Cần một tinh thần quyết liệt như chống dịch
Bình Thuận vừa đặt ra chỉ tiêu đón hơn 4,7 triệu lượt khách trong năm nay, trong đó có 247.000 khách quốc tế. Trong bối cảnh ở trong nước vừa kiểm soát thành công đợt bùng phát dịch thứ 3, trên thế giới nhiều nước (trong đó có Việt Nam) đang khẩn trương triển khai tiêm chủng vắc-xin.
Cần một tinh thần quyết liệt như
Chính phủ Việt Nam cũng đang chuẩn bị thực hiện “hộ chiếu vắc-xin” để mở cửa đón khách quốc tế trở lại.
Năm ngoái, dịch Covid-19 làm du lịch Bình Thuận thiệt hại trên 8.000 tỷ đồng (ước tính chưa đầy đủ). Làm gì để vực dậy ngành du lịch là vấn đề rất cấp thiết hiện nay (không chỉ với Bình Thuận). Nhiều chính sách, giải pháp quảng bá, khuyến mãi, kích cầu để thu hút khách nội địa đang được UBND tỉnh đề ra, trước mắt là nhằm vào dịp lễ 30/4, 1/5 và mùa du lịch hè tới. Không hy vọng các bãi biển sẽ đầy ắp du khách như những dịp lễ trước khi có dịch, nhưng đã có tín hiệu lạc quan khi lượng khách đến vào 2 ngày cuối tuần đang tăng dần.
Với khách quốc tế, hy vọng chiếc phao cứu sinh là “hộ chiếu vắc-xin” sẽ được quăng ra kịp thời để cứu lấy một mùa khách quốc tế không bị trắng tay như năm ngoái. Năm Covid-19 thứ 2, khó khăn đã lên tới đỉnh điểm, nhiều doanh nghiệp ở Bình Thuận đang mong chờ Chính phủ triển khai thực hiện sớm “hộ chiếu vắc-xin”. Khi ấy những người nước ngoài có chứng nhận đã tiêm chủng và xét nghiệm âm tính sẽ được nhập cảnh vào Việt Nam để làm ăn, đầu tư, du lịch. Nếu chính sách này được khởi động từ tháng 9, để đón mùa cao điểm khách quốc tế vào dịp Noel 2021 và tết 2022, thì du lịch trong đó có Bình Thuận sẽ phục hồi nhanh hơn và sớm hơn. Ngành du lịch - dịch vụ, hệ thống nhà hàng - khách sạn nhộn nhịp trở lại, không chỉ tạo ra việc làm, thu nhập cho hàng vạn lao động, mà còn tạo một “cầu” mới cho sản xuất phục hồi.
Kinh nghiệm năm 2020 cho thấy: Nhiều gói kích cầu du lịch hè - lễ - tết được triển khai rầm rộ, quy mô, nhưng du lịch mới “ngóc” đầu dậy lại bị một đợt dịch mới dập cho tê liệt. Vì vậy ai cũng hiểu con số 4,7 triệu lượt khách trong năm nay phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kiểm soát dịch Covid-19 ở trong nước và trên thế giới, và ngay ở Bình Thuận. Một yếu tố phải tính đến là túi tiền của người dân không được rủng rỉnh như xưa. Thế giới dự báo đại dịch Covid-19 sẽ kéo dài 1 - 2 năm nữa, xuất hiện nhiều biến chủng mới nguy hiểm hơn. Ở Việt Nam, nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ 4 vẫn luôn thường trực, do tình trạng nhập cảnh trái phép. Chính phủ chủ trương mở cửa nhưng phải an toàn, thận trọng, chắc chắn, có lộ trình từng bước một. Tóm lại để vực dậy ngành du lịch phụ thuộc nhiều yếu tố khách quan, cần chuẩn bị nhiều “kịch bản”, và một tinh thần quyết liệt như chống dịch vậy.
Trong khó khăn ấy, dư luận hoan nghênh việc Chủ tịch UBND tỉnh rất nhanh chóng chỉ đạo giải quyết hàng loạt kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Bình Thuận tại cuộc gặp mặt giữa lãnh đạo tỉnh với cộng đồng doanh nghiệp vừa qua. Đó không phải là những vấn đề thuộc “vĩ mô” như: Giảm thuế, gia hạn nợ, miễn đóng bảo hiểm, trợ cấp lao động thất nghiệp... mà là các kiến nghị sát sườn địa phương. Đó là xúc tiến đầu tư nâng cấp tuyến đường trọng điểm du lịch từ Hoàng Ngọc resort đến Mũi Né, cho đồng bộ với tuyến đường từ Đá Ông Địa đến Hoàng Ngọc resort đã được nâng cấp rất khang trang hồi năm ngoái; đó là chấn chỉnh ngay tình trạng các bãi tắm lôm côm, nhếch nhác do các cơ sở lưu trú Hàm Tiến mạnh ai nấy làm kè mềm, đồng thời xúc tiến đầu tư xây dựng tuyến kè biển kiên cố chống sạt lở ở khu vực này để phát triển du lịch bền vững; đó là tích cực tháo gỡ “điểm nghẽn” chồng lấn các dự án du lịch với quy hoạch titan...
Trong khó khăn vẫn ngời lên hy vọng du lịch Bình Thuận sẽ bật dậy mạnh mẽ, khi cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đã thông xe công vụ, sân bay Phan Thiết tuần tới khởi công, nhiều tuyến đường ven biển đang xây dựng nâng cấp... Du lịch nhất định trở thành một trụ cột chính của Bình Thuận trong tương lai.
Đặng Dũng