Cần một nghị định riêng dành cho các trường đại học tự chủ
Giáo sư Hoàng Văn Cường đề xuất không thu tiền sử dụng đất các cơ sở giáo dục đại học công lập, không phân biệt mức độ tự chủ tài chính, loại hoạt động.
Ngày 22/12, tại Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Câu lạc bộ Khối các trường đại học đã tự chủ thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã tổ chức tọa đàm khoa học “Đề xuất một số nội dung về cơ chế tự chủ đại học”.
Đến tham dự buổi tọa đàm có Tiến sĩ Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Nhà báo Nguyễn Tiến Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam; ông Phạm Ngọc Lan – Trưởng ban Công tác hội viên (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam).
Ngoài ra, đến tham dự buổi tọa đàm còn có hơn 20 thầy cô là chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng của các trường đại học đã tự chủ trong cả nước.
Đề xuất không thu tiền sử dụng đất đối với cơ sở giáo dục đại học công lập
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Giáo sư Hoàng Văn Cường – nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khối các trường đại học đã tự chủ cho biết, trên thế giới, mô hình đại học tự chủ được nhìn nhận là phương thức quản trị đại học tiên tiến, nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo.
Ở Việt Nam, tự chủ đại học là xu thế khách quan, đã được khẳng định trong chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước. Cho đến nay, trên cả nước đã có 23 trường đại học thực hiện mô hình tự chủ.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai tự chủ đại học trong thời gian vừa qua cũng đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế. Một số cơ sở giáo dục đại học chưa hoàn thành việc thành lập hội đồng trường; chậm kiện toàn các vị trí lãnh đạo chủ chốt; hội đồng trường ở một số nơi chưa phát huy đúng và đầy đủ vai trò, quyền hạn và trách nhiệm.
Việc thực hiện các nội dung tự chủ liên quan đến tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản còn nhiều vướng mắc. Một số trường đại học gặp khó khăn trong vấn đề tuyển sinh, nhất là ở một số ngành truyền thống và ngành đào tạo đặc thù.
Tỷ trọng quy mô đào tạo sau đại học giảm trong toàn ngành, nhất là ở các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật và công nghệ, dẫn tới nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực khoa học, công nghệ trình độ cao.
Nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế nêu trên, một phần do hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến tự chủ đại học còn chưa đồng bộ. Ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục đại học chiếm tỷ trọng thấp, và chưa được phân bổ theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng và hiệu quả theo quy định của Luật số 34/2018/QH14 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học).
Ngoài ra còn có nguyên nhân là do khả năng tiếp cận giáo dục đại học, nhất là cơ hội theo học ở các cơ sở giáo dục đại học tự chủ tài chính có mức học phí cao còn hạn chế đối với nhiều nhóm đối tượng sinh viên.
Dịp này, Giáo sư Hoàng Văn Cường đã có đề xuất hoàn thiện thể chế về giáo dục đại học và tự chủ đại học, nâng cao năng lực quản trị đại học và hiệu lực quản lý nhà nước; có cơ chế, chính sách phân bổ ngân sách cho giáo dục đại học cần tăng tỷ trọng chi cho giáo dục đại học đạt mức trung bình của các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Song song đó cũng cần có chính sách học phí và tài chính hỗ trợ người học; cơ chế và chính sách huy động nguồn lực xã hội, đặc biệt là không thu tiền sử dụng đất đối với tất cả các cơ sở giáo dục đại học công lập (không phân biệt mức độ tự chủ tài chính, loại hình hoạt động).
Cần có nghị định riêng dành cho các trường đại học tự chủ
Phát biểu tại tọa đàm, Giáo sư Nguyễn Minh Hà – Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, tự chủ đại học không phải chỉ là tự chủ về tài chính, mà còn tự chủ về bộ máy, tổ chức đào tạo…Hiện nay cũng chỉ mới có hướng dẫn của Nghị định 60/2021/NĐ-CP về tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, chứ cũng chưa có hướng dẫn cho các trường đại học làm đề án tự chủ đại học.
Đối với lao động là người nước ngoài làm việc tại các trường đại học tự chủ, căn cứ vào Nghị định 111/2022/NĐ-CP thì không ký kết hợp đồng lao động với người nước ngoài, nên thầy cô là người nước ngoài trường phải cắt hết. Còn nếu trường vẫn muốn ký với thầy cô người nước ngoài, thì phải xin giấy phép lao động cho người nước ngoài rất cực.
“Thầy cô người nước ngoài đến trường giảng dạy nhiều khi chỉ có 1 hay 2 học kỳ, mà đi xin giấy phép lao động thì rất cực, nhưng không có thì làm sao hội nhập quốc tế? “ – thầy Nguyễn Minh Hà đặt vấn đề.
Đồng thời, Giáo sư Nguyễn Minh Hà còn nêu lên vấn đề hợp tác quốc tế. Nhà trường muốn tổ chức các hội thảo quốc tế là phải xin phép trước tận 3 tháng, nên cũng rất khó cho nhà trường. Do đó, khi trường muốn tổ chức lại phải phối hợp với đơn vị đối tác.
Từ thực tiễn của trường mình, Phó Giáo sư Hồ Thủy Tiên – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Tài chính – Marketing Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, muốn làm một nhà giữ xe hay căng tin cho sinh viên trong trường cũng phải làm đề án cho thuê tài sản công, xong sau đó thông qua hội đồng trường rồi mới nộp lên cơ quan chủ quản.
Phó Giáo sư Hồ Thủy Tiên đặt vấn đề: “Như vậy thì tính tự chủ của một trường đại học nằm ở chỗ nào?”
Do có nhiều cơ chế trói buộc, nên một số đại biểu tham dự buổi tọa đàm này đã nhất trí là cần thiết có một nghị định riêng dành cho các trường đại học tự chủ, giảm tối thiểu nhất, hay xóa bỏ cơ chế xin cho.
Dịp này, Câu lạc bộ Khối các trường đại học đã tự chủ đã tiến hành kiện toàn ban chủ nhiệm câu lạc bộ.
Theo đó, vị trí Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khối các trường đại học đã tự chủ sẽ chuyển từ Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường sang Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Thọ - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Cũng trong đợt này, Câu lạc bộ Khối các trường đại học đã tự chủ đã trao hoa cho đơn vị đăng cai tọa đàm năm 2024 là Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.