Cần một hiệp ước quốc tế ngăn chặn vũ khí sát thương tự động
Ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới ủng hộ xây dựng một hiệp ước quốc tế nhằm ngăn chặn cuộc chạy đua phát triển những loại vũ khí hoàn toàn tự động.
Sau khi khảo sát 97 quốc gia về quan điểm trong vấn đề sử dụng và phát triển vũ khí sát thương tự động, gọi chung là "người máy hủy diệt " (killer robots), tổ chức phi chính phủ Human Rights Watch (HRW)cho biết có khoảng 30 quốc gia trên thế giới mong muốn có một lệnh cấm quốc tế với các loại vũ khí dạng này. Thông báo ngày 10/8 của tổ chức này cũng nêu rõ hầu hết các quốc gia được khảo sát đều muốn có một hiệp ước duy trì quyền kiểm soát của con người trong sử dụng vũ khí tự động.
HRW cho rằng việc đưa các hệ thống vũ khí "lựa chọn và ngắm mục tiêu" vào sử dụng mà không có sự kiểm soát của con người là điều không thể chấp nhận được và cần phải ngăn chặn. Tất cả các quốc gia đều có trách nhiệm bảo vệ loài người trước nguy cơ trên bằng cách cấm hoàn toàn việc phát triển và sử dụng vũ khí tự động, đó là yêu cầu cấp thiết cả về đạo đức, pháp lý và là nghĩa vụ lương tâm.
Hiện nay, một số quốc gia trên thế giới đang đầu tư lớn cho việc phát triển các vũ khí tự động hoạt động trên không, trên biển và trên bộ. Dù hoạt động này chưa thực sự nở rộ, nhưng nhiều nước khác cũng đang bắt đầu nghiên cứu việc phát triển những loại vũ khí này.
Trong khi đó, ngày càng nhiều nước cùng nhận thức trách nhiệm hành động ngăn chặn hoàn toàn các loại vũ khí tự động. Nhiều chính phủ cùng quan ngại về việc đưa những loại máy móc này vào các cuộc xung đột, sát hại con người và mong muốn đảm bảo con người có quyền kiểm soát với những loại vũ khí này, tạo một nền tảng vững chắc cho một nỗ lực hành động chung để ngăn chặn nguy cơ trên.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lan rộng, cản trở các nỗ lực ngoại giao, con người cần được chuẩn bị và ứng phó khẩn cấp với những mối đe dọa từ bên ngoài, như các loại máy móc hủy diệt. Việc có một cơ chế quản lý những vũ khí này là điều không cần bàn cãi, nhưng vấn đề thời điểm và cách thức xây dựng cơ chế là điều cần phải sớm được đưa ra thảo luận. Ông Steve Goose, Giám đốc phụ trách lĩnh vực vũ khí của HRW, cảnh báo công nghệ rõ ràng đang vươn tới những lĩnh vực mà các nỗ lực ngoại giao có thể sẽ không mang lại kết quả và không thể theo kịp.
Khảo sát mang tên "Stopping Killer Robots" được chuẩn bị cho Hội nghị Công ước Liên hợp quốc về vũ khí thông thường (CCW) vốn dự kiến diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 17/8 tới. Tuy nhiên, hội nghị này được hoãn đến cuối năm nay do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới. Một lệnh cấm quốc tế các loại vũ khí sát thương tự động có thể được hình thành dưới dạng một nghị định thư CCW, hoặc một hiệp ước, tương tự như những sáng kiến đã giúp tạo ra hiệp ước cấm sử dụng mìn sát thương năm 1997 hay hiệp ước cấm bom bi năm 2008.