. Điều này khiến địa phương khó triển khai những chính sách thuộc Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong khi nhiều hộ dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.

Vậy quan điểm của Bộ trưởng về tiêu chí phân định như trên đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long như thế nào? Bộ trưởng có giải pháp gì để đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn được thụ hưởng những chính sách như chương trình đã ban hành để đạt tới mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau?”

Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, với những vùng dưới 15% vẫn có người dân tộc thiểu số sinh sống thì những địa bàn như vậy vẫn được hưởng các chính sách đối với con người, đối với nhóm dân tộc. Còn địa bàn xác định là xã vùng 3, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng cả chính sách cho địa bàn và hưởng cả chính sách cho con người. Nhóm không phải vùng đồng bào dân tộc thiểu số, không phải vùng đặc biệt khó khăn thì không hưởng chính sách cho địa bàn nhưng vẫn được hưởng các chính sách cho người dân tộc thiểu số và chính sách cho con người.

Chính sách cho con người trong đó có nhóm hộ nghèo, có nhóm không phải là hộ nghèo nhưng là người dân tộc thiểu số thì vẫn được hưởng các chính sách đó. Chỉ theo địa bàn là không được đầu tư, không được hưởng; còn các chính sách cho con người vẫn hưởng bình thường.

“Trong thời gian tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết giao cho Chính phủ và Chính phủ đã giao cho Ủy ban Dân tộc, chúng tôi sẽ đánh giá lại, phân định miền núi, vùng cao, đồng thời cũng đánh giá lại tiêu chí phân định 3 khu vực. Hiện nay, Ủy ban Dân tộc đang triển khai đánh giá này, phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các bộ, ngành liên quan và sẽ báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 9/2023. Trên cơ sở đánh giá các tiêu chí phân định này sẽ đề xuất những tiêu chí phân định mới, đảm bảo phù hợp, khoa học hơn trong giai đoạn mới”, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết.

Theo Bộ trưởng Hầu A Lềnh, dù chúng ta có chính sách đến đâu, chúng ta có nguồn lực nhiều đến đâu, nhưng nếu nhân dân không nhận thức được hoặc không tiếp nhận được và không đồng lòng cùng với Nhà nước để làm thì cũng sẽ không thành công. Cho nên vấn đề trăn trở nhất của Bộ trưởng là nhận thức của người dân và để người dân cảm nhận đây là chủ trương của Đảng, là chính sách của Nhà nước và trách nhiệm của người dân phải cùng chung tay để cùng làm.

Để giải quyết vấn đề này, không gì hơn là phải giáo dục, nhân dân phải biết kiến thức, phải biết tiếng Việt, phải biết về khoa học kỹ thuật, biết tất cả mọi thứ thì mới tiếp nhận được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; cộng với sự hỗ trợ từ chính sách, từ công tác tuyên truyền, vận động của các cơ quan, các đoàn thể tích hợp lại thì mới giải quyết được vấn đề.

Như Nguyệt

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/can-mot-bo-tieu-chi-khoa-hoc-hon-trong-cong-tac-giam-ngheo-ben-vung.htm