Cần nâng cao năng lực chế biến sâu và bảo quản nông sản sau thu hoạch
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị lãnh đạo các tỉnh Tây Bắc phải đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch sau sáp nhập đơn vị hành chính. Cần rà soát, quy hoạch lại từng xã để xác định các vùng trồng chủ lực, quy mô sản xuất phù hợp, từ đó định hướng lại và tích hợp vào quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp địa phương...
Sáng 2/7, tiếp nối diễn đàn Diễn đàn "Kết nối sản xuất và thương mại nông lâm sản các tỉnh Tây Bắc" diễn ra tại tỉnh Sơn La, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam đã đến dự lễ khánh thành dây chuyền đồ hộp giấy dành cho rau quả với công nghệ Thụy Điển đầu tiên trị giá 4 triệu USD tại Việt Nam. Hôm nay lô hàng ngô ngọt đóng gói trong bao bì giấy đầu tiên tại Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, mở ra hướng đi mới cho ngành rau quả Việt Nam.
Hiện nay, Sơn La là một trong những vùng nông sản lớn nhất cả nước. Những năm qua, tỉnh chú trọng ngành công nghiệp chế biến sâu, hướng tới xây dựng Sơn La trở thành trung tâm chế biến nông sản vùng Tây Bắc.
Đến năm 2025 toàn tỉnh có 560 nhà máy, cơ sở chế biến nông sản (trong đó có 17 nhà máy, 543 cơ sở); có trên 40 kho lạnh, góp phần kéo dài thời gian bảo quản, giảm thất thoát sau thu hoạch giảm áp lực tiêu thụ sản phẩm quả tươi.

Chế biến sâu giúp nâng cao giá trị sản phẩm cho bà con nông dân.
Nhờ tăng cường chế biến sâu, giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam liên tục tăng trưởng, góp phần quan trọng trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, hoạt động chế biến nông sản ở địa phương vẫn gặp nhiều hạn chế khiến tình trạng nông sản được mùa, mất giá vẫn diễn ra.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam cho rằng, cần nâng cao năng lực chế biến sâu và bảo quản sau thu hoạch, trong đó, các cơ quan quản lý và hợp tác xã cần tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp lớn để xây dựng hệ thống sơ chế, đóng gói, kho lạnh tại các hợp tác xã, tổ hợp tác và đại lý thu gom, bảo đảm chất lượng nông sản theo yêu cầu thị trường.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công khẳng định, tỉnh cam kết đồng hành với doanh nghiệp (Nhà máy chế biến nông sản Doveco ở tỉnh Sơn La, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thực phẩm Đồng Giao), phát triển Sơn La, nông nghiệp Sơn La theo hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ và hướng tới kinh tế tuần hoàn.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, đây là dây chuyền mới đảm bảo an toàn thực phẩm, với công suất 52 ngàn tấn/năm. Theo ông Nam, trước đây, Bộ NN&PTNT (cũ) đã có đề án phát triển cây ăn quả đến năm 2030, trong đó riêng Sơn La xây dựng đề án phát triển trên 80 ngàn ha cây ăn quả, sản lượng hàng năm trên 500 ngàn tấn.
Thứ trưởng Nam nhấn mạnh, sự kiện hôm nay tiếp tục khẳng định sự chỉ đạo, kêu gọi của tỉnh Sơn La về phát triển vùng nguyên liệu và xây dựng nhà máy chế biến sâu, nâng cao giá trị sản phẩm cho bà con nông dân. Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, đối với các tỉnh trung du miền núi phía Bắc có diện tích cây ăn quả trên 275 ngàn ha, đứng thứ hai cả nước, sau đồng bằng sông Cửu Long, nên có lợi thế rất lớn để các tỉnh phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến sâu, nâng cao giá trị sản phẩm.
Không riêng gì Doveco mà rất nhiều doanh nghiệp hàng đầu khác của Việt Nam đã lên Sơn La. Đây là minh chứng khẳng định với chủ trương cởi mở của Sơn La đã thu hút nhiều doanh nghiệp vào đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến ở Sơn La.
Ông Nam cũng đề nghị lãnh đạo các tỉnh Tây Bắc phải đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch sau sáp nhập đơn vị hành chính. Cần rà soát, quy hoạch lại từng xã để xác định các vùng trồng chủ lực, quy mô sản xuất phù hợp, từ đó định hướng lại và tích hợp vào quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp địa phương...