Cần nâng cao 'sức đề kháng' cho người dân khi lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi

Trước nạn lừa đảo ngày càng tinh vi trên không gian mạng, ngoài biện pháp kỹ thuật, việc nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng là hết sức quan trọng.

Đây là nhấn mạnh của Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - ông Lê Quang Tự Do tại họp báo thường kỳ quý II năm 2025 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chiều ngày 24/7.

Thời gian qua các hình thức lừa đảo trực tuyến đang gia tăng mạnh mẽ cả về quy mô và mức độ tinh vi. Cụ thể, tình trạng xuất hiện các tài khoản giả mạo doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, người nổi tiếng trên nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube có dấu hiệu gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi đã khiến không ít người dân mất tiền oan, thậm chí phá sản.

Đánh giá từ các cơ quan chức năng, hiện tượng này nổi lên mạnh mẽ trong khoảng ba năm trở lại đây và đã trở thành một hình thức lừa đảo có tổ chức, thậm chí mang tính xuyên quốc gia.

Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - ông Lê Quang Tự Do. Ảnh: Lê An

Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - ông Lê Quang Tự Do. Ảnh: Lê An

Trước tình trạng này, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - ông Lê Quang Tự Do cho biết, để ngăn chặn vấn nạn lừa đảo ngày càng tinh vi trên không gian mạng, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt.

Trong đó đã triển khai các biện pháp kỹ thuật nhằm truy vết và gỡ bỏ tài khoản giả mạo. Ba nền tảng mạng xã hội phổ biến là Facebook, YouTube và TikTok cũng đã được yêu cầu siết chặt thuật toán AI để quét và gỡ tài khoản vi phạm. "Trong 6 tháng đầu năm, khoảng 30.000 tài khoản giả mạo đã được gỡ, tuy nhiên tình trạng tái diễn vẫn phức tạp" - theo ông Lê Quang Tự Do.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng đã tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân. Ngoài việc công bố các thủ đoạn lừa đảo trên trang cổng thông tin, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử còn tiếp nhận phản ánh của người dân để chuyển cho cơ quan chức năng xử lý. Bộ Công an cũng gửi tin nhắn cảnh báo trực tiếp tới người dân về các thủ đoạn lừa đảo mới.

Mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc, triển khai các biện pháp ngăn chặn mạnh mẽ, tuy nhiên ông Lê Quang Tự Do cho rằng, các biện pháp kỹ thuật chỉ mang tính tạm thời, giải pháp lâu dài và bền vững vẫn là nâng cao "sức đề kháng" của từng người dân trước các hình thức lừa đảo trực tuyến ngày một tinh vi.

Đặc biệt, thông qua nhiều kênh truyền thông, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về lừa đảo trên không gian mạng, báo chí được kỳ vọng sẽ tiếp tục đồng hành, đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện và cảnh báo sớm các thủ đoạn tinh vi. Qua đó góp phần ngăn chặn, hạn chế tối đa thiệt hại do lừa đảo mạng gây ra; góp phần xây dựng một môi trường mạng an toàn, lành mạnh, đáng tin cậy.

6 tháng năm 2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn nội dung vi phạm trên Facebook, YouTube, TikTok, Apple và Google; cấp mới nhiều giấy phép mạng xã hội, trang thông tin điện tử, trò chơi điện tử; phối hợp xử lý các vi phạm trong quảng cáo thực phẩm.

Bảo Thoa - Lê An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/can-nang-cao-suc-de-khang-cho-nguoi-dan-khi-lua-dao-truc-tuyen-ngay-cang-tinh-vi-412103.html